Loài động vật song hành, gắn bó với con người trong suốt quá trình tiến hóa
Hệ can chi theo Âm lịch của các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa cổ ứng với 12 con giáp, trong đó lợn là con giáp cuối cùng - Hợi, còn trước đó là Tuất (chó). Lợn cũng đứng cuối cùng trong lục súc.
Lợn nói chung vốn là động vật có nguồn gốc ở châu lục Á - Âu. Lợn rừng từ xa xưa được con người thuần hóa, nuôi như một dạng gia súc trong nhà để lấy thịt. Là con vật có sự gần gũi trong đời sống con người, hình ảnh của động vật này sớm đi vào thơ ca, hội họa, trở thành biểu tượng của một số nền văn hóa.
Có thể nói, lợn là loài vật gắn bó và song hành với con người suốt trong quãng đường dài tiến hóa. Bởi vậy, nó có mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người châu Á, châu Âu mà còn ở các nền văn minh khác.
Hình ảnh chú lợn trong nền văn hóa Việt Nam
Con lợn trong tâm thức của người Việt tượng trưng cho sự no ấm, nhàn nhã và sung túc. Chẳng thế mà người xưa từng có câu “Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”. Cũng từ quan niệm đó, tranh dân gian Đông Hồ sớm xuất hiện hình ảnh của những chú lợn trong những bức tranh ngày Tết, bởi đây là con vật mang lại nhiều may mắn.
Hình tượng đàn lợn mang ý nghĩa biểu tượng của sum vầy, sung túc trong tranh Đông Hồ ngày Tết.
Thuở trước cứ vào độ cuối năm, nhà nhà lại thường mua tranh Đông Hồ với hình ảnh gia đình nhà lợn để làm quà biếu tết, với ngụ ý chúc gia chủ no đủ sung túc cả năm. Đó là bức tranh “Đàn lợn âm dương” hay “Lợn ăn cây dáy” với ý nghĩa hình tượng và trang trí cao. Bức tranh với đàn lợn con đang quây quần bên lợn mẹ, có bố cục giản dị nhưng đậm đà tính hiện thực. Trên mình lợn được nghệ nhân làng Hồ vẽ những vòng xoáy Âm - Dương mang ngụ ý sinh sôi nảy nở, qua đó gửi gắm ước mơ của người nông dân về một cuộc sống sung túc sum vầy, gia đình hòa thuận, con cháu đầy đàn, hạnh phúc ấm no…
Không chỉ trên tranh Tết, lợn còn xuất hiện trong các hình thù chạm khắc dân gian của người Việt, từ điêu khắc đình làng, các bức tượng, cho tới vật dụng vốn từng rất quen thuộc với trẻ nhỏ xưa kia - chú lợn đất đựng tiền.
Lan man đến câu chuyện của ẩm thực, thì đụng lợn ngày Tết đã vốn trở thành nét đẹp trong văn hóa người Việt. Vào dịp Tết đến xuân về, ở những vùng quê nhỏ lại rôm rả í ới gọi nhau đụng lợn. Cứ vài nhà lại chung nhau một con lợn, chia thịt theo từng phần. Lợn được xẻ trước Tết để các nhà kịp có thịt gói bánh chưng, nấu đông, làm giò chả. Khi tiếng lợn kêu éc éc, mỗi người một công một việc. Cánh đàn ông bận đun nước, cắt tiết làm lông lợn, các chị phụ nữ chuẩn bị rổ rá chia phần, còn đám trẻ nhỏ lại tranh nhau phần đuôi hay cái bong bóng lợn. Dường như khi đó không khí ngày Xuân của sự sum họp, của những sẻ chia đã về thật gần.
Rồi tới mâm cơm ngày Tết của người Việt, cho dù giản dị đơn sơ hay sơn hào hải vị, thịt lợn vẫn là thực phẩm chủ đạo. Nếu như người miền Bắc không thể thiếu bánh chưng, giò chả, thịt nấu đông, cho tới bát canh măng chân giò hầm hay nấu bóng bì (chế biến từ da lợn), thì người miền Nam phải có nồi thịt kho hột vịt mới đủ không khí ngày Xuân…
Những chú lợn còn đi vào nghi lễ phong tục của người Việt. Có xã, làng nuôi lợn đợi đến lễ hội Xuân mới mang “Ông Ỉn” ra tế sinh. Với những nghi thức này, người dân cầu mong đón một năm mới an lành, may mắn.
Đến những chú heo trong các nền văn hóa khác nhau
Trong những nền văn hóa khác nhau, địa vị của loài vật này cũng có sự khác biệt rất lớn.
Ngay từ thế kỷ 12, người Hồi giáo đã ban lệnh cấm ăn thịt lợn. Theo tín ngưỡng của họ, lợn không phải là động vật sinh ra làm thức ăn cho con người. Trước đây, nhiều người tin rằng, đạo Hồi cấm ăn thịt lợn vì cho rằng đó là con vật linh thiêng. Nhưng trên thực tế, người Hồi giáo không ăn thịt lợn vì cho rằng đó là động vật bẩn thỉu. Người Do Thái thậm chí còn cho rằng lợn là hiện thân của quỷ dữ và họ cũng không ăn thịt của loài vật này.
Lợn là một trong những động vật song hành và gắn bó mật thiết với con người trong suốt quá trình tiến hóa.
Tương tự, tại một số quốc gia đều không “coi trọng” con vật này, thậm chí coi rằng đó là biểu tượng của sự phàm ăn, tượng trưng cho ngu dốt, tham lam và dục vọng.
Trong khi đó, ở một số quốc gia phương Tây, lợn lại là loài vật được coi trọng. Thời Hy Lạp cổ, lợn là con vật hiến tế cho Nữ thần Demeter. Châu Âu thời cổ đại, lợn được Nữ thần sinh sản yêu thích. Do vậy, lợn còn mang ý nghĩa biểu tượng của sự thịnh vượng, trù phú.
Tại Ireland, lợn là loài vật linh thiêng được tôn thờ. Trong kho tàng văn học cổ của người Ireland, truyền thuyết về con vật này chiếm một số lượng không nhỏ. Trong câu chuyện sử thi của người Ireland có những cái tên liên quan tới động vật này, một trong số đó là Mucinis, có nghĩa là “đảo lợn”.
Văn hóa Trung Quốc cũng như một số nước Đông Nam Á đề cao hình ảnh của lợn nhờ sự mập mạp, béo tốt và mắn đẻ. Hình ảnh những chú lợn sớm xuất hiện trong món đồ cổ như chén gốm đen khắc hình lợn rừng của nền văn hóa Hà Mẫu Độ, khoảng năm 5.000 đến 4.000 năm trước công nguyên. Hay trong chiêm tinh học Trung Hoa gắn đặc tính của lợn vào những người sinh năm Hợi. Người nào sinh vào năm này thường được tin rằng sẽ có cuộc đời thong thả, sung túc, và may mắn.
Quốc gia láng giềng của Trung Quốc - Hàn Quốc cũng đề cao hình ảnh của con lợn và dùng lịch can chi với hình tượng 12 con giáp. Còn với người Nhật, lợn rừng còn gọi là inoshishi, là vật cưỡi của Thần chiến tranh Usa Hachiman, là biểu tượng của sự dũng mãnh. Từ đặc điểm dũng cảm của lợn, người Nhật cũng đặt họ tên con cái có chứa từ “lợn”. Họ làm vậy không phải vì lợn dễ nuôi, mà muốn đánh giá cao tinh thần dũng cảm của loài lợn.
Tương tự, người châu Âu cũng có nhận thức khá giống người Nhật và cho rằng lợn rừng tuy là loài động vật hung dữ, nhưng cứng rắn trong số các loài thú, dù chúng không có sừng. Mẫu hình lợn được chạm khắc trên các huy hiệu ở châu Âu, biểu tượng của lòng dũng cảm, như huy hiệu Richard III của Anh có hình hoa văn hai con lợn bao quanh, hay huy hiệu của Campbell Clan ở Scotland có thiết kế thủ lợn…
Việt Hà