Mụn đầu đen là loại mụn phổ biến, đặc trưng bởi những chấm đen nhỏ, khiến da thô ráp và mất thẩm mỹ. Nặn hoặc lột mụn đầu đen không đúng cách, điều trị sai phương pháp có thể làm tình trạng nặng hơn, gây viêm nhiễm, tiến triển thành mụn mủ, mụn bọc. Dưới đây là 7 cách trị mụn đầu đen tại nhà hiệu quả, không để lại thâm sẹo, bạn có thể tham khảo.
Nguyên nhân gây mụn đầu đen là gì?
Mụn đầu đen có kích thước nhỏ, nhân mụn trồi lên trên bề mặt da, không đau, thường gặp ở mũi, cằm, 2 má, cổ, lưng và ngực. Mụn đầu đen không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng khiến người bệnh tự ti, mặc cảm về ngoại hình. (1)
Mụn đầu đen là mụn trứng cá mở, xuất hiện khi tuyến dầu hoạt động mạnh nhưng không thể thoát khỏi bề mặt da do vi khuẩn, bụi bẩn, tế bào chết tích tụ khiến lỗ chân lông bít tắc. Nốt mụn bị oxy hóa do tiếp xúc với không khí nên nhân có màu đen. Nguyên nhân gây mụn gồm:
- Tuyến bã tăng sản xuất bã nhờn khiến lỗ chân lông bít tắc. Nếu không vệ sinh da sạch sẽ, vi khuẩn, tế bào chết, bụi bẩn tích tụ ở lỗ chân lông dẫn đến mụn.
- Chế độ ăn uống: sử dụng thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay nóng, uống nước ngọt, bia, rượu,… cũng là nguyên nhân khiến da dễ nổi mụn đầu đen.
- Uống không đủ nước: nước giúp đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể, giữ cho da ngậm nước, ngăn lỗ chân lông bít tắc, giảm nguy cơ hình thành mụn.
- Lối sống không lành mạnh: tình trạng căng thẳng, áp lực, ăn nhiều đồ dầu mỡ, thức ăn nhanh, thức khuya, vệ sinh da không kỹ, lạm dụng mỹ phẩm chăm sóc da,… là những yếu tố dễ gây mụn đầu đen.
- Tự ý dùng thuốc: việc tự ý mua thuốc điều trị, nhất là các sản phẩm chứa lithium, corticoid có thể khiến tình trạng da nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc tránh thai và một số loại thuốc khác có thể làm da tăng sản xuất bã nhờn dễ hình thành mụn.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ gây mụn đầu đen gồm:
- Da dầu.
- Tế bào chết tích tụ trên bề mặt da kết hợp với bã nhờn khiến lỗ chân lông bít tắc hình thành mụn đầu đen.
- Nội tiết tố thay đổi ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, sử dụng thuốc ngừa thai, phụ nữ giai đoạn mang thai cũng là những nguyên nhân khiến mụn đầu đen dễ xuất hiện.
- Môi trường: tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn có thể làm tăng nguy cơ bị mụn đầu đen.
- Lạm dụng hoặc dùng mỹ phẩm không phù hợp, không tẩy trang kỹ có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Chạm vào mặt khi chưa rửa tay.
- Stress: tình trạng căng thẳng có thể tăng sản xuất cortisol - hormone gây tăng tiết bã nhờn trên da.
- Đổ nhiều mồ hôi.
- Hội chứng tiền mãn kinh (PMS), hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Bài viết liên quan: Mụn đầu đen có tự hết được không?
Chẩn đoán tình trạng mụn đầu đen
Mụn đầu đen đặc trưng bởi các đốm đen hoặc nâu, thường xuất hiện ở vùng da dầu như mũi, trán, cằm nên rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, để được chẩn đoán chính xác hơn và tư vấn điều trị mụn đầu đen đúng cách, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu. Các bác sĩ sẽ dùng máy soi da kiểm tra tình trạng, loại mụn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Làm sao để xử lý hết mụn đầu đen?
Mụn đầu đen làm da sần sùi, thô ráp, lỗ chân lông to và khó loại bỏ. Điều trị sai cách hoặc tự nặn mụn có thể gây viêm nhiễm khiến tình trạng nặng hơn. Tùy tình trạng mụn mà sẽ có phương pháp loại bỏ mụn đầu đen.
1. Trường hợp nhẹ
Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ kết hợp tẩy da chết. Ngoài ra, có thể dùng các sản phẩm không kê đơn chứa axit salicylic, benzoyl peroxide giúp làm sạch bã nhờn, bụi bẩn, vi khuẩn gây hại.
2. Trường hợp nặng kèm viêm nhiễm
Trường hợp các biện pháp trên không mang lại hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được kiểm tra tình trạng da, tư vấn phương pháp, hướng dẫn sử dụng thuốc nhằm giảm sưng, điều trị nhiễm trùng, ngừa sẹo.
Hướng dẫn cách trị mụn đầu đen, hết sạch ngay tại nhà
Bên cạnh những biện pháp kể trên, có thể điều trị mụn đầu đen tại nhà bằng các cách sau: (2)
1. Làm sạch da bằng các sản phẩm có chứa Axit salicylic
Axit salicylic là thành phần không kê đơn phổ biến trong nhiều loại sữa rửa mặt, kem dưỡng, có tác dụng phá vỡ các tế bào da chết và dầu thừa trước khi chúng gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
2. Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng với AHA và BHA
Tẩy tế bào chết bằng AHA và BHA là một phần quan trọng trong quy trình chăm sóc da. Việc tẩy tế bào chết bằng AHA và BHA giúp làm sáng da, giảm nếp nhăn, cải thiện tình trạng mụn đầu đen và tắc nghẽn lỗ chân lông.
Khi sử dụng sản phẩm chứa AHA hoặc BHA, cần tuân theo hướng dẫn cụ thể ghi trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ da liễu. Không lạm dụng để tránh kích ứng da. Sản phẩm chứa AHA và BHA có thể làm da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, vì vậy, nên sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài.
3. Kem dưỡng da Retinol
Kem và lotion chứa retinoid có thể hỗ trợ điều trị mụn đầu đen và mụn đầu trắng hiệu quả, đồng thời giúp ngăn lỗ chân lông bít tắc. Tuy nhiên, retinol có thể khiến da nhạy cảm, do đó nên giãn cách thời gian sử dụng hoặc dùng kết hợp với kem dưỡng ẩm, tránh nắng kỹ.
4. Dùng cọ, máy rửa mặt chăm sóc da
Dùng cọ hoặc máy rửa mặt có thể giúp loại bỏ tế bào chết và dầu thừa trên da. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng loại bỏ mụn đầu đen hiệu quả, thực hiện cẩn thận để tránh gây tổn thương cho da. Với phương pháp này, cần lưu ý những điều sau:
- Loại da: máy rửa mặt và cọ chỉ phù hợp với một số loại da. Da nhạy cảm, đang nổi mụn hoặc viêm nhiễm có thể kích ứng nếu sử dụng cọ hoặc máy rửa mặt.
- Thực hiện đúng cách: không thao tác bằng cọ hoặc máy rửa mặt quá mạnh, thường xuyên để tránh tổn thương da.
5. Mặt nạ đất sét
Mặt nạ đất sét có thể giúp giảm mụn đầu đen và làm sạch lỗ chân lông nhưng hiệu quả có thể khác nhau tùy vào loại da và cách sử dụng mặt nạ. Sử dụng mặt nạ đất sét cần lưu ý:
- Loại da: mặt nạ đất sét thường phù hợp cho da dầu và da hỗn hợp. Da khô có thể kích ứng sau khi sử dụng.
- Thành phần chứa trong mặt nạ.
- Tần suất sử dụng: nên sử dụng mặt nạ đất sét 1-2 lần/tuần, mỗi lần không quá 20 phút. Sử dụng hàng ngày có thể gây khô da.
- Bôi kem chống nắng.
6. Mặt nạ than hoạt tính
Mặt nạ than hoạt tính có khả năng hấp thụ bã nhờn và các chất độc hại, làm sáng da, giảm mụn đầu đen. Để kiểm soát mụn đầu đen hiệu quả, nên sử dụng mặt nạ này theo hướng dẫn ghi trên sản phẩm, bôi kem chống nắng. Ngưng dùng khi gặp tình trạng kích ứng.
7. Peel da
Peel da (hay tái tạo da bằng hóa chất) có thể hỗ trợ điều trị một số loại mụn. Phương pháp này giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, kích thích tăng sinh collagen và tế bào mới. Peel da nên được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn cao. Vì các dưỡng chất dùng trong peel da chủ yếu là axit. Không biết cách pha chế, dùng sai liều lượng sẽ dẫn đến bỏng da, để lại sẹo.
8. Bằng các phương pháp dân gian, thiên nhiên
Điều trị mụn đầu đen bằng các phương pháp dân gian được khá nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại của các phương pháp này vẫn chưa có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy độ an toàn và tính phù hợp với việc điều trị mụn đầu đen, thậm chí một số trường hợp còn làm tình trạng mụn đầu đen thêm trầm trọng dẫn đến viêm, sưng tấy.
Nên và không nên làm gì khi điều trị mụn đầu đen
1. Nên
Mụn đầu đen không khó điều trị nhưng nếu không thực hiện đúng cách, tình trạng này dễ tái lại. Để ngừa mụn đầu đen, bạn nên:
- Làm sạch da hàng ngày bằng sữa rửa mặt phù hợp nhằm loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn và tế bào da chết. Tẩy trang kỹ.
- Thoa kem chống nắng:ánh nắng mặt trời có thể kích thích sản xuất dầu trên da, tăng nguy cơ bị mụn đầu đen. Thậm chí, một số thuốc trị mụn có thể khiến da nhạy cảm với tia UV. Vì vậy, nên bôi kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30 để bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời.
- Khám bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da để được kiểm tra và tư vấn phương pháp điều trị mụn đầu đen.
- Ăn uống lành mạnh: cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, bổ sung trái cây, rau xanh vào bữa ăn hàng ngày; uống đủ nước và duy trì lối sống khoa học.
2. Không nên
Khi vùng da xuất hiện mụn đầu đen, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Không chạm hay sờ tay lên mặt quá nhiều.
- Không nên nặn hoặc lột mụn đầu đen vì có thể gây viêm nhiễm, để lại sẹo.
- Không sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa cồn.
- Hạn chế các thực phẩm từ sữa và thực phẩm giàu carbohydrate; nước ngọt có gas; thức ăn nhiều dầu mỡ,…
- Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc da gây kích ứng, tiết nhiều dầu hoặc bã nhờn, làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
- Không nên lạm dụng nhiều mỹ phẩm.
Bài viết liên quan: Có nên nặn mụn đầu đen không? 3 lý do khiến bạn phải cân nhắc
6 cách chăm sóc da ngăn ngừa mụn đầu đen
Để ngừa mụn đầu đen, cần giữ cho lỗ chân lông thông thoáng, tránh nặn hoặc lột mụn vì có thể gây viêm nhiễm. Ngoài ra, cần chăm sóc da đúng cách để ngăn mụn xuất hiện. Dưới đây là 6 cách chăm sóc da ngăn mụn đầu đen bạn có thể tham khảo:
1. Rửa mặt đúng cách
Rửa mặt 2 lần/ngày bằng các sản phẩm phù hợp với da mụn, không gây kích ứng hoặc tiết nhiều dầu nhờn. Không chà xát mạnh, nên massage nhẹ nhàng để loại bỏ bụi bẩn, cặn trang điểm.
2. Nghỉ ngơi và thư giãn
Đảm bảo ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng, áp lực. Bởi căng thẳng có thể kích thích tuyến bã tăng sản xuất bã nhờn khiến tình trạng mụn nặng hơn.
3. Gội đầu thường xuyên
Dầu thừa và bụi bẩn trên tóc sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông, hình thành mụn. Do đó, nên gội đầu thường xuyên nếu vùng da đầu đổ nhiều dầu.
4. Cẩn trọng khi sử dụng mỹ phẩm
Lựa chọn mỹ phẩm phù hợp với da mụn, không gây tiết nhiều dầu để tránh bít tắc lỗ chân lông.
5. Tẩy tế bào chết định kỳ
Tẩy tế bào chết 2 lần/tuần bằng các sản phẩm phù hợp để làm sạch lớp da chết tích tụ trong lỗ chân lông, kết hợp với đắp mặt nạ dưỡng ẩm để cung cấp độ ẩm cần thiết cho da, giảm mụn đầu đen, mờ thâm.
6. Chế độ sinh hoạt khoa học
Hạn chế uống nước ngọt có gas, cà phê, bia rượu,… Duy trì sinh hoạt lành mạnh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, bổ sung trái cây, rau xanh vào thực đơn hàng ngày, uống đủ 2 lít nước/ngày. Tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng.
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có các dịch vụ điều trị bệnh cao cấp, chuyên sâu. Với trang thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da luôn mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tận tâm, chất lượng, hiệu quả cho người bệnh như: điều trị mụn, nám, hói đầu, rụng tóc sau sinh, chàm, vảy nến, viêm da cơ địa, cải thiện sắc tố da, triệt lông, ngăn da chảy xệ và các vấn đề về da khác.
Trên đây là 7 cách trị mụn đầu đen tại nhà hiệu quả, không để lại thâm sẹo. Tùy loại da, tình trạng mụn mà các phương pháp trên chỉ phù hợp với một số người. Vì vậy, bạn nên đến khám chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được các bác sĩ kiểm tra, dùng máy soi da hiện đại để xác định nguyên nhân gây mụn, tình trạng da, đưa ra tư vấn và hướng dẫn điều trị cụ thể cho từng trường hợp.