Chỉ nên giữ cơm nguội trong tủ lạnh tối đa 24 tiếng và hâm nóng 1 lần.
Ăn cơm nguội có gây ung thư?
Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin cho rằng cơm nguội hâm đi hâm lại dễ gây ngộ độc, thậm chí gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng trong và ngoài nước đều phủ nhận, hiện nay y văn chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư vì ăn cơm nguội hâm nóng. Song để tránh các trường hợp ngộ độc thực phẩm do sự xâm nhập của các yếu tố có hại lên cơm nguội như động vật bò vào cơm, cơm thiu... người tiêu dùng cần bảo quản và hâm nóng đúng cách.
Tờ DailyMail dẫn lời của bà Fiona Hunter, chuyên gia dinh dưỡng ở Anh cho rằng cơm cần được bảo quản tủ lạnh trong vòng 1 tiếng sau khi ăn. Bên cạnh đó, chỉ nên giữ cơm trong tủ lạnh tối đa 24 tiếng và hâm nóng một lần.
Vị này cho hay: "Chúng ta có thể hâm nóng cơm nhưng phải đảm bảo cơm nguội được bảo quản đúng cách trước đó", cô cũng cho biết thêm gạo có thể chứa các bào tử của một loại vi khuẩn có tên Bacillus cereus. Những bào tử này có khả năng còn sót sau khi cơm chín. Khi để cơm ở nhiệt độ phòng, bào tử sẽ phát triển thành vi khuẩn và sinh ra các chất độc gây tiêu chảy hoặc nôn ói.
Chỉ nên giữ cơm nguội trong tủ lạnh tối đa 24 tiếng và hâm nóng một lần. Ảnh: Internet
Bà Fiona Hunter cũng lưu ý cơm đã nấu chín, càng để lâu ở nhiệt độ phòng thì càng làm tăng khả năng sinh sôi của vi khuẩn. "Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên cho cơm nguội vào tủ lạnh trong vòng 1 giờ, hoặc càng sớm càng tốt, nếu có ý định hâm nóng lại để ăn. Khi hâm lại nếu thấy cơm có mùi lạ, hoặc các dấu hiệu không an toàn tốt nhất hãy vứt bỏ chúng để tránh các trường hợp ngộ độc xảy ra" - vị chuyên gia này chia sẻ.
Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng khẳng định cơm nguội nếu được nấu chín và bảo quản đúng cách trong vòng 24 giờ thì hoàn toàn an toàn. Vị chuyên gia cũng chia sẻ thêm: "Cũng phải nhấn mạnh một vấn đề rằng khi ăn cơm nguội chắc chắn chất dinh dưỡng sẽ không được bằng cơm mới nấu".
Bảo quản cơm nguội trong tủ lạnh đúng cách
Chia sẻ với báo chí, TS-BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện y học Ứng dụng, đã đưa ra các lưu ý khi bảo quản cơm nguội để an toàn cho sức khỏe, tránh nguy cơ phát triển vi khuẩn có hại trong cơm nguội. Cụ thể:
- Không để cơm ngoài không khí với nhiệt độ thường vì dễ ôi thiu, nên bảo quản cơm nguội trong ngăn mát tủ lạnh và đậy nắp kín khi bảo quản, khi ăn đem ra hấp lại. Cần lưu ý, cơm nóng còn thừa phải làm nguội nhanh rồi mới bảo quản trong tủ lạnh.
- Không nên bảo quản cơm quá 24 tiếng, dù lưu giữ trong tủ lạnh, cũng không nên hâm nóng cơm quá hai lần để đảm bảo chất dinh dưỡng.
- Không để các thực phẩm hoặc thức ăn khác dính vào cơm nguội trong quá trình bảo quản vì dễ khiến cơm bị thiu.
- Khi hấp cơm bằng nồi cơm điện nên để cơm nguội riêng một góc nồi và không nên đảo đều phần cơm hấp với cơm mới.
Trong trường hợp hấp cơm bằng lò vi sóng, người tiêu dùng nên cho cơm vào bát có nắp, không nên đậy kín. Không dùng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng, nên dùng bát thủy tinh hoặc bát có màu trắng (không có hoa văn họa tiết) để hâm cơm nói riêng và đồ ăn nói chung trong lò vi sóng.