Thuốc corticoid được chỉ định điều trị nhiều bệnh khác nhau nhờ tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch. Trên thị trường hiện nay, thuốc chứa corticoid được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau. Vậy corticoid có tất cả bao nhiêu dạng? Bài viết sau sẽ đề cập cụ thể hình ảnh thuốc corticoid.
Giới thiệu về thuốc Corticoid
Kể từ khi được phát hiện, corticoid đã được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực y học. Corticoid là chất tổng hợp tương tự của hormone steroid tự nhiên được sản xuất bởi vỏ thượng thận và bao gồm glucocorticoid và mineralocorticoid. Các hormone tổng hợp có mức độ đặc tính glucocorticoids và mineralocorticoids khác nhau. Glucocorticoids chủ yếu tham gia vào quá trình trao đổi chất và có tác dụng ức chế miễn dịch, chống viêm và co mạch. Trong khi mineralocorticoids điều chỉnh cân bằng điện giải và nước bằng cách tác động đến sự vận chuyển ion trong tế bào biểu mô của ống thận. (1)
Tuy nhiên, thuật ngữ corticoid trong thực tế thường được sử dụng để chỉ tác dụng của glucocorticoid. Glucocorticoids là hormone gây căng thẳng chính điều chỉnh nhiều quá trình sinh lý khác nhau và rất cần thiết cho sự sống. Corticoid là một trong những nhóm thuốc được kê đơn rộng rãi nhất trên toàn thế giới, với thị trường ước tính hơn 10 tỷ USD mỗi năm, giúp điều trị hàng trăm loại bệnh khác nhau. Những chỉ định này nói chung có thể nhóm thành các rối loạn viêm và nhiễm trùng, bệnh dị ứng và tự miễn, sốc, hạ canxi máu, thúc đẩy bài tiết nước, điều trị hạ đường huyết bệnh lý, ức chế tiết quá mức vỏ thượng thận, ngăn thải ghép, rối loạn thần kinh, rối loạn huyết học, rối loạn da.
Vai trò đối với hệ nội tiết của corticoid thường là trong việc giúp kiểm soát tình trạng suy tuyến thượng thận và tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh. Ngoài ra, corticoid còn có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch hiệu quả giúp điều trị cho người mắc bệnh rối loạn miễn dịch và viêm nhiễm. Corticoid còn được sử dụng như liệu pháp thay thế trong trường hợp suy thượng thận.
Bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng corticoid đối với các bệnh:
- Dị ứng và phổi: hen suyễn cấp tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), sốc phản vệ, nổi mề đay và phù mạch, viêm mũi, viêm phổi, bệnh u hạt (sarcoidosis), bệnh phổi kẽ.
- Da liễu: viêm da tiếp xúc, bệnh Pemphigus vulgaris.
- Nội tiết: suy thượng thận, tăng sản thượng thận bẩm sinh.
- Tiêu hóa: bệnh viêm ruột, viêm gan tự miễn.
- Huyết học: thiếu máu tán huyết, ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
- Thấp khớp: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ, viêm da cơ.
- Nhãn khoa: viêm màng bồ đào, viêm giác mạc.
- Khác: ghép tạng, trưởng thành phổi trước khi sinh, hội chứng thận hư, phù não, bệnh đa xơ cứng.
Hình ảnh thuốc Corticoid theo các dạng bào chế
1. Viên nén
Xem hình ảnh thuốc Corticoid dạng viên nén sau đây:
2. Dung dịch tiêm
Xem hình ảnh thuốc Corticoid dạng tiêm sau đây:
3. Kem và thuốc mỡ bôi ngoài da
Xem hình ảnh thuốc Corticoid dạng bôi sau đây:
4. Thuốc nhỏ mắt
Xem hình ảnh thuốc Corticoid dạng thuốc nhỏ mắt sau đây:
5. Hình ảnh khác
Xem hình ảnh thuốc Corticoid dạng xịt sau đây:
Hình ảnh thuốc Corticoid theo từng loại
1. Hình ảnh các loại viên nén
Xem hình ảnh thuốc Corticoid loại viên nén đây:
2. Hình ảnh các loại dung dịch tiêm
Xem hình ảnh thuốc Corticoid loại dung dịch tiêm đây:
3. Hình ảnh các loại kem và thuốc mỡ bôi ngoài da
Xem hình ảnh thuốc Corticoid loại kem và thuốc mỡ bôi ngoài da sau đây:
4. Hình ảnh các loại thuốc nhỏ mắt
Xem hình ảnh thuốc Corticoid loại thuốc nhỏ mắt sau đây:
Tác dụng của thuốc Corticoid
Corticoid có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch, hỗ trợ chuyển hóa protein và carbohydrate, điều chỉnh cân bằng nước và điện giải, tác động lên hệ thần kinh và hệ thống miễn dịch.
Tác dụng phụ của thuốc Corticoid
Mặc dù có hiệu quả đáng kể nhưng nhiều tác dụng phụ làm hạn chế công dụng của corticoid. Tác dụng phụ cũng được quyết định bởi liều dùng trung bình và thời gian sử dụng thuốc, vì vậy tác dụng phụ sẽ phổ biến hơn ở người dùng thuốc liều lượng cao và sử dụng trong thời gian dài. Các tác dụng phụ của corticosteroid thường gặp nhất bao gồm loãng xương và gãy xương, ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (HPA), hội chứng Cushing, tiểu đường và tăng đường huyết, bệnh cơ, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể, rối loạn tâm thần, ức chế miễn dịch, bệnh tim mạch, rối loạn tiêu hóa và da liễu.
1. Loãng xương, gãy xương và hoại tử xương
Corticoid làm suy yếu quá trình khoáng hóa của chất nền xương bằng cách hỗ trợ hoạt động của các tế bào hủy xương đồng thời ức chế sự hấp thu canxi trong ruột. Corticoid cũng đã được chứng minh là làm giảm sự hình thành xương bằng cách giảm hoạt động và tuổi thọ của các nguyên bào xương, thúc đẩy quá trình tự hủy của tế bào xương.
2. Ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận
Việc sản xuất corticosteroid chịu sự điều hòa của trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (HPA). Việc tạo ra corticosteroid nhanh chóng để đáp ứng với tình trạng viêm và các tác nhân gây căng thẳng khác nhưng chúng cũng tuân theo các mô hình bài tiết liên quan đến nhịp sinh học. Ức chế tuyến thượng thận xảy ra khi trục HPA tiếp xúc với corticosteroid ngoại sinh dẫn đến sản xuất cortisol không đủ. Ngoài ra, corticosteroid dạng hít và thậm chí bôi tại chỗ dùng trong thời gian dài cũng có thể gây ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận. Sự ức chế tuyến thượng thận thường xảy ra sau khi ngừng điều trị bằng corticosteroid đột ngột. Do đó, việc giảm liều corticosteroid dần dần thường là một phần của phác đồ điều trị bằng corticosteroid.
3. Hội chứng Cushing
Biểu hiện qua việc tăng cân và tái phân bổ mỡ khi cơ thể có quá nhiều cortisol.
4. Bệnh tiểu đường và tăng đường huyết
Corticoid là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh đái tháo đường. Điều trị bằng corticoid cũng làm tăng tình trạng đề kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường. Thuốc có khả năng làm tăng đường huyết trong vòng vài giờ sau khi người bệnh sử dụng thuốc.
5. Bệnh cơ
Corticoid có liên quan đến yếu cơ và teo cơ trong vài tuần đến vài tháng. Sử dụng liều cao làm tăng khả năng làm bệnh khởi phát nhanh hơn. Corticoid có tác dụng dị hóa trên cơ, dẫn đến giảm tổng hợp protein và tăng quá trình dị hóa protein.
6. Bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể
Điều này phụ thuộc vào liều lượng corticoid mà người bệnh sử dụng. Bệnh tăng nhãn áp là biến chứng nghiêm trọng nếu sử dụng quá nhiều corticoid. Áp lực gia tăng này có thể hết trong vòng vài tuần sau khi ngừng điều trị bằng corticoid; tuy nhiên tổn thương thần kinh thị giác và mất thị trường có khả năng vĩnh viễn không thể hồi phục.
7. Rối loạn tâm thần
Corticoid có thể gây ra một loạt rối loạn tâm thần, bao gồm kích động, mất ngủ, khó chịu, hưng cảm nhẹ, lo âu và tâm trạng thất thường. Các đợt dùng corticoid ngắn hạn có thể tạo ra cảm giác hưng phấn ở nhiều người và tiến triển thành các triệu chứng trầm cảm khi tiếp tục sử dụng.
8. Ức chế miễn dịch
Tác dụng ức chế miễn dịch và chống viêm của corticoid cũng làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng ở người bệnh sử dụng corticoid toàn thân. Tác dụng ức chế miễn dịch bị ảnh hưởng không chỉ bởi liều lượng mà còn bởi tuổi tác của người bệnh, các rối loạn tiềm ẩn và việc sử dụng đồng thời các thuốc khác. Đặc biệt, người bệnh dùng corticoid dễ bị nhiễm nấm và virus xâm lấn.
9. Tác dụng phụ về tim mạch
Sử dụng corticoid làm tăng khả năng mắc các bệnh như tăng huyết áp, tăng đường huyết, béo phì. Hoạt động của mineralocorticoid, thay đổi tùy theo loại corticoid mà người bệnh sử dụng, dẫn đến việc giữ nước và natri cùng với bài tiết kali.
10. Tác dụng phụ về đường tiêu hóa
Sử dụng corticoid có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa bao gồm viêm dạ dày, bệnh loét dạ dày, chướng bụng và khó tiêu.
11. Tác dụng phụ trên da
Sử dụng corticoid có thể gây teo da, dẫn đến da mỏng, dễ bong tróc, nổi mẩn và ban xuất huyết. Ngoài ra, corticoid còn làm da chậm lành thương, vì corticoid ức chế sự di chuyển của bạch cầu và đại thực bào, làm giảm sự tổng hợp collagen để vết thương khép miệng, đồng thời làm giảm sự tăng trưởng tế bào sừng sau hồi phục.
12. Ức chế tăng trưởng
Ngoài những tác dụng phụ nêu trên, trẻ em và thanh thiếu niên cũng có nguy cơ bị ức chế tăng trưởng. Trẻ em dùng corticoid toàn thân có thể bị chậm phát triển và dậy thì muộn, thậm chí suy giảm chiều cao. Đây cũng có thể là dấu hiệu của sự ức chế trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Corticoid
Mặc dù có nhiều tác dụng phụ nhưng corticosteroid vẫn là một lựa chọn điều trị tối ưu cho rất nhiều bệnh khác nhau. Trường hợp người bệnh cần dùng corticosteroid trong thời gian dài, những lưu ý sau có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các tác dụng phụ: (2)
- Nên thảo luận với bác sĩ về việc dùng corticosteroid liều thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị, ví dụ như bạn có thể thử dùng corticosteroid đường uống cách ngày thay vì hàng ngày hay không.
- Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giải quyết nhiều tác dụng phụ như phòng tránh tăng cân, ngăn ngừa loãng xương, kiểm soát lượng đường trong máu, ổn định trạng thái tinh thần và cải thiện giấc ngủ.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung thêm nhiều rau xanh và trái cây vào thực đơn hàng ngày, hạn chế đường và muối.
- Khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn và bất cứ triệu chứng bất thường nào trong quá trình điều trị bằng corticoid. Bác sĩ cũng có thể giúp sàng lọc và giảm thiểu các tác dụng phụ, như loãng xương hoặc các vấn đề về mắt.
- Không tự ý ngưng sử dụng corticosteroid dài hạn một cách đột ngột, đặc biệt nếu bạn đang dùng liều cao.
Chuyên khoa Mắt, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm cùng chuyên môn sâu chuyên điều trị các bệnh nội tiết và da liễu như đái tháo đường, hen suyễn, viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, suy tuyến thượng thận,… sẽ luôn đồng hành trong suốt quá trình thăm khám, sàng lọc, lên phác đồ điều trị giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục, ổn định sức khỏe.
Bài viết trên đã chia sẻ cụ thể về hình ảnh thuốc corticoid. Hiện nay corticoid được bào chế theo rất nhiều dạng khác nhau và được bán tự do trên thị trường, tuy nhiên người dân lưu ý không nên tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ, vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ để lại tác dụng phụ cho sức khỏe. Do đó, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để có phương pháp điều trị thích hợp.