Tra dầu cho quạt là việc làm cần thiết, giúp thiết bị vận hành trơn tru, êm ái hơn. Vậy cách tra dầu vào quạt hộp, quạt treo tường, quạt trần, quạt cây thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết này của META để có câu trả lời nhé.
1. Dầu tra quạt nên dùng loại nào?
Loại dầu tra quạt được các chuyên gia và kỹ thuật viên khuyên sử dụng tốt nhất là dầu nhớt (luyn) mới chưa qua sử dụng. Bạn có thể bớt lại 1 chút dầu mới khi thay dầu xe máy hoặc mua hẳn 1 chai về dùng dần.
Có hai loại thường được dùng để tra quạt là dầu luyn và dầu máy may (dầu máy khâu).
- Dầu nhớt xe máy: là loại dầu có độ nhớt cao, đủ yêu cầu để trục quay quạt hoạt động trơn tru. Nếu không có dầu luyn mới thì có thể dùng tạm dầu luyn đã qua sử dụng, nhưng nó chỉ giúp quạt chạy êm hơn ở thời gian đầu, về sau có thể ảnh hưởng đến chất lượng động cơ, vì dầu đã qua sử dụng đã có bụi bẩn.
- Dầu máy khâu: cũng là được nhiều người sử dụng để tra dầu cho quạt. Loại dầu này có thể cải thiện một phần vấn đề quạt kêu rít, chạy chậm nhưng chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn do độ nhớt của dầu máy may thấp.
Lưu ý: Hiện nay một số thông tin cho rằng có thể sử dụng dầu ăn để tra cho quạt. Tuy nhiên bạn không nên áp dụng theo nhé. Dầu ăn không có độ nhớt tốt, đồng thời loại dầu này lại dễ bắt lửa, không có khả năng chịu nhiệt nên khi sử dụng cho quạt là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cực cao.
2. Cách tra dầu vào quạt treo tường, quạt cây đúng nhất
Quạt treo tường và quạt cây có cấu tạo bầu quạt khá giống nhau nên cách tra dầu cho 2 loại quạt này là tương tự. Chi tiết các bước tra dầu bạn thực hiện như sau:
Bước 1: Rút phích điện cho quạt, đồng thời rút tuốc năng của quạt ra khỏi quạt.
Bước 2: Tháo lồng bảo vệ quạt phía trước.
Bước 3: Xoay núm giữ ngược chiều kim đồng hồ để tháo cánh quạt.
Bước 4: Tiếp tục tháo núm giữ còn lại và tháo lồng quạt phía sau.
Bước 5: Tháo các con ốc bảo vệ trục quay của quạt, sau đó tháo ốc cố định bảo vệ mặt sau của quạt.
Bước 6: Sau đó, bạn tiếp tục tháo các con ốc cố định như hình dưới (tháo cả mặt trước và mặt sau trục).
Bước 7: Lúc này bạn sẽ thấy 2 nỉ bạc của quạt, đó chính là vị trí mà bạn cần tra dầu. Khi tra dầu, bạn chỉ nên nhỏ 3 - 5 giọt dầu vào, không cần cho nhiều dầu, vừa lãng phí vừa khiến dầu chảy ra dây đồng phía sâu bên trong có thể gây cháy, chập khi quạt hoạt động.
Lưu ý: Bạn nên cho dầu từ chai/lọ to vào lọ nhỏ (có thể sử dụng lọ thuốc tra mắt). Điều này giúp bạn nhỏ dầu vào quạt dễ dàng hơn, kiểm soát được lượng dầu tra vào.
Bước 8: Sau khi tra dầu xong, bạn có thể tiến hành vệ sinh trục, cánh quạt, lồng quạt nếu có bụi bẩn. Tiếp đến lắp quạt lại đúng như cũ và cho quạt chạy thử là xong.
3. Cách tra dầu vào quạt hộp chuẩn nhất
Bước 1: Rút phích cắm điện cho quạt, sau đó quay mặt sau quạt, dùng tua vít để tháo các mối bắt vít xung quanh lồng quạt và lấy lồng quạt sau ra.
Bước 2: Giữ chặt cánh quạt bằng một tay còn một tay vặn chốt khóa cánh quạt theo ngược chiều kim đồng hồ rồi rút cánh quạt ra.
Bước 3: Một tay bạn cần dùng tua vít cố định cơ chế chuyển động của quạt hộp còn một tay vặn khóa ở mặt trước quạt theo ngược chiều kim đồng hồ (như hình bên dưới) để tháo lồng quạt phía sau.
Bước 4: Dùng tua vít tháo các con ốc cố định động cơ quạt.
Bước 5: Sau khi tháo ốc vít xong, bạn nhẹ nhàng nhấc động cơ ra, sau đó dùng chổi sơn để làm sạch bụi bẩn.
Bước 6: Tra dầu cho động cơ quạt hộp tại những vị trí được đánh dấu như trên hình.
Bước 7: Bạn vệ sinh các bộ phận khác của quạt, sau đó lắp quạt trở lại và cho quạt chạy thử.
4. Cách tra dầu vào quạt trần chi tiết
Quạt trần thường sẽ được bố trí lỗ tra dầu ngay trên bầu quạt, do vậy bạn chỉ cần xác định vị trí này, vệ sinh sạch sẽ, sau đó tra lượng dầu vừa phải vào là được.
Bạn có thể tham khảo chi tiết cách làm trong bài viết này nhé: Cách vệ sinh quạt trần đơn giản, hiệu quả.
5. Tại sao cần tra dầu cho quạt?
Sau một thời gian hoạt động, bụi bẩn trong không khí thường bám vào các bộ phận của quạt trong đó có động cơ. Điều này khiến quạt có thể chạy chậm hơn, đồng thời thi thoảng phát ra những tiếng kêu ở bên trong. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tra dầu bôi trơn quạt.
Tra dầu cho quạt giúp quạt chạy êm hơn, nhanh và mạnh hơn, đồng thời tăng độ bền sử dụng của thiết bị. Đây chính là một cách để bảo dưỡng động cơ quạt điện.
6. Cần tra dầu cho loại quạt nào?
Trên thực tế, không phải loại quạt nào cũng cần tra dầu thường xuyên, chúng còn phụ thuộc vào kiểu động cơ truyền động của quạt điện.
Nếu bạn sử dụng quạt động cơ bạc đạn thì không cần phải thay thế hay tra thêm dầu mỡ, bôi trơn. Lý do là bởi động cơ bạc đạn được cấu tạo bởi các ổ trượt và vòng bi (bạc đạn) để tạo thành lớp ma sát lăn. Nhà sản xuất sẽ nghiên cứu kĩ lưỡng và tính toán lượng dầu mỡ, bôi trơn đáp ứng được hoạt động hết vòng đời của bạc đạn rồi tra sẵn.
Trái lại, bạn sẽ phải chú ý tra, thay dầu định kì hàng năm nếu chiếc quạt của gia đình đang sử dụng động cơ bạc thau, nếu không quạt sẽ bị bó kẹt, có tiếng kêu khó chịu và nghiêm trọng hơn là cháy khét động cơ. Ở các đầu trục của quạt bạc thau sẽ có miếng mút làm nhiệm vụ giữ dầu nhớt bôi trơn và là nơi để bạn dễ dàng tra thêm dầu.
>>> Tham khảo thêm: So sánh quạt bạc thau và quạt bạc đạn
7. Lưu ý sử dụng và bảo dưỡng quạt bền lâu
- Nên tra dầu định kỳ cho quạt. Thông thường, sau khoảng 12 tháng chúng ta nên tra dầu cho quạt một lần. Nếu ở những địa điểm có nhiều bụi hơn thì có thể tra dầu vào quạt sau 4 - 6 tháng.
- Khi tra dầu, bạn nên kết hợp vệ sinh, làm sạch bụi bẩn cho các bộ phận của quạt, giúp quạt sạch sẽ, bền bỉ, hoạt động ổn định hơn.
- Khi tra dầu, bạn không nên tra lượng quá nhiều, hãy tra lượng dầu vừa phải để tránh lãng phí.
- Lựa chọn loại dầu phù hợp, chất lượng để tra cho quạt.
- Nên cho dầu vào lọ nhỏ, có vòi để quá trình tra dầu thuận tiện hơn.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết cách tra dầu vào quạt điện. Mong rằng bài viết này sẽ đem lại cho bạn những thông tin hữu ích.
Đừng quên thường xuyên truy cập chuyên mục Tư vấn Quạt - Máy làm mát của META để cập nhật nhiều thông tin hữu ích bạn nhé. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.
META.vn - Mua Hàng Chính Hãng Online, Giá Tốt!