Nghịch cảnh chẳng chôn vùi được tình thương
Lưng người thăm thẳm là tập truyện ngắn tinh tế và sâu lắng của nhà văn Vũ Thị Huyền Trang, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành.
Cuốn sách gồm 22 truyện ngắn, kể về những phận đời bé nhỏ, trôi dạt, ở bên rìa xã hội nhưng vẫn cố gắng đối xử với nhau bằng tình thương, đấu tranh để giằng níu những điều tốt đẹp của con người và cuộc đời.
Đó là tài xế lái xe đường dài, người phụ nữ quê ra chợ bán rau, cô nhân viên tiệm spa làm đẹp, người đàn ông đi xuất khẩu lao động…
Đó là những con người trôi dạt, cầu bất cầu bơ, không dừng lại ở nơi nào hay gắn bó với một ai được lâu, chẳng bao giờ có cảm giác thuộc về.
Đó là những người ở bên rìa xã hội: một bà mẹ điên, tay đầu sỏ buôn lậu gỗ, người phụ nữ bán thân để nuôi hai đứa con…
Tất cả nhân vật đều vật lộn với cuộc sống: đói nghèo, cảm giác lạc lõng, nỗi ân hận vì tội lỗi... Họ lầm lũi, đau đớn, bị giằng xé và dằn vặt. Họ muốn thoát ra, vươn tới một nơi tốt hơn, bình yên hơn, để sống theo cách khác, sống đúng với chính mình.
Từng con người bấu víu vào một điều gì đó, để giữ lấy những điều tốt đẹp còn sót lại bên trong con người mình, để bảo vệ lấy nhân phẩm và bảo vệ người thân thương.
Trong những câu chuyện của Vũ Thị Huyền Trang, những điều con người níu lấy chỉ là những cái giản dị nhất, bé nhỏ nhất của đời người: món canh rau sắn, chút mứt gừng, tiếng càm ràm của người quan tâm, đứa con luôn ôm sách vở, ký ức…
Mà giữ chặt nhất, chính là giữ lấy nhau.
Những người nghèo khổ, trôi dạt, bơ vơ tạo nên một chốn về, một nơi nương tựa cho người cùng khổ.
Thương núi rừng, cây cỏ để thương mình, thương người
Một chủ đề lớn trong tác phẩm của Vũ Thị Huyền Trang là thông điệp bảo vệ thiên nhiên để bảo vệ chính cuộc sống của con người. Thiên nhiên hoang sơ dường như là đại diện cho những điều trong lành, thiện lương nhất.
"Nhìn núi nhìn cây mà sống. Hiên ngang và ngay thẳng".
Tội lỗi lớn nhất được kể trong cuốn sách là tội hủy diệt thiên nhiên. Những kẻ đầu độc đất đai, phá rừng, buôn lậu gỗ đều phải chịu đựng những hậu quả, nỗi ân hận và ác mộng đeo đẳng.
Đó là Núi, kẻ phá rừng và chỉ dùng luật rừng để đối đãi với người khác, rốt cuộc bị đâm sau lưng và phải trốn chui trốn lủi, đi đâu cũng gặp "những cánh rừng trọc lốc không đủ cho Núi ẩn nấp an toàn".
Đó là Nhẫn với vườn rau trước và vườn rau sau nhà, cái để bán cho người khác, cái để cho gia đình mình ăn.
Đó là người cha của Lim, giàu lên nhờ tận diệt rừng, rồi đứa con của mình bị vây trong cơn lũ.
"Cơn lũ giằng đứa nhỏ tuột khỏi bàn tay nắm níu của một người mẹ khốn khổ nào đó. Giằng ông già khỏi cái cột nhà. Giằng sự chào đời của một sinh linh nào đó còn nằm trong bụng mẹ. Giằng người chồng khỏi vợ. Giằng người mẹ khỏi con.
Như cách mà chúng ta giằng sự sống của rừng. Giằng vùng biển sạch của cá tôm. Giằng sự trong lành của bầu khí quyển. "Loài người đến trái đất này để tàn phá rồi đi"".
Tác giả nuôi mơ ước màu xanh, thúc giục mọi người giữ lấy đất, lấy rừng, lấy núi. Vì nơi đó là nơi gửi gắm những tình cảm tốt lành, cũng là nơi ký thác hy vọng của tương lai.
"Tới đây mình phải cải tạo đất thôi chị ạ. Đất lành cây cối mới sinh sôi, con người mới khỏe mạnh, vui tươi được".
Là nhà văn có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, trang viết của Vũ Thị Huyền Trang đầy ắp những tình cảm tốt lành, giục giã con người trở về với tâm hồn chân thành và thuần hậu.
Trong những câu chuyện của tác giả, nơi gửi gắm, đại diện cho sự trong lành của tâm hồn chính là thiên nhiên và thương núi rừng cây cỏ chính là để thương mình, thương người quanh mình.