“Cô nói là sách vở chưa đủ đâu?
Vì cuộc sống muôn màu muôn vẻ lạ.
Ta cứ đi tìm tòi và khám phá.
Học đâu bằng, học thực tế phải không em”
-Cô Ánh, GVBM Lịch sử-
Sức nóng của những ngày đầu hè chắc chắn không thể nào cháy bỏng bằng niềm mong đợi chuyến trải nghiệm tại Bảo tàng Bình Định của các bạn học sinh đến từ ba lớp 10A-10A1-10L. Hãy cùng theo chân chúng tớ khám phá và học tập tại Bảo tàng Bình Định nhé.
Bảo tàng Bình Định trước đây là trung tâm văn hóa của Nam Triều Tiên, được xây dựng năm 1969. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định đã tiếp quản và giao cho Bảo tàng Nghĩa Bình trưng bày và quản lí. Đến năm 1989, hệ thống trưng bày này được sửa sang lại và đổi tên thành Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định.
Bước vào bên trong cổng bảo tàng, mở ra trước mắt chúng tớ là một khuôn viên khang trang, rộng rãi với những hiện vật mang đậm giá trị lịch sử được sắp xếp đối xứng, hài hòa, dễ dàng tạo điểm nhấn và thu hút bất cứ ai đặt chân đến nơi đây.
Dưới sự thuyết minh tận tình của các cô chú hướng dẫn viên, chúng tớ như được du hành thời gian, xuyên vào một thước phim lịch sử đầy hấp dẫn. Bảo tàng có năm căn phòng, mỗi căn phòng là một tập phim với các chủ đề: “Nhân dân Bình Định trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ”, “Bác Hồ với Bình Định”, “Đất nước và con người Bình Định” và “Văn hóa Chăm”. Suốt quá trình tìm hiểu, chiêm ngưỡng hơn 1000 tài liệu, hiện vật quý giá, chúng tớ được đưa qua nhiều cung bậc cảm xúc trước những khoảnh khắc lịch sử vô cùng sống động. Đầu tiên là sự biết ơn, kính ngưỡng đối với những hi sinh của các bậc anh hùng, cha ông ta trong thời chiến ác liệt, là sự xúc động khôn nguôi khi được tận mắt nhìn thấy những bức ảnh tái hiện lại những chiến công hào hùng của dân tộc cùng với tội ác tàn bạo của giặc, những cung tên, gậy gộc thô sơ cho đến những chiếc xe tăng, những khẩu súng đại bác còn bám bụi chiến tranh… Tiếp đến là cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây có lẽ không phải là những thông tin quá mới mẻ đối với chúng tớ về Bác Hồ, nhưng chính những tư liệu cụ thể về Bác, mô hình nhà sàn nơi Bác ở cũng như những tác phẩm về Người đã giúp các bạn có cảm nhận sâu sắc hơn, “thấm nhuần” dòng lịch sử hơn bao giờ hết.
Rồi chúng tớ lại không thể không tự hào trước vẻ đẹp, sự phong phú của văn hóa, của thiên nhiên và con người miền đất Võ. Đó là những hiện vật độc đáo về nghệ thuật Bài chòi, là những trang phục truyền thống đặc sắc của các dân tộc ở tỉnh ta, là các cổ vật từ văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn, và đặc biệt là những tư liệu vô giá về võ cổ truyền Bình Định - một tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam. Sự thán phục còn chưa hết, chúng tớ đã phải trầm trồ, ngỡ ngàng trước những công trình kiến trúc, điêu khắc tinh xảo của người Chăm cổ. Một điều mà chúng tớ đặc biệt thích thú là những câu chuyện li kì xoay quanh các bức phù điêu “Thần Brahma”, “Chim Thần Garuda diệt rắn”, “Nữ thần Mahishasurmadini” đã đưa chúng tớ đến gần hơn với những tín ngưỡng, quan niệm, với sự sáng tạo và trình độ thẩm mĩ phát triển cao của cư dân Chăm-pa, điều đã giúp cho những tác phẩm này xứng đáng được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Chuyến “du ngoạn” trong năm học đầu tiên gắn bó với mái trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tuy ngắn ngủi nhưng nguồn kiến thức bổ ích mà nó mang lại cùng với những xúc cảm còn vương vấn trong lòng mỗi thành viên của các lớp lại không hề nhỏ bé đâu nhé. Đây không chỉ là dịp để chúng tớ được “mắt thấy, tai nghe” những gì mà trước đây chúng tớ chỉ đọc, nhìn qua sách vở, giúp cho việc tiếp cận bộ môn lịch sử của chúng tớ thú vị và vui hơn rất nhiều, mà còn để cho các bạn học sinh nuôi dưỡng tình yêu đất nước, tình yêu đồng bào tại mảnh đất quê hương xinh đẹp này.
Cùng tham quan học tập cùng với đoàn, bạn Phạm Hữu Lộc, lớp 10 chuyên Lý Khóa 24 chia sẻ cảm xúc:
“Được học về lịch sử dân tộc đã lâu nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chúng em được tìm hiểu về các hiện vật lịch sử chi tiết đến như vậy. Dưới ánh đèn vàng mờ và không gian yên tĩnh vốn có của bảo tàng, chúng em như được hoá thân vào những nhà sử học thực thụ, đi tìm hiểu về cội nguồn dân tộc khi ghé qua và thăm thú các hiện vật ở khu trưng bày. Với những tài liệu và hiện vật phong phú, mỗi gian phòng đều đã gợi lại cho chúng em ít nhiều những kiến thức mà bản thân đã góp nhặt trong quá trình học tập lịch sử. Nhưng có lẽ điều làm em ấn tượng nhất trong chuyến đi là những món đồ gốm, những tác phẩm điêu khắc tôn giáo vô cùng kỳ công ở gian “Văn hóa Chăm”. Chắc bởi do đây là những tác phẩm vô cùng tinh xảo, đẹp mắt, thể hiện sự phát triển của văn minh Chăm-pa và hơn thế nữa là vì những hiện vật này gắn liền với bài học chúng em vừa được dạy ở lớp nên khi tiếp xúc và quan sát tận mắt, em có thể cảm nhận được mối liên kết giữa “học” và “hành” trong đơn vị kiến thức này, từ đó khiến em hiểu kĩ về chúng và ghi nhớ lâu hơn. Chuyến đi này đã cho em những kiến thức lịch sử và những cách học lịch sử vô cùng thú vị. Những chuyến đi như thế này là những trải nghiệm thực tế vô cùng quý báu trong con đường học tập của chúng em và hơn thế nữa nó cho chúng em động lực để tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử mọi vật xung quanh mình.”
Thay lời kết, tập thể 10A-10A1-10L xin chân thành gửi lời cảm ơn đến nhà trường, quý thầy cô cùng các cô chú nhân viên Bảo tàng đã tạo điều kiện cho chúng em có thêm một mảnh ghép kỉ niệm đẹp đẽ trong bức tranh kí ức tuổi học trò. Chúng em mong rằng bức tranh này sẽ được hoàn thiện bằng nhiều hơn nữa chuyến đi đầy ý nghĩa và đáng nhớ như vậy trong tương lai.
Tác giả: Phan Đỗ Mai Anh - học sinh lớp 10 chuyên Anh Khóa 24.