Các biện pháp chống nắng hiệu quả

Chính vì việc chống nắng rất là quan trọng nên hẳn là các bạn đã thực hiện rất nhiều biện pháp để bảo vệ da khỏi ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời. Để tránh các tác hại của tia UV lên da, hầu hết mọi người sử dụng nhiều phương tiện để chống nắng như áo váy chống nắng, kính chống nắng đeo mắt, kính chống nắng ô tô và dùng chất chống nắng. Nhưng bạn có thực sự hiểu được tác nhân chính làm da bạn sạm đen đi hay không? Và những phương pháp bảo vệ da của bạn đạt hiệu quả tới đâu trong việc chống tác hại của ánh nắng?

Theo một thống kê của các nhà khoa học, có đến hơn 80% chị em phụ nữ chống nắng không đúng cách. Điều này bao gồm việc lựa chọn sản phẩm chống nắng không phù hợp và sử dụng sản phẩm chống nắng không đúng phương pháp.

Bài này Sakura Blog xin cung cấp thông tin tổng quan về ánh nắng, cơ chế chống nắng của da và hướng dẫn cho bạn cách chọn những sản phẩm chống nắng thích hợp.

Tất tần tật về ánh nắng mặt trời

Ánh nắng mặt trời ngoài khí quyển chứa tia X, các bức xạ ion hóa, tia cực tím, ánh sáng khả kiến, tia hồng ngoại và sóng radio. Trong đó, tia cực tím gây lão hóa cho da, gây ức chế miễn dịch do ánh sáng và đóng vai trò quan trọng với một số các bệnh da nhạy cảm ánh sáng. Tia cực tím làm phỏng da, đen da, ung thư da,…

Tia cực tím hay còn gọi là tia tử ngoại hoặc tia UV được chia làm 3 dải tùy vào độ dài của bước sóng, đó là các tia UVA (320-400nm), UVB (290-320nm) và UVC (200-290nm). Mặt Trời tỏa ra tia cực tím UVA, UVB và UVC, nhưng UVC bị lớp ozon và khí quyển hấp thụ hoàn toàn. Nói một cách dễ hiểu hơn, các tia xuống mặt đất chủ yếu phần lớn là UVA và một phần nhỏ UVB nên chúng ta chỉ cần quan tâm đến hai tia này mà thôi.

Tia UVB thay đổi cường độ theo từng thời điểm trong ngày, cao nhất là khoảng 10 – 14 giờ. Vào mùa hè cường độ tăng lên, UVB gây tổn thương da mạnh hơn những khoảng thời gian khác trong năm. UVB tác động trực tiếp lên lớp thượng bì (tức là lớp ngoài cùng của da), gây tổn thương cho da như cháy nắng, sạm da.

Tia UVA ổn định hơn, trong ngày không có thời điểm đạt tối đa. UVB có thể xuyên qua vải, cửa kính. UVA có thể xuyên qua da sâu đến lớp bì, tác động lâu dài, tích lũy từ từ. Đó là lí do vì sao làn da của chúng ta khi 20 tuổi đã lão hóa nhất định so với làn da của chúng ta lúc 6 tuổi. Tia UVA tích lũy trong da, gây ra lão hóa và tổn thương tế bào da trong một khoảng thời gian dài.

Tia UVA có năng lượng thấp hơn nhưng bước sóng dài hơn tia UVB, nó có thể xuyên qua cả vải, cửa kính,… Tia UVB có mức năng lượng cao hơn tia UVA, khả năng xuyên thấu kém hơn nhưng mức độ gây hại lên cấu trúc da mạnh hơn tia UVA. 50% UVA xâm nhập sâu đến lớp bì, còn UVB được hấp thu bởi lớp sừng và các tầng trên của thượng bì, là nguyên nhân chính gây phỏng da và ung thư da.

Không chỉ có cháy nắng, đen da,… là những tác hại ngắn hạn trên da, hay tác hại dài hạn tích lũy gây ung thư, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách tùy tiện không bảo vệ cũng gây ra một số bệnh khác như viêm da ánh sáng, phát ban, mày đay, sẩn ngứa,…

Chất chống nắng và Chỉ số chống nắng

Ta có thể chia chất chống nắng làm hai loại là chất chống nắng thoa và chất chống nắng đường uống.

Chất chống nắng thoa chia làm hai nhóm là chất chống nắng hữu cơ và vô cơ. Chất chống nắng hữu cơ hấp thu tia cực tím vằng cách kích thích tới mức năng lượng cao hơn. Chất chống nắng vô cơ gồm các oxide kim loại, phổ biến nhất là dioxide titanium và dioxide kẽm. Với chất chống nắng vô cơ có những thành phần này bạn phải thoa dày, đôi khi việc thoa dày chất chống nắng lên mặt sẽ làm mất thẩm mỹ nhưng đây là điều kiện sử dụng loại chất chống nắng này. Chất chống nắng ở dạng kem là phổ biến nhất, dạng dầu dành cho da khô, chống nắng vào mùa lạnh, dạng gel dành cho da nhờn, ngoài ra còn có dạng thuốc xịt và dạng thỏi nếu là son môi có thành phần chống nắng.

Chất chống nắng đường uống chứa polypodium leucotomos chiết xuất từ cây dương xỉ nhiệt đới, giúp điều hòa miễn dịch, chống oxy hóa, cũng cấp khả năng bảo vệ da với nắng.

Chỉ số chống nắng cũng là một yếu tô rất quan trọng khi lựa chọn các sản phẩm chống nắng.

SPF tức là viết tắt của Sun Protection Factor là chỉ số chỉ số giờ trung bình làn da được chất chống nắng bảo vệ khỏi tia cực tím. Chỉ số SPF có trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Theo định mức quốc tế, thì chỉ số SPF 30 sẽ có khả năng bảo vệ làn da và hạn chế tác hại của tia UV trong khoảng 30 phút.

Các bác sĩ da liễu khuyến cáo mọi người nên sử dụng các chất chống nắng phổ rộng (vừa bảo vệ chúng ta khỏi tia UVA lẫn UVB), chống nước, có SPF 30 hoặc cao hơn, lí tưởng là nằm trong khoảng SPF 30-50. Các chỉ số SPF cao chỉ nên sử dụng ở những vùng da đặc biệt như đang điều trị nám hay dị ứng ánh nắng, hoặc trong một số điều kiện đặc biệt tiếp xúc ánh nắng ở cường độ cao và thời gian dài.

Các biện pháp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

Bạn nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10 – 16 giờ vì thời gian này tia cực tím có cường độ cao nhất trong ngày. Khi ra nắng nên chọn quần áo dài tay, rộng rãi, thoáng. Nên sử dụng những chất liệu vải nhưu cotton, silk không nhuộm màu nhân tạo. Trang phục màu tối sẽ bảo vệ da bạn tốt hơn trang phục màu sáng. Tia UV dễ xuyên qua chất liệu polyester crepe và cotton nhuộm màu nhân tạo nên hãy tuyệt đối tránh những loại này. Bạn cũng không nên mặc quần áo ẩm ướt vì chúng làm mất đi 1/3 tính bảo vệ da dưới nắng.

Chịu khó đeo khẩu trang, đội nón rộng vành, che chắn mặt, vai, gáy,… Dù bạn không quen với điều này nhưng đây là cũng là một biện pháp hữu ích, còn hơn là phơi mặt cho trời phơi da trực tiếp dưới ánh nắng phải không? Thường xuyên đeo kính mát để bảo vệ mắt và vùng da quanh mắt.

Đặc biệt, bạn nên sử dụng chất chống nắng, có thể là thuốc bôi hoặc viên uống chống nắng để làm giảm tác hại của ánh nắng mặt trời đối với làn da. Khi bôi chất chống nắng nên lựa chọn kĩ dựa trên chỉ số chống nắng và thành phần, hình thức sử dụng phù hợp với loại da của bạn, tránh trường hợp sản phẩm không phù hợp, cách bôi không đúng gây mụn và kích ứng da. Đừng nghĩ rằng đứng trong bóng râm, ngồi trong phòng hay ở trong nhà trong xe ô tô thì không cần phải thoa chất chống nắng nhé. Mắt thường chúng ta không nhìn thấy các tia tử ngoại lẫn tác hại của chúng, nhưng chúng luôn hiện hữu đấy, bạn đừng nên lơ là.

Chỉ cần tìm hiểu sâu một chút về bản chất, nguyên nhân, tác hại của ánh nắng mặt trời là bạn nắm chắc một phần lớn thành công trong việc bảo vệ da. Phần còn lại là kĩ năng sử dụng và thực hành các biện pháp này một cách đúng đắn theo khuyến cáo. Chắc chắn làm theo những lời khuyên này không những bạn sẽ chủ động bảo vệ làn da của mình khỏi tác động xấu của ánh nắng mà còn bảo vệ nó rất hiệu quả nữa.

 

 

About The Author