Chóng mặt là tình trạng khá phổ biến mà nhiều người gặp phải trong cuộc sống. Đây có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý cũng như các vấn đề sức khỏe như đột quỵ, u não, đau nửa đầu, mất nước,… Vậy khi bị chóng mặt nên làm gì?
Bài viết được tư vấn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Nếu bạn chưa biết chóng mặt nên làm gì, có cần uống thuốc không hay có những phương pháp nào giúp cải thiện tình trạng chóng mặt hay không, cùng tham khảo ngay trong bài viết sau bạn nhé!
Chóng mặt là gì?
Chóng mặt là tình trạng bạn có cảm giác mất thăng bằng hoặc mất kiểm soát về không gian xung quanh. Khi bị chóng mặt, bạn có thể cảm thấy bản thân hoặc những vật xung quanh đang xoay vòng, lảo đảo hoặc dao động. Cơn chóng mặt có thể xảy ra đột ngột và thường kéo dài chỉ trong vài giây hoặc có thể kéo dài nhiều giờ.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến chóng mặt, chẳng hạn như thiếu máu, hạ huyết áp, viêm mê đạo tai, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính,…
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra chóng mặt, bác sĩ có thể tiến hành một số xét nghiệm chẩn đoán. Dựa vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn với người bệnh phương pháp điều trị phù hợp.
Bị chóng mặt nên làm gì?
Trong một số trường hợp, chóng mặt có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, cần đến bệnh viện để được tư vấn cụ thể. Tuy nhiên, cảm giác chóng mặt cũng có thể xuất phát từ một số yếu tố đơn giản như mất nước, đói, hoặc căng thẳng. Lúc này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp để tự khắc phục cảm giác chóng mặt của mình tại nhà:
1. Chóng mặt uống gì?
Khi cơ thể mất nước, triệu chứng thường gặp chính là chóng mặt. Việc bổ sung nước có thể giúp cân bằng lại lượng nước trong cơ thể và giảm cảm giác chóng mặt. Bạn nên uống từng ngụm nước nhỏ để cơ thể có thể dễ dàng thích nghi.
Uống nước lọc
Và nếu bạn chưa biết bị chóng mặt nên làm gì, uống nước gì thì có thể uống nước lọc. Uống nước lọc giúp hồi phục nhanh chóng lượng nước bị mất đi và giúp bạn cải thiện tình trạng chóng mặt của mình. (1)
Uống trà gừng
Gừng là một vị thuốc truyền thống được sử dụng để giảm buồn nôn và chóng mặt. Trà gừng có thể giúp cải thiện lưu thông máu để khắc phục cảm giác chóng mặt mà bạn đang gặp phải. Vì thế, nếu chưa biết bị chóng mặt phải làm sao thì bạn có thể dùng ngay một cốc trà gừng mật ong nóng bạn nhé.
Uống nước chanh
Nếu bạn chưa biết khi bị chóng mặt nên làm gì thì có thể uống nước chanh để cải thiện tình trạng chóng mặt của mình. Nước chanh giàu vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện lưu thông máu. Hãy nhớ thêm đường hoặc mật ong và pha loãng nước chanh nếu bạn gặp các vấn đề về dạ dày.
Uống mật ong
Mật ong cung cấp năng lượng nhanh chóng cho cơ thể, có thể giúp giảm chóng mặt do đói hoặc mất nước. Không chỉ vậy, mật ong cũng có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa tốt
Xem thêm: Bị chóng mặt nên uống gì? 7 loại nước giảm triệu chứng hiệu quả.
2. Chóng mặt nên ăn gì?
Chóng mặt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và việc chọn lựa thực phẩm đúng có thể giúp cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, giảm thiểu các triệu chứng và hỗ trợ quá trình hồi phục. Bạn chưa biết chóng mặt nên làm gì? Dưới đây là một số thực phẩm bạn nên cân nhắc thêm vào chế độ ăn khi gặp phải tình trạng chóng mặt:
- Dùng thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng và cải thiện lưu thông máu. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm cam, quýt, dứa, dâu,….
- Dùng thực phẩm giàu vitamin B6: Vitamin B6 giúp hỗ trợ hoạt động của hệ thống thần kinh và giảm các triệu chứng chóng mặt. Thực phẩm giàu vitamin B6 bao gồm chuối, khoai tây, gà, cá và các loại hạt,….
- Thực phẩm giàu Vitamin B9: Vitamin B9, còn được gọi là axit folic, giúp sản xuất và duy trì các tế bào mới. Thực phẩm giàu vitamin B9 bao gồm lúa mạch, dầu cá, các loại hạt và rau xanh.
- Gừng: Gừng là một loại thảo dược truyền thống được sử dụng để giảm chóng mặt và buồn nôn. Bạn có thể thêm gừng vào các món ăn hoặc pha trà gừng để uống.
Cần lưu ý tránh uống rượu và các loại đồ uống, thức ăn có chứa caffeine để không làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
3. Chóng mặt uống thuốc gì?
Có nhiều loại thuốc được biết đến với hiệu quả điều trị triệu chứng cơn chóng mặt, chẳng hạn như: (2)
- Thuốc kháng Histamin
- Thuốc kháng cholinergic
- Thuốc chống nôn
- Thuốc an thần
- Thuốc chẹn Ca
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc Corticoid
- Acetyl-leucine
- Ginko Giloba và Piracetam
Tùy theo tình trạng sức khỏe, nguyên nhân gây chóng mặt mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định loại thuốc phù hợp. Cần lưu ý không được tự ý sử dụng thuốc để tránh tác dụng phụ gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe.
Xem thêm: 8 loại thuốc trị chóng mặt hiệu quả nhất, giảm tình trạng nhanh chóng.
4. Không hút thuốc khi bị chóng mặt
Các hóa chất trong thuốc lá không hề tốt cho sức khỏe của bạn, đặc biệt là khi bạn đang bị chóng mặt. Do đó, bạn không nên hút thuốc nếu đang cảm thấy chóng mặt.
Các bác sĩ cũng khuyên người thường xuyên chóng mặt hay gặp các vấn đề sức khỏe cũng nên cai thuốc lá sớm.
5. Các bài tập cải thiện tình trạng chóng mặt
Chóng mặt nên làm gì? Theo đó, bạn có thể luyện tập một số bài tập để cải thiện tình trạng chóng mặt của mình. Chẳng hạn như: (3)
Hít thở sâu:
Hít thở sâu có thể giúp cải thiện tình trạng chóng mặt. Bạn có thể thực hiện như sau:
Ngồi hoặc nằm thoải mái trong tư thế thoải mái. Đặt một bàn tay trên ngực và bàn tay kia trên bụng. Thở ra hết không khí trong phổi.
Thở sâu vào bằng mũi trong vòng 4 giây, đảm bảo bàn tay trên bụng nâng lên khi bạn thở vào. Giữ hơi thở trong 2 giây. Thở ra chậm qua miệng trong vòng 6 giây, đảm bảo bàn tay trên ngực không nâng lên quá cao.
Lặp lại quy trình này ít nhất 5 lần. Thực hiện khi bạn cảm thấy chóng mặt hoặc căng thẳng.
Các bài tập khác:
Ngoài hít thở sâu, có một số bài tập khác có thể giúp cải thiện tình trạng chóng mặt, chẳng hạn như bài tập Epley, bài tập Semont, bài tập Yacovino, bài tập BBQ Roll và bài tập Gufoni. Đây là các bài tập hỗ trợ cải thiện chóng mặt do rối loạn tiền đình ngoại biên.
6. Nghỉ ngơi
Bị chóng mặt nên làm gì? Khi bạn cảm thấy chóng mặt, nghỉ ngơi là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để cải thiện tình trạng chóng mặt của bạn. Tìm một nơi thoải mái để nằm hoặc ngồi. Nhắm mắt lại và thư giãn. (4)
Lúc này, bạn có thể tự hít thở sâu, duy trì nhịp thở ổn định và chờ cho đến khi cơn chóng mặt qua đi.
Bị chóng mặt có nguy hiểm không?
Chóng mặt có thể xuất hiện với nhiều nguyên nhân khác nhau và mức độ nghiêm trọng có thể thay đổi. Trong nhiều trường hợp, chóng mặt có thể không nguy hiểm, chẳng hạn như bạn bị chóng mặt do thay đổi tư thế đột ngột, cảm cúm, lo lắng quá mức,… Tuy nhiên, chóng mặt cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như các vấn đề về huyết áp, mất nước nghiêm trọng,…
Không chỉ vậy, chóng mặt cũng có thể dễ dẫn đến té ngã. Khi bạn bị chóng mặt, bạn cũng có nguy cơ bị tai nạn cao hơn nếu đang leo cầu thang, điều khiển phương tiện giao thông,…
Bị chóng mặt khi nào cần gặp bác sĩ?
Thỉnh thoảng, bạn vẫn có thể trải qua các cơn chóng mặt ngắn, kéo dài vài giây. Bạn có thể không cần phải quá lo lắng khi xảy ra hiện tượng này.
Tuy nhiên, nếu bạn trải qua chóng mặt đột ngột, kéo dài hoặc đặc biệt là nếu tình trạng chóng mặt kèm theo các triệu chứng khác như đau ngực, khó thở, đau đầu dữ dội, co giật, mất khả năng nói chuyện hoặc mất thị lực, bạn nên đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bạn và xác định nguyên nhân cụ thể để đưa ra các biện pháp điều trị hoặc kiểm soát cơn chóng mặt phù hợp.
Cách phòng ngừa tình trạng chóng mặt
Cách tốt nhất để ngăn ngừa chóng mặt là tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn bị chóng mặt. Ví dụ, nếu bạn bị chóng mặt khi bị mất nước, bạn có thể ngăn ngừa chóng mặt bằng cách uống đủ nước. Nếu việc dùng thuốc huyết áp khiến bạn chóng mặt, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi loại thuốc hoặc liều dùng thuốc.
Mặc dù bạn không thể dự đoán hoặc ngăn chặn tất cả những nguyên nhân gây chóng mặt, chẳng hạn như rối loạn thần kinh nhưng bạn vẫn có thể phòng ngừa một số yếu tố nguy cơ dẫn đến chóng mặt. Dưới đây là một số cách để phòng ngừa tình trạng chóng mặt hiệu quả:
- Khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra và phát hiện sớm các vấn đề về tim mạch, huyết áp, tai mũi họng,… có thể gây chóng mặt.
- Hạn chế căng thẳng, stress. Thực hiện các bài tập thư giãn hoặc các biện pháp thư giãn để giảm áp lực cho não bộ.
- Bổ sung đủ nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể hoạt động.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc. Tránh thức quá khuya.
- Không lạm dụng rượu bia, caffeine. Hạn chế việc sử dụng thuốc lá.
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột.
- Chú ý khi dùng các loại thuốc đang sử dụng để tránh phản ứng phụ của thuốc gây chóng mặt.
Bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc chóng mặt nên làm gì. Tuy nhiên, những biện pháp trên cũng giúp cải thiện tạm thời tình trạng chóng mặt của bạn. Nếu bị chóng mặt kéo dài nhiều ngày hoặc tình trạng chóng mặt không thuyên giảm, ngày càng tăng nặng, bạn cần đến bệnh viện khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.