Nếu hỏi nước nào là an toàn nhất để pha sữa, tất nhiên câu trả lời của nhiều bà mẹ sẽ là nước đun sôi. Nước sôi giúp loại bỏ tới 100% tất cả các mầm bệnh gây hại có thể ẩn trong nguồn nước.
Tuy nhiên, đun sôi nước trong thời gian bao lâu cũng quyết định quan trọng đến tính an toàn của nước khi pha sữa cho bé.
Nước sôi ở 100 độ C, nhưng sôi bao lâu mới tốt?
Theo một khảo sát của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đa phần mọi người đều nghĩ rằng nước chỉ cần nổi bong bóng sôi lên là được. Tuy nhiên, không phải hiện tượng sôi mà chính nhiệt độ mới là tác nhân tiêu diệt vi sinh vật. Cẩn thận hơn, bạn nên để nước thật sôi trong khoảng 1 phút. Nếu đang ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, bạn cần để nước sôi trong 3 phút.
Do nước từ sông hồ tự nhiên sau khi được đưa vào bồn chứa đều phải qua xử lý Clo để trừ khử các tạp chất. Nhưng đồng thời trong quá trình này, Clo và chất hữu cơ còn sót lại trong nước có thể tác dụng lẫn nhau, có khả năng hình thành các hợp chất gây ung thư như Chloroform, Haloalkane… Nước sau khi sôi thêm 1 đến 3 phút khiến hàm lượng Haloalkane giảm còn 9.2μg và Chloroform còn 8.3μg, lúc này mới trở thành nước uống an toàn.
Đương nhiên, nước sôi cũng không phải là nấu càng lâu càng tốt. Bởi vì thời gian nấu quá lâu thì muối Nitrate và các chất độc hại không bốc hơi sẽ kết tủa lại, hàm lượng tương đối cao, uống vào sẽ gây hại cơ thể.
Có nên pha sữa cho bé bằng nước nóng vừa đun sôi để đảm bảo an toàn?
Như vậy, chỉ cần được đun sôi đến 100 độ C trong vòng 1 đến 3 phút thì những vi khuẩn trong nước sẽ bị tiêu diệt, đáp ứng nhu cầu nước sạch và an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu dùng nước này pha sữa ngay lập tức có thể làm vón cục, phá hủy cấu trúc, làm mất chất dinh dưỡng có trong sữa. Bên cạnh đó, việc pha sữa ở nhiệt độ nước quá cao cũng có thể giết chết các lợi khuẩn probiotic có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ có trong một số loại sữa công thức hiện nay.
Thông thường, trên bao bì của các loại sữa công thức sẽ ghi rõ yêu cầu về nhiệt độ nước khi pha sữa cho bé, phổ biến nhất thường là từ 40 - 50 độ C. Có một số loại sữa sẽ yêu cầu dùng nước trên 45 độ C, thậm chí 70 độ C ở như các thương hiệu sữa đến từ Nhật. Tuy nhiên, quy tắc pha sữa này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trên thế giới, bằng chứng là hiện nay, đa phần các loại sữa công thức các nước khác trên thế giới đều yêu cầu nước pha sữa ở nhiệt độ phòng. Đây được xem là nhiệt độ an toàn cho trẻ nhỏ uống sữa.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có hai cách an toàn để pha sữa bột cho trẻ
Cách thứ nhất: Dùng nước đã đun sôi để nguội không dưới 70 độ C rồi pha. Bạn có thể sử dụng nhiệt kế nhà bếp kỹ thuật số để đo nhiệt độ của nước, hoặc bạn có thể để nước nguội không dưới 30 phút ở nhiệt độ phòng nếu không có sẵn nhiệt kế. Sữa công thức pha theo cách này phải được làm nguội nhanh chóng và có thể cho trẻ ăn ngay hoặc có thể bảo quản trong tủ lạnh đến 24 giờ.
Cách thứ hai: Sử dụng nước đun sôi để nguội trước đó ở nhiệt độ phòng (37 đến 40 độ), pha và cho trẻ uống ngay. Dù pha với cách nào thì tốt nhất vẫn là cho bé uống sữa ngay sau khi pha. Trường hợp nếu bé uống không hết sữa, không cho bé uống lại mà phải vứt đi. Nếu bạn pha sữa mà bé không uống chút nào, bạn vẫn phải bỏ sữa đó đi trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Nước pha sữa phải được đựng trong bình sạch, không có vi khuẩn xâm nhập. Đối với nước sôi nên đựng trong bình thủy giữ nhiệt chất lượng tốt. Đối với nước đun sôi để nguội nên đựng trong các bình kín như thủy tinh. Bình được làm từ thủy tinh siêu bền, không thôi nhiễm chất độc hại vào nước, dễ dàng vệ sinh, bình có nắp đậy kín đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nước đựng bên trong.
Bạn cần đặc biệt lưu ý
Nguồn nước dùng để pha sữa cho trẻ cần được lọc sạch và loại bỏ hoàn toàn cặn bẩn, một số chất hữu cơ, kim loại và đã qua khử clo… Nếu gia đình bạn sử dụng nước giếng, nên kiểm tra thử mẫu nước để chắc chắn rằng nó an toàn trước khi sử dụng.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, bạn không bao giờ được pha sữa công thức cho trẻ bằng nước nóng từ vòi. Lý do là nhiều nhà có đường ống dẫn nước bằng chì hoặc hàn chì, và nước nóng có thể làm chì hòa tan, đây là một yếu tố nguy cơ gây ngộ độc chì.
Nguồn: Afamily.