Cách viết CV chuẩn nhất mọi ngành nghề, chinh phục nhà tuyển dụng.
Ngày nay, bộ hồ sơ xin việc thường không thể thiếu một bản CV. Bởi lẽ thông qua nó, nhà tuyển dụng có thể đánh giá tổng quan năng lực của bạn. Vậy làm cách nào để biết CV của mình đã đầy đủ các yếu tố cần thiết hay chưa? Cùng tìm hiểu tất cả thông tin về cách viết CV cũng như những điều cần chú ý qua bài viết bên dưới nhé!
I. CV (Curriculum Vitae) là gì?
CV là tên viết tắt của cụm tiếng Anh “Curriculum Vitae”, hiểu đơn giản là một bản giới thiệu tổng quát về ứng viên. Thông qua CV, ứng viên sẽ tóm tắt các thông tin về mình, bao gồm: thông tin cá nhân, trình độ học vấn, mục tiêu nghề nghiệp, các kỹ năng có liên quan đến vị trí ứng tuyển,... để gửi đến nhà tuyển dụng.
Một bản CV chuẩn sẽ là cơ sở để nhà tuyển dụng có thể lựa chọn ứng viên phù hợp bước vào vòng phỏng vấn. Do đó, chuẩn bị CV chỉnh chu sẽ là bước đầu tiên giúp cho các ứng viên ghi điểm với công ty tuyển dụng. Hãy cùng tìm hiểu vai trò và cách viết một mẫu CV chuẩn từ các mục bên dưới nhé!
II. Vai trò của CV khi ứng tuyển
1. Đối với ứng viên
CV được xem là một trong những “công cụ” giúp ứng viên đạt được công việc mơ ước của mình. Vì vậy, CV cần sẽ trình bày những thông tin cá nhân cũng như kinh nghiệm, điểm mạnh - điểm yếu của ứng viên có liên quan đến vị trí tuyển dụng. Từ đó tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp với nhà tuyển dụng và là yếu tố quyết định bạn có nhận được lời mời phỏng vấn. Có thể nói, một bản CV chỉn chu chính là cách để ứng viên quảng bá bản thân với nhà tuyển dụng.
2. Đối với nhà tuyển dụng
Khi tuyển dụng cho một vị trí, sẽ có rất nhiều hồ sơ ứng tuyển được gửi đến. Và nhà tuyển dụng cần xem xét tất cả để lựa chọn người phù hợp với yêu cầu công việc. Tuy nhiên, các công ty thường sẽ không có đủ thời gian và nguồn nhân lực để tìm hiểu kỹ về từng ứng viên. Vì vậy, với một bản CV sẽ giúp họ nắm sơ lược về thông tin ứng viên và chọn lựa được những người phù hợp nhanh chóng hơn, tiết kiệm được thời gian sàng lọc, và lại còn đảm bảo được nguồn nhân lực thực hiện.
III. Cách viết CV tiêu chuẩn nhất
1. Thông tin cá nhân
Đây là mục bạn cần tóm tắt về các thông tin cơ bản về bản thân, bao gồm: họ tên, ngày/tháng/năm sinh, địa chỉ, số điện thoại và email liên lạc. Với những thông tin giới thiệu bản thân trong CV, nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn dễ hơn khi đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, nếu bạn có những trích dẫn mục tiêu sống hay những câu nói mà bạn tâm đắc, bạn có thể viết một cách ngắn gọn để thể hiện bản thân.
2. Trình độ học vấn
Trình độ học vấn là chỉ bậc học cao nhất của một người đã hoàn thành trong hệ thống giáo dục, bao gồm: hệ thống giáo dục chính quy và hệ thống giáo dục thường xuyên. Với mỗi bậc học, được xem là một trình độ. Với mục này, bạn tóm tắt về quá trình học tập của bản thân, bao gồm: tên trường, khóa học, chuyên ngành, thời điểm tốt nghiệp và sơ lược về những thông tin đáng chú ý khác (như thành tích, giải thưởng, những dự án được tham gia,...) có liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Tại mục trình độ học vấn, bạn nên ghi về bậc học cao nhất của mình và liệt kê thêm những thành tích, giải thưởng đã đạt được trong quá trình học tập (nếu có). Ngoài ra, bạn có thể ghi thêm về những dự án, chương trình nghiên cứu, các khóa học chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến vị trí ứng tuyển mà bạn đã tham gia. Cho nhà tuyển dụng thấy được năng lực làm việc cũng như tính cầu thị, ham học hỏi trong bạn.
3. Điểm mạnh - Điểm yếu
Khi trình bày điểm mạnh - yếu trong CV, ứng viên nên khiêm tốn với những điểm mạnh và trung thực với những điểm yếu của bản thân. Giúp cho nhà tuyển dụng thấy được sự chân thành từ bạn. Bởi từ đây, nhà tuyển dụng sẽ nhìn nhận rõ hơn về tính cách, tiềm năng phát triển cũng như sự phù hợp giữa bạn và văn hóa công ty. Vì vậy, đừng ngần ngại mà hãy tự tin trình bày điểm mạnh và cả điểm yếu của bản thân trong CV nhé!
4. Kỹ năng
Kỹ năng được xem là khả năng vận dụng những kiến thức có được trong cuộc sống và trong quá trình học tập vào công việc hay nhằm để thực hiện việc nào đó mang tính chuyên môn cao. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ giữa kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và chỉ nên liệt kê những kỹ năng phù hợp với vị trí công việc ứng tuyển.
Thông qua các kỹ năng, nhà tuyển dụng có thể xem xét và đánh giá trình độ, khả năng làm việc của bạn. Do đó, bạn nên trình bày các kỹ năng chính và có liên quan đến vị trí ứng tuyển, cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn chính là lựa chọn thích hợp cho vị trí đó.
5. Kinh nghiệm làm việc
Đây là phần để nói đến những công việc bạn đã từng làm trước đây, tuy nhiên bạn không nên liệt kê hết vào CV. Điều đó sẽ làm cho CV trở nên dài và không có điểm nhấn cụ thể. Vì thế, bạn chỉ nên viết những kinh nghiệm công việc có liên quan đến vị trí ứng tuyển, nhằm gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Khi trình bày kinh nghiệm làm việc, bạn cần bắt đầu viết từ công việc gần đây nhất của mình trở về trước, bao gồm các thông tin như: tên công ty, vị trí làm việc, nhiệm vụ, những thành tích và giải thưởng (nếu có). Nếu bạn đang là sinh viên hay chưa có kinh nghiệm làm việc, bạn có thể liệt kê các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội từng tham gia hay các công việc làm thêm ngắn hạn như: phục vụ, giao hàng,...
Ngoài ra mục kinh nghiệm làm việc rất được nhà tuyển dụng quan tâm, bởi qua đó, họ có thể đánh giá được năng lực làm việc của từng ứng viên. Vì vậy, bạn nên trình bày rõ ràng, ngắn gọn, và đưa ra được các số liệu cụ thể. Cho nhà tuyển dụng nhận thấy được khả năng làm việc cũng như những kinh nghiệm mà bạn đã có được trong quá trình làm việc trước đây.
6. Mục tiêu nghề nghiệp
Hiểu đơn giản, mục tiêu nghề nghiệp là đích đến của sự nghiệp mà bạn mong muốn đạt được trong tương lai, thông qua việc định hướng và trang bị những kiến thức, kinh nghiệm cần có. Với mục tiêu nghề nghiệp, bạn cần phân biệt rõ giữa mục tiêu ngắn hạn và đâu là mục tiêu dài hạn để biết được bản thân cần làm gì và phải làm gì để đạt được những mục tiêu đó.
Ngoài ra, mục tiêu nghề nghiệp cũng nên hướng đến việc mang lại lợi ích cho công ty như tăng doanh thu, mở rộng đối tượng khách hàng,... Qua đó, cho nhà tuyển dụng thấy được bạn có sự cầu tiến trong công việc và có khả năng hoạch định, quản lý hiệu quả. Với những ứng viên có mục tiêu sự nghiệp rõ ràng và được lên kế hoạch chỉn chu, không những có cái nhìn thực tế hơn về tương lai, mà còn nhận được đánh giá cao từ nhà tuyển dụng.
Khi viết mục tiêu nghề nghiệp, bạn nên tránh việc đặt mục tiêu quá cao. Điều đó sẽ làm cho bạn cảm thấy áp lực khi thực hiện những mục tiêu không trong khả năng của bản thân. Càng không nên viết một cách chung chung hay thậm chí là sao chép ở đâu đó, bởi nhà tuyển dụng sẽ không thấy được sự khác biệt giữa bạn và những ứng viên còn lại. Và như vậy sẽ thật khó để cho bạn có cơ hội được vào vòng phỏng vấn.
7. Người tham chiếu (tham khảo)
Đó là những người trong công ty cũ, họ từng làm việc, cộng tác trong các kế hoạch, dự án nào đó với bạn trong khoảng thời gian nhất định. Đây là những người chứng kiến, ghi nhận những nỗ lực làm việc của bạn và cũng sẽ là những người “cam kết” với nhà tuyển dụng về năng lực làm việc của bạn trong môi trường mới.
Để có được mục tham chiếu rõ ràng và chính xác nhất, bạn nên lựa chọn người có khả năng tin tưởng và tinh thần trách nhiệm cao. Sau khi xác định được người tham chiếu, bạn cần liệt kê những thông tin cơ bản về người đó, bao gồm: họ tên, chức vụ, mối quan hệ của bạn với họ, tên công ty, địa chỉ và thông tin liên lạc của người tham chiếu. Với những thông tin rõ ràng giúp nhà tuyển dụng có thể dễ dàng xác minh và mức độ tin cậy của bạn trong mắt nhà tuyển dụng cũng được tăng cao.
IV. Lưu ý dành cho sinh viên mới ra trường
Đối với những sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, nhà tuyển dụng sẽ thường đánh giá năng lực thông qua sự nỗ lực của bạn trong quá trình học tập, rèn luyện của bản thân. Bằng việc cung cấp điểm trung bình tốt nghiệp tại phần trình độ học vấn, qua đó thấy được khả năng tiếp thu kiến thức, sự chăm chỉ và nghiêm túc trong mỗi ứng viên.
Ngoài ra trong quá trình học tập, bạn sẽ học được nhiều kỹ năng và cả những giải thưởng, thành tựu nổi bật. Vì vậy, bạn nên chú trọng và trình bày thật khéo léo để nhà tuyển dụng thấy được tiềm năng phát triển và sự cố gắng không ngừng trong bạn. Bên cạnh đó, nếu chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, bạn có thể viết về các hoạt động thiện nguyện đã tham gia và bổ sung thêm phần sở thích trong CV. Điều này giúp cho CV của bạn không quá trống trải, và còn thể hiện được cá tính, năng động của bản thân. Cho nhà tuyển dụng đánh giá khách quan mức độ phù hợp của bạn đối với yêu cầu công việc, cũng như văn hóa của công ty.
V. Những lưu ý chung khi viết CV
1. Tránh lỗi chính tả
Bạn nên kiểm tra thật kỹ trước khi nộp CV đến nhà tuyển dụng. Bởi nếu xuất hiện lỗi chính tả, dù nhỏ đến đâu cũng sẽ khiến bạn trông thiếu chuyên nghiệp, chuẩn bị sơ sài và cho thấy sự thiếu tôn trọng trong mắt nhà tuyển dụng. Vì vậy, hãy dành ra một ít thời gian để kiểm tra lỗi chính tả trước khi gửi đi nhé!
2. Chỉn chu trong câu từ
Khi trình bày, bạn nên hạn chế dùng những từ ngữ mang nhiều nghĩa hay thậm chí là có cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Vì điều này có thể vô tình gây ra sự hiểu lầm không đáng có, nhưng bạn lại không thể kịp thời giải thích với nhà tuyển dụng. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến ngữ pháp để câu văn mạch lạc và dễ hiểu hơn cho người đọc.
3. Trình bày ngắn gọn, rõ ràng
Một bản CV chuẩn nên được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, tóm tắt được những thông tin quan trọng và đáng chú ý. Bởi lẽ, nhà tuyển dụng sẽ không có quá nhiều thời gian để đọc hết tất cả những gì bạn viết trong CV. Viết quá dài sẽ cho những thông tin nổi bật bên dưới của bạn sẽ bị bỏ qua. Vì vậy, bạn chỉ nên nêu những thông tin chính và trình bày ngắn gọn cho nhà tuyển dụng dễ nắm bắt thông tin hơn.
4. Chọn kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp vị trí ứng tuyển
Trong trường hợp, có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, thì bạn nên chọn lọc thật kỹ những kỹ năng, kinh nghiệm thật sự phù hợp vị trí ứng tuyển. Điều đó vừa giúp bạn thể hiện được những lợi thế của bản thân, vừa cho nhà tuyển dụng nhận thấy được năng lực và khả năng làm việc của bạn. Tránh việc trình bày hết tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm bạn có vào CV, vì nó chỉ khiến cho CV của bạn không có sự nổi bật và không truyền tải được nội dung chính đến nhà tuyển dụng.
5. Tạo điểm nhấn cho CV
Để tạo được điểm nhấn cho CV, bạn nên chú ý đến những từ khóa chính trong yêu cầu công việc. Từ đó đưa ra những kỹ năng, kinh nghiệm, mục tiêu vừa phù hợp với tiêu chuẩn của bản thân, vừa đáp ứng được yêu cầu công việc. Bạn sẽ dễ gây được ấn tượng, thu hút sự chú ý và thuyết phục nhà tuyển dụng lựa chọn bạn.
6. Không nói quá, phô trương về năng lực làm việc
Khi trình bày những điểm mạnh và năng lực làm việc của bản thân, nên tránh việc nói quá lên hay tự tin quá mức về năng lực của mình. Điều này cho nhà tuyển dụng thấy bạn là kiểu người tự mãn và không có sự khiêm tốn. Đồng nghĩa với việc, bạn sẽ không nhận được ấn tượng tốt đến từ nhà tuyển dụng và không được đánh giá cao cho việc ứng tuyển vào công ty.
7. Nhất quán nội dung, cách trình bày
Khi viết CV, bạn nên nhất quán trong cách trình bày và nội dung như việc sử dụng chung một font chữ cho toàn bài, sử dụng gạch chân, viết hoa để nhấn mạnh hay liệt kê các cột mốc quan trọng, thành tích đáng chú ý. Điều này giúp bạn trình bày rõ ràng và cũng là để nhà tuyển dụng nắm bắt được những thông tin nổi bật nhanh hơn.
8. Trung thực khi cung cấp thông tin
Nếu bạn cho nhà tuyển dụng thấy bạn có năng lực làm việc cao hơn năng lực thực sự của bản thân, sẽ làm cho họ có đánh giá sai về bạn và giao cho bạn đảm nhận những nhiệm vụ vượt qua khả năng. Khi đó, bạn sẽ phải đối mặt với những áp lực, gánh nặng công việc mà chính bạn tự mang đến cho mình. Hẳn bạn sẽ không muốn điều đó xảy ra, do đó, những gì bạn viết trong CV phải đảm bảo có tính trung thực và phù hợp với năng lực làm việc thực sự của bạn.
9. Chú ý khi đặt tên file CV
Khi gửi hồ sơ, bạn sẽ phải đính kèm theo nhiều loại tài liệu khác nhau. Vì vậy, bạn nên đặt tên file CV rõ ràng và dễ dàng phân biệt với những tài liệu khác. Điều này giúp nhà tuyển dụng có thể thuận tiện mở CV của bạn mà không bị nhầm lẫn và cũng tránh việc tìm kiếm mất thời gian.
- Nguồn: thegioididong