Trước những bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam, đầu năm 1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp hội nghị toàn thể lần thứ 20, chủ trương đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Hội nghị nhận định: “Diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động, thế thuận lợi, thế đi lên; địch đang ở thế thua, thế bị động, thế khó khăn, thế đi xuống”[1]; đồng thời đề ra nhiệm vụ trước mắt: “Động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, anh dũng tiến lên đẩy mạnh cuộc kháng chiến; đoàn kết phối hợp chiến đấu chặt chẽ với quân và dân Lào, quân và dân Campuchia anh em, đánh bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đánh bại “Học thuyết Nixon”, giành lấy thắng lợi to lớn hơn nữa cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”[2].
Nhằm “nắm lấy thời cơ, quật địch những đòn quyết liệt hơn nữa, làm cho ngụy quân, ngụy quyền suy sụp, bắt Mỹ phải chịu thua và rút hết quân về nước”[3], ngày 11-3-1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, dự kiến hướng chủ yếu là miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, hướng phối hợp quan trọng là Trị - Thiên.
Dựa vào kết quả chuẩn bị và thực tiễn chiến trường, ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định điều chỉnh phương án tiến hành cuộc tiến công chiến lược, chuyển Trị - Thiên từ hướng phối hợp quan trọng chuyển thành hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Bộ tư lệnh Chiến dịch được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là giải phóng tỉnh Quảng Trị, sau đó phát triển vào hướng Thừa Thiên.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 30-3-1972, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của Quân giải phóng miền Nam bắt đầu bằng ba chiến dịch tiến công ở Đường 9 - Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ kết hợp với các chiến dịch tiến công tổng hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long và Khu V, giáng một đòn bất ngờ về hướng và quy mô cuộc tiến công, khiến chính quyền, quân đội Sài Gòn, phải bị động đối phó.
Rạng sáng 2-5-1972, cờ giải phóng trong tay chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tung bay trên cổng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu: TTXVNTrên hướng Trị - Thiên, quân ta mở cuộc tiến công và lần lượt tiêu diệt các căn cứ, vị trí Động Toàn, Ba Hồ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Đầu Mầu, Điểm cao 241… phá vỡ tuyến phòng thủ Đường 9 - bắc Quảng Trị. Từ ngày 14 đến ngày 26-4-1972, quân ta dồn dập pháo kích, tiến công và làm chủ các vị trí, địa bàn Đông Hà, Ái Tử, Lai Phước, La Vang, vây ép địch ở thị xã Quảng Trị, buộc chúng phải rút chạy sau đó. Ngày 2-5-1972, quân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Đêm 27-6-1972, Bộ tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên quyết định ngừng tiến công, chuyển phương thức tác chiến mới nhằm giữ vững vùng giải phóng. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta tiến hành thắng lợi một chiến dịch tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; giải phóng hoàn toàn một tỉnh. Thành công của Chiến dịch tiến công Trị - Thiên cùng các hướng tiến công khác tạo ra cục diện mới trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta, trong đó trực tiếp là tạo thế và lực cho ta tiến hành Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (28-6-1972 / 31-1-1973) thắng lợi.
Trong lúc này, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân Hè 1972, nhằm phối hợp với hướng tiến công chiến lược Trị - Thiên và miền Đông Nam Bộ đánh địch trên toàn chiến trường miền Nam, tạo hành lang nối thông giữa Mặt trận Trị - Thiên, Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ. Với khí thế “Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng nhân dân”, từ ngày 30-3-1972 đến ngày 5-6-1972, các lực lượng trên Mặt trận Tây Nguyên (B3) với quy mô tương đương cấp quân đoàn đã tiến công địch trên hướng phối hợp quan trọng Bắc Tây Nguyên, đột phá vào tuyến phòng thủ kiên cố của địch, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cuộc tiến công chiến lược năm 1972.
Ở địa bàn miền Đông Nam Bộ, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền mở Chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ (1-4-1972 / 19-1-1973) và giành thắng lợi vang dội. Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô quân đoàn tăng cường trên địa bàn 4 tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và Bình Dương nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn miền Đông Nam Bộ làm nơi đứng chân của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; xây dựng bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc. Thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ tạo bàn đạp cho những hoạt động tiến công quân sự, chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, đồng thời làm thất bại chiến thuật phòng ngự cấp chiến đoàn của chúng trên khu vực rộng lớn áp sát đô thành Sài Gòn; tạo ra thế và lực mới của ta trên chiến trường Nam Bộ; tạo thế uy hiếp trực tiếp đối với tuyến phòng thủ ven Sài Gòn, tạo điều kiện cho các địa phương của Nam Bộ tiếp tục tiến công đánh phá bình định của địch.
Với những thắng lợi dồn dập trên các hướng chiến trường, Cuộc tiến công chiến lược 1972 đã giáng một đòn sấm sét vào âm mưu củng cố thế trận phòng ngự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn hòng giữ nguyên hiện trạng chiến trường nhằm tránh mọi sự đảo lộn về chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon bước vào năm vận động tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ mới. Không chỉ vậy, thắng lợi to lớn của Cuộc tiến công chiến lược năm 1972: “Làm thay đổi cục diện chiến trường ở miền Nam cùng với việc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của Mỹ ở miền Bắc, ta đã đạt được mục tiêu giành thắng lợi quyết định. Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam…, tạo nên so sánh lực lượng mới có lợi cho ta kể từ 18 năm chống Mỹ, cứu nước”[4].
Ngay chính Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn cũng phải thừa nhận: “Cuộc tiến công 1972 của địch đã làm nổi lên một cách bi thảm nhất sự yếu kém cơ bản của quá trình Việt Nam hóa”[5].
Thiếu tá, ThS LÊ MINH NAM - Viện Lịch sử Quân sự