Vắt sữa hay hút sữa đúng cách luôn là băn khoăn của nhiều bà mẹ đang cho con bú, nhất là đối với những người lần đầu làm mẹ. Vắt sữa mẹ là phương pháp lấy sữa được nhiều mẹ sau sinh áp dụng hiện nay. Phương pháp này giúp mẹ đáp ứng đủ nhu cầu sữa mẹ cho trẻ trong trường hợp không thể ở gần, đồng thời cho mẹ nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Để hiểu thêm về lợi ích và học được phương pháp vắt sữa đúng cách, hãy cùng Nutrihome theo dõi ngay bài viết sau.
Hút sữa, vắt sữa là gì?
Hút sữa, vắt sữa mẹ là hành động sử dụng tay hoặc thiết bị có lực hút để tác động lên ngực và đầu ngực. Từ đó, thúc đẩy ngực mẹ tiết sữa ra ngoài nhanh hơn. Hiện nay phần lớn mẹ sau sinh đều kết hợp cách hút sữa với phương pháp cho con bú truyền thống. Tuy nhiên, vẫn có không ít người phản đối việc hút, vắt sữa mẹ.
Dùng máy hút sữa, vắt sữa có thật sự tốt cho mẹ
Ai nên hút sữa?
Bác sĩ khuyến khích mẹ sau sinh sử dụng phương pháp vắt sữa mẹ bằng tay hoặc dùng máy hút sữa mẹ trong những trường hợp sau:
- Mẹ thường gặp tình trạng tắc sữa, cơ địa ít sữa.
- Cơ thể mẹ khi có quá nhiều sữa cùng cần vắt hoặc hút sữa để trẻ bú cân bằng lượng sữa đầu cuối, đồng thời ngăn sữa tích tụ, vón cục làm tắc tia sữa.
- Mẹ phải đi làm hoặc không thể ở nhà cho con bú trực tiếp.
Ngoài ra, mẹ cũng nên tìm hiểu làm sao hút sữa đúng cách, vắt sữa khi trẻ chưa giỏi ngậm bắt núm vú, ngực bị căng và tắc tia sữa.
Lợi ích của việc hút sữa
1. Tránh tắc tia sữa
Tắc tia sữa là hiện tượng phổ biến ở mẹ sau sinh, đặc biệt thường gặp ở những mẹ có nhiều sữa. Lý do dẫn đến tắc tia sữa chủ yếu do trẻ không bú cạn lượng sữa có trong bầu ngực. Tình trạng kéo dài khiến sữa tồn đọng, bị đông cứng và vón cục, từ đó làm tắc các tuyến sữa. Tắc tia sữa không chỉ làm người mẹ đau nhức khó chịu, ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú, mà còn dễ dẫn đến áp xe vú, gây nguy hiểm cho mẹ. Hút sữa đúng cách còn có thể ngăn chặn được tình huống này, hạn chế nguy cơ căng sữa, tắc sữa và áp xe vú.
2. Dự trữ sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ trong 6 tháng đầu sau khi chào đời, do đó trẻ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ trong khoảng thời gian này. Lúc này, thực hiện hút sữa sẽ cho phép mẹ dễ dàng dự trữ và bảo quản sữa. Như vậy, trẻ vẫn có thể được uống nguồn sữa mẹ chất lượng giàu dinh dưỡng ngay cả khi mẹ không kề bên. Cách vắt sữa mẹ dự trữ này còn giúp mẹ có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và phục hồi sức khỏe sau khi sinh.
3. Bảo vệ bầu ngực cho mẹ
Bầu ngực của mẹ, nhất là vị trí núm vú dễ bị tổn thương khi cho con bú. Nguyên nhân chính gây đau ngực, đầu vú do mẹ cho trẻ bú sai tư thế hoặc kỹ thuật ngậm bắt vú của trẻ không chính xác. Tổn thương vùng ngực có thể khiến mẹ bị nứt nẻ núm vú, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến viêm da, co thắt mạch máu và nhiễm trùng. Sử dụng phương pháp vắt sữa hoặc hút sữa giúp việc lấy sữa và cho trẻ ăn dễ dàng hơn, hạn chế được những tổn thương cho ngực của mẹ.
4. Giúp bé có lượng sữa nhiều hơn
Đối với người mẹ không có nhiều sữa, việc hút sữa giúp cho mẹ tích trữ được nhiều sữa hơn, từ đó đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ. Thực hiện hút sữa đều đặn cũng là một phương pháp được nhiều bác sĩ khuyến khích để kích thích ngực mẹ về nhiều sữa hơn. Hơn nữa, một số trẻ nhỏ không thể ngậm bắt vú mẹ do kỹ năng kém hoặc dị tật bẩm sinh. Hút sữa đúng cách và cho trẻ bú bình có thể khắc phục hiệu quả vấn đề này.
Hút sữa đúng cách để sữa về nhiều
Bên cạnh đó, một bộ phận tích cực phản đối vắt sữa hoặc hút sữa cho con bú. Bởi vậy đề tài “Nên vắt sữa hay cho con bú trực tiếp” nhận được sự quan tâm của nhiều người mẹ sau sinh. Bác sĩ cho biết, mẹ nên cho bú trực tiếp trong những ngày đầu đời của trẻ, hút sữa hoặc vắt sữa chỉ là một phương pháp hỗ trợ hoặc thay thế tạm thời nhằm ổn định chất lượng và số lượng sữa. Nhìn chung không thể phủ nhận lợi ích của việc hút, vắt sữa mẹ, tuy nhiên mẹ nên chú ý áp dụng cách hút sữa mẹ đúng cách.
Vắt sữa mẹ có ảnh hưởng gì không?
Vắt hay hút sữa đúng cách không hề gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể mẹ, mà mang đến nhiều ích lợi như:
- Giảm các triệu chứng rỉ sữa, căng tức ngực, tắc tia sữa, viêm tuyến vú,… do sữa mẹ tích tụ quá lâu.
- Kích thích phản xạ của cơ thể, giúp sữa mẹ về nhiều hơn.
- Giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn vì vắt sữa mẹ thủ công có thể khống chế lực tay dễ dàng.
- Tiết kiệm chi phí và thời gian hơn so với sử dụng các thiết bị hút sữa.
Nên hút sữa mấy lần 1 ngày? Bao lâu một lần?
Số lần hút sữa một ngày phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu của trẻ và lượng sữa của mẹ. Nếu mẹ chủ yếu cho trẻ bú trực tiếp đan xen với bú bình thì chỉ hút vài lần một ngày. Nếu trẻ bú bình hoàn toàn, mẹ cần hút đúng số cữ bú của trẻ. Thông thường, số lần hút tối thiểu là 8 lần/ ngày, trong đó mẹ nên hút mỗi 2 tiếng 1 lần vào ban ngày và 4 tiếng 1 lần vào ban đêm để kích thích sữa về nhiều.
Bác sĩ khuyên hút sữa đúng cách để sữa về nhiều thì mỗi lần nên kéo dài từ 15 - 20 phút. Khi sữa đã ngừng chảy, mẹ có thể giữ máy hút sữa thêm một ít phút để gửi tín hiệu sản xuất thêm sữa cho cơ thể. Tốt nhất, mẹ không nên hút sữa quá lâu để tránh việc làm tổn thương núm vú và mô xung quanh vú. Hút sữa sai cách kéo dài có thể khiến vùng ngực của mẹ bị sưng đau, dễ dần đến việc sữa ít dần và mất hẳn.
Lượng sữa mỗi lần hút bao nhiêu là đủ?
Lượng sữa đáp ứng đủ cho nhu cầu của trẻ thay đổi theo giai đoạn trưởng thành của trẻ. Trong những ngày đầu đời, trẻ chỉ cần một lượng nhỏ sữa non giàu dinh dưỡng. Sau khi đạt một tuần tuổi, mỗi lần trẻ cần uống khoảng từ 50ml đến 80ml sữa. Sau một tháng, lượng sữa trẻ cần có thể dao động ở mức 700ml đến 900ml mỗi ngày.
Hút sữa đúng cách giúp mẹ có thể thu về lượng sữa dồi dào hơn
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của trẻ đồng thời ngăn ngừa tắc tia sữa, mẹ có thể hút gần cạn sữa trong mỗi cữ hút, mỗi cữ cách nhau tối thiểu 2 tiếng. Bác sĩ nhắc nhở mẹ không nên lạm dụng máy hút sữa và cách vắt sữa, hút sữa không chính xác vẫn có thể gây tổn thương nghiêm trọng tương tự phương pháp cho con bú trực tiếp.
Nên vắt sữa mẹ bằng máy hay bằng tay?
Mỗi cách hút sữa mẹ đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Khi vắt sữa mẹ bằng tay, người mẹ sẽ dễ dàng khống chế lực kéo hút, giúp mẹ dễ chịu hơn khi hút nhưng so về năng suất chắc chắn không thể bằng với máy hút sữa. Ngoài ra, máy hút sữa được thiết kế với nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau nhằm đáp ứng được nhu cầu của mỗi người.
Để áp dụng đúng phương pháp, mẹ nên tham khảo trước ý kiến của các chuyên gia khoa nhi. Đặc biệt là cách để thao tác vắt, cách hút sữa hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến chất lượng của sữa, đồng thời bảo vệ cho bầu ngực không bị nhiễm trùng.
3 điều cần làm trước khi hút sữa để sữa về nhiều
1. Lựa chọn kích thước phễu hút sữa phù hợp
Mỗi thương hiệu máy hút sữa có sự khác biệt nhất định về thiết kế và kích thước. Để lựa chọn được loại thiết bị phù hợp với kích thước ngực của bản thân, mẹ nên tham khảo kỹ lưỡng thông tin của sản phẩm trước khi mua và sử dụng. Kích thước phễu hút phù hợp giúp mẹ thoải mái hơn khi sử dụng, từ đó sẽ hút được lượng sữa nhiều hơn. Phễu đúng kích thước nên lớn hơn núm vú của bạn khoảng 3mm - 4mm.
2. Rửa tay và vệ sinh ngực sạch sẽ trước khi hút sữa
Để mang đến cho trẻ dòng sữa giàu dinh dưỡng, sạch khuẩn, mẹ cần chú ý đến bước vệ sinh kỹ càng các vị trí tay, bầu ngực, thiết bị hút sữa trước khi hút sữa. Nếu bước này không được chuẩn bị cẩn thận, sữa của trẻ có thể bị nhiễm khuẩn và gây nguy hiểm đến sức khỏe khi trẻ uống vào.
3. Kích thích phản xạ xuống sữa
Vắt sữa, hút sữa đúng cách có thể kích thích phản xạ xuống sữa hiệu quả, giúp sữa ra đều và nhiều. Để cơ thể có phản xạ xuống sữa tự nhiên, mẹ nên duy trì tâm lý thoải mái, luôn hút hoặc vắt sữa đồng thời hai bên ngực và chú ý hút sữa đúng đủ số cữ. Nếu kiên trì tuân thủ cữ hút sữa, phản xạ xuống sữa sẽ diễn ra mạnh hơn.
Bên cạnh đó, mẹ có thể tăng cường phản xạ này bằng cách massage nhẹ nhàng vùng ngực mỗi ngày trước khi hút. Mỗi lần mẹ chỉ nên massage tối đa 2 phút, nếu sữa xuống thì mẹ có thể bắt đầu hút luôn mà không cần thực hiện massage thêm. Nếu phản xạ xuống sữa không diễn ra tự nhiên, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về những yếu tố gây ức chế và cách khắc phục.
Hướng dẫn mẹ vắt sữa, hút sữa đúng cách, không đau
Các chuyên gia khẳng định rằng không có sự khác biệt về lượng sữa được vắt ra, cho dù bạn dùng máy hút hay dùng tay (1). Ban đầu, mẹ có thể không được vắt nhiều sữa, nhưng từ ngày thứ tư sau khi sinh, mẹ sẽ bắt đầu sản xuất 30ml sữa. (2)
1. Cách vắt sữa mẹ bằng tay
- Trước khi thực hiện vắt sữa mẹ bằng tay, mẹ lưu ý rửa tay thật sạch, đồng thời đảm bảo hộp đựng, túi đựng sữa được khử trùng sạch sẽ.
- Lựa chọn tư thế ngồi phù hợp để luôn cảm thấy thoải mái trong quá trình vắt sữa.
- Để kích thích sữa xuống, mẹ cần thực hiện massage bằng tay hoặc khăn ấm bằng động tác vuốt dài từ phía nách về hướng núm vú.
- Sau đó, khum tay thành hình chữ C và ôm vào bên ngoài núm vú. Ngón trỏ và ngón cái phải đối diện nhau.
- Ấn ngón trỏ và ngón cái một cách nhẹ nhàng vào vị trí dưới quầng vú, tránh đè ép vào núm vú. Lặp lại động tác ấn và thả liên tục một vài phút để vắt sữa mẹ.
- Khi đã vắt một bên ngực khoảng từ 3 - 5 phút, dòng sữa mẹ chảy chậm lại, hãy di chuyển tay xung quanh bầu vú và lặp lại động tác như trên.
- Tiếp theo, bạn có thể đối sang bên ngực còn lại sau khi đã vắt hết mức một bên. Sau đó bạn nên quay lại bên vú ban đầu để đảm bảo sữa đã được vắt kiệt và lặp lại tương tự với bên còn lại.
- Vắt sữa mẹ thủ công thường cần ít nhất từ 20 phút - 30 phút để vắt kiệt sữa hoàn toàn.
2. Cách hút sữa bằng máy hút tay
- Tiệt trùng sạch sẽ các thiết bị, đặc biệt là vị trí tiếp xúc trực tiếp với núm vú, bình đựng.
- Rửa sạch tay và lau ngực.
- Trước tiên, bạn sẽ xoa bóp nhẹ nhàng hai bên ngực và dùng tay vắt sữa.
- Sau khi ngực đã được kích thích, bạn hãy đặt phễu hút sữa vào giữa núm vú, máy hút phải nằm ngang với ngực của bạn.
- Bóp máy một cách nhịp nhàng, theo chu kỳ của trẻ.
- Sau khi vắt xong một bên, bạn lặp lại quy trình tương tự với bên ngực còn lại. Hãy di chuyển qua lại giữa hai bên ngực để hút được nhiều và cạn sạch sữa.
3. Cách hút sữa bằng máy hút điện
- Rửa tay sạch sẽ và thực hiện tiệt trùng toàn bộ các bộ phận của máy hút sữa trước khi dùng.
- Lựa chọn tư thế thoải mái và massage ngực nhẹ nhàng để kích thích phản xạ xuống sữa.
- Đặt phễu hút đúng tâm của núm vú, sau đó ấn nhẹ. Sau khi đặt xong một bên, thực hiện tương tự với bên còn lại.
- Bạn nên bắt đầu hút ở áp lực hút thấp sau đó tăng dần cho đến nấc bạn cảm thấy thoải mái. Bạn nên hút sữa từ 15 - 20 phút.
- Sau khi sữa đã ngừng chảy, bạn nên giữ máy thêm một ít phút để đảm bảo ngực rỗng hoàn toàn.
Cách giúp mẹ thúc đẩy phản xạ xuống sữa khi vắt
Để tăng phản xạ xuống sữa khi vắt sữa mẹ, mẹ có thể tham khảo một số mẹo sau:
- Lựa chọn địa điểm hút sữa quen thuộc, duy trì tâm lý thoải mái khi hút.
- Trong khi hút sữa, mẹ có thể xem chương trình yêu thích, nghe nhạc,… tránh nhìn chằm chằm vào bình đựng sữa để kiểm tra lượng sữa chảy ra.
- Mẹ nên hút đồng thời hai bên ngực hoặc một bên cho trẻ bú, một bên dùng máy hút song song.
- Mẹ ghi nhớ tuân thủ đúng cữ hút, vắt sữa mẹ. Việc hút sữa đúng cữ sẽ kích thích mẹ tạo ra nhiều sữa hơn. Trong những tuần đầu trẻ chào đời, mẹ nên kiên trì vắt mỗi ngày để kích thích phản xạ diễn ra tự nhiên và mạnh mẽ hơn.
- Mẹ có thể tham khảo một số bài massage ngực nhẹ nhàng để giảm căng tức ngực và kích thích sữa ra đều.
Mẹo hút sữa đúng cách hiệu quả nhất cho con
1. Xây dựng thời gian biểu hút sữa
Xây dựng thời gian biểu cụ thể cho việc hút sữa có tác dụng tạo ra thói quen cho cơ thể mẹ, giúp mẹ dễ thích ứng và kích thích sữa về nhiều hơn. Thời gian đầu, mẹ nên duy trì mỗi 2 - 3 tiếng hút một lần, sau đó giãn cách tối đa xuống còn 4 tiếng hút một lần. Lưu ý, trong trường hợp mẹ có nhiều sữa vẫn nên duy trì ở mức từ 2 tiếng đến 3 tiếng.
2. Duy trì chế độ nghỉ ngơi, thư giãn thoải mái cho mẹ
Ngoài việc hút sữa đúng cách, tâm lý của mẹ có ảnh hưởng lớn đến phản xạ xuống sữa, từ đó quyết định lượng sữa mẹ ít hay nhiều. Bởi vậy, mẹ cần duy trì chế độ thư giãn, nghỉ ngơi phù hợp để tránh gây áp lực, ức chế phản xạ xuống sữa của cơ thể.
3. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất
Dinh dưỡng trong sữa mẹ được quyết định bởi thực đơn hằng ngày của mẹ. Do đó, đề tài “Ăn gì cho nhiều sữa” là vấn đề mẹ sau sinh luôn quan tâm. Để mẹ có đủ dinh dưỡng phục hồi sức khỏe đồng thời tạo ra nguồn sữa đặc, mát cho con, mẹ cần được bổ sung cân bằng các chất dinh dưỡng, tập trung dung nạp đạm, rau xanh và trái cây. Bên cạnh đó, mẹ nên kiêng dùng các thực phẩm gây mất sữa hoặc biến đổi hương vị sữa mẹ.
Mẹ thoải mái thì việc hút sữa cũng hiệu quả hơn
4. Uống đủ nước
Bên cạnh các cách hút sữa hiệu quả để sữa về, mẹ nên bổ tăng cường bổ sung dinh dưỡng và nước cho cơ thể. Nước là thành phần chủ yếu của sữa mẹ. Để bổ sung hiệu quả, mẹ nên uống ít nhất 2 lít nước, tương đương 8 - 10 cốc nước hằng ngày.
Việc xây dựng thực đơn để mẹ khỏe con tăng cân không hề đơn giản, đặc biệt là đối với người lần đầu làm cha mẹ. Mẹ sau sinh có thể tham khảo một số dịch vụ tư vấn, xây dựng thực đơn, kèm theo kiểm tra phân tích thành phần sữa mẹ tại Nutrihome để bổ sung đủ và hiệu quả dưỡng chất cho cơ thể, từ đó nâng cao chất lượng sữa mẹ.
Sữa mẹ sau khi vắt bảo quản như thế nào?
Mẹ thường lo lắng về chất lượng sữa sau khi vắt, sữa mẹ vắt ra để ngoài được bao lâu? Sữa mẹ sau khi vắt có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng tối đa 4 tiếng. Nếu sử dụng tủ lạnh để bảo quản, sữa mẹ lưu trữ tối đa 4 ngày đối với ngăn mát và 12 tháng đối với ngăn đông.
Cách sử dụng sữa mẹ đã bảo quản
Cách thức rã đông sữa mẹ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến mùi vị và hàm lượng dinh dưỡng của sữa mẹ. Đối với sữa bảo quản ngăn mát, mẹ cần cho sữa vào máy hâm ở nhiệt độ từ 35 - 40 độ C cho đến khi sữa ấm. Đối với sữa lưu trữ trong ngăn đông, mẹ cần rã đông sữa bằng nước lạnh hoặc đặt xuống ngăn mát đến khi đá tan hoàn toàn. Sau khi sữa về thể lỏng, mẹ có thể hâm như sữa thông thường.
Hút sữa và những câu hỏi thường gặp
1. Hút sữa có bị mất sữa không?
Hút sữa không khiến cơ thể mẹ bị mất sữa. Trừ khi, mẹ lạm dụng hoặc hút sữa sai cách. Nếu mẹ hiểu cách hút sữa đúng cách, sữa mẹ không những không mất mà còn về nhiều hơn thông thường.
2. Không hút sữa có bị mất sữa không?
Nếu cho trẻ bú trực tiếp 100%, dù mẹ không hút sữa thì sữa mẹ cũng không ít dần và mất đi mà sẽ được sản xuất liên tục. Tuy nhiên nếu mẹ không cho con bú và không hút sữa thì có nguy cơ bị tắc tia sữa, viêm tuyến vú cao, từ đó dẫn đến mất sữa.
3. Vắt sữa nhiều có ảnh hưởng gì không?
Cách hút sữa sai có thể làm giảm lượng sữa hoặc khiến mẹ mất sữa. Việc hút quá nhiều tương tự với việc không hút hoặc hút quá ít. Hút sữa quá mức không khiến sữa mẹ nhiều hơn, ngược lại có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho núm vú và vùng ngực.
4. Sữa mẹ vắt ra có bị mất chất không?
Sữa mẹ sau khi vắt ra có thể mất giá trị dinh dưỡng do không được bảo quản đúng cách. Nếu mẹ hút sữa đúng cách và bảo quản chính xác thì hàm lượng dinh dưỡng trong sữa mẹ vẫn đảm bảo về chất lượng.
Như đã nói ở trên, mỗi phương pháp sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau, nhưng mục đích chung là mang đến nhiều lợi ích tốt cho mẹ và bé. Vì thế, quan trọng hơn cả là mẹ nên tìm cho mình phương pháp giúp vắt sữa và hút sữa đúng cách, an toàn và hiệu quả.