Mỡ dưới da là thành phần không thể thiếu của cơ thể và có nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Trong bài viết này, cùng tìm hiểu về vị trí, cấu tạo, lợi ích cũng như tác hại của mỡ dưới da qua chia sẻ của chuyên viên Dinh dưỡng - Tiết chế Trịnh Hà Nhật Quyên, Đơn vị Dinh dưỡng - Tiết chế, Trung tâm Giảm cân Tâm Anh.
Mỡ dưới da là gì?
Mỡ dưới da (subcutaneous fat) là mô mỡ nằm ngay bên dưới lớp biểu bì và hạ bì của da. Mỡ dưới da có nhiều chức năng như làm lớp đệm giữa cơ và xương, giúp mạch máu đi từ da đến cơ bắp, làm lớp cách nhiệt… Mỡ dưới da tồn tại ở hầu hết mọi vị trí trên cơ thể, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ nếu trở nên quá dày.
Bên cạnh mỡ dưới da có mỡ nội tạng (visceral fat). Mỡ nội tạng nằm trong khoang bụng, bao quanh các cơ quan nội tạng như gan, ruột, dạ dày… và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Cấu tạo của lớp mỡ dưới da
Lớp mỡ dưới da nằm giữa hạ bì và lớp cơ, các tiểu thùy mỡ (chủ yếu mỡ trắng) được liên kết bởi các vách xơ (fibrous septa). Giữa lớp mỡ dưới da là dây thần kinh, động mạch, tĩnh mạch,… Bên trong mô mỡ dưới da có thể chứa hai loại tế bào mỡ chính, gồm trắng và nâu. Trong đó, mỡ trắng chiếm tỷ lệ rất lớn (chiếm 93%-97% tổng lượng mỡ trên cơ thể), mỡ nâu chiếm tỷ lệ nhỏ, ngoài ra còn có mỡ be.
Tế bào mỡ trắng trong mô mỡ có cấu tạo chính gồm nhân tế bào, một hạt chất béo có thể thay đổi kích thước để dự trữ mỡ, cả hai được bao quanh bởi màng tế bào. Trong khi đó, các tế bào mỡ nâu gồm nhiều hạt mỡ nhỏ và ty thể. Ngoài ra, có một lượng rất ít tế bào mỡ be, có đặc điểm cấu tạo của cả mỡ trắng và nâu.
Nguyên nhân nào làm tích tụ mô mỡ dưới da?
Mỡ dưới da tích tụ do năng lượng nạp vào nhiều hơn mức cơ thể tiêu thụ. Năng lượng dư thừa sẽ được tích lũy chủ yếu dưới dạng mỡ và một ít dưới dạng glycogen trong gan và cơ bắp. Có nhiều nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng đến việc tích tụ mỡ dưới da:
- Ăn nhiều calo hơn mức cơ thể dùng.
- Vận động ít hoặc không vận động khiến cơ thể không tiêu thụ nhiều năng lượng.
- Người càng cao tuổi, tỷ lệ trao đổi chất càng chậm dễ dẫn đến dư thừa năng lượng và tích mỡ.
- Các yếu tố giới tính, di truyền, hormone… quyết định vị trí phân bố và khả năng tích mỡ trên cơ thể. Ví dụ, thiếu hụt hormone leptin bẩm sinh có thể gây thèm ăn không kiểm soát.
Lớp mỡ dưới da có vai trò gì?
Mô mỡ dưới da có tác dụng:
- Lớp đệm hấp thụ lực tác động lên cơ thể, bảo vệ cho cơ và xương, tránh chấn thương do vận động, va đập, tai nạn.
- Lớp mỡ dày dưới da có thể hoạt động như một lớp cách nhiệt tự nhiên của cơ thể [1].
- Ngoài cách nhiệt, mỡ có thể được đốt cháy để tạo nhiệt giữ ấm cho cơ thể.
- Các mô mỡ có khả năng tích trữ năng lượng dưới dạng chất béo và giải phóng thành năng lượng khi cơ thể cần dùng.
- Tham gia sản xuất một số hormone như leptin, có tác dụng điều chỉnh cảm giác no.
- Đóng vai trò kết nối da với các mô cơ và xương bên dưới.
Lớp mỡ dưới da có thể gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Khi cơ thể tích lũy quá nhiều hoặc quá ít mỡ có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đôi khi, một số bệnh có thể bắt nguồn từ chính lớp mỡ dưới da.
1. Viêm mỡ dưới da
Viêm mỡ dưới da là tình trạng viêm xuất phát từ lớp mỡ bên dưới da, có thể phân loại viêm từ thùy mỡ hoặc vách mỡ. Viêm mỡ dưới da có thể do nhiễm trùng, nhiệt độ lạnh, chấn thương… Bệnh gây sưng đỏ và đau ở vùng da có mô mỡ viêm.
2. Hoại tử mỡ dưới da
Hoại tử mỡ dưới da xảy ra khi mô mỡ chết đi, thường do chấn thương. Hoại tử mỡ dưới da thường biểu hiện dưới dạng một nốt sưng, u cứng màu đỏ hoặc tím, dày lên theo thời gian. Hoại tử mỡ dưới da thường không gây đau nhiều và có thể tự hồi phục theo thời gian.
3. Huyết áp cao
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp cũng như làm tình trạng bệnh nặng hơn ở người đã mắc trước đó. Một thống kê năm 2020 ước tính, béo phì chiếm 65%-78% trường hợp tăng huyết áp nguyên phát [2]. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm như tim mạch, đột quỵ…
4. Bệnh tim
Mỡ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim. Cụ thể, mỡ làm tắc hẹp mạch vành, cản trở máu di chuyển đến tim, gây nhồi máu cơ tim. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành lên 4 lần so với bình thường.
5. Bệnh thận
Béo phì tăng nguy cơ suy thận mạn tính giai đoạn cuối cao gấp 2-7 lần [3]. Béo phì gây thay đổi về áp lực lọc và áp lực máu tại thận, khiến tế bào thận tổn thương, dẫn đến suy giảm chức năng thận.
6. Bệnh xương khớp
Tích lũy quá nhiều mỡ dưới da làm cơ thể tăng trọng lượng, khiến hệ xương khớp chịu áp lực lớn hơn. Một số vùng khớp dễ chấn thương do béo phì gồm gối, hông, bàn chân… Mỡ dưới da có thể làm tình trạng viêm, đau nhức xương khớp trầm trọng hơn.
7. Tiểu đường type 2
Các tế bào mỡ có thể gây kháng insulin. Kháng insulin là tình trạng tế bào không phản ứng với hormone insulin, không thể hấp thụ glucose (đường) từ máu, dẫn đến tăng đường huyết và tiểu đường type 2. Tiểu đường type 2 là bệnh tiểu đường phổ biến nhất, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: tổn thương mạch máu và thần kinh, tổn thương thận, suy giảm thị lực, sinh lý…
8. Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo trong gan. Trong gan thường có 2%-4% mỡ, tuy nhiên, khi tỷ lệ chất béo cao hơn 5% sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe và chức năng gan. Mỡ trong gan có thể gây viêm, làm tổn thương mô gan, tạo thành mô sẹo trên gan, khiến gan cứng lại (xơ gan). Xơ gan gây suy giảm chức năng gan và tăng nguy cơ ung thư gan.
9. Đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não suy giảm đột ngột, thường do tắc nghẽn mạch máu. Tỷ lệ mỡ máu cao có thể khiến mạch máu tắc nghẽn do mỡ tích tụ trong lòng mạch, dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, các vấn đề sức khỏe do thừa cân, béo phì như tăng huyết áp, ngưng thở khi ngủ, tiểu đường… đều làm tăng tỷ lệ mắc đột quỵ.
10. Bệnh ung thư
Bệnh sarcoma mỡ (liposarcoma) là một dạng ung thư hiếm gặp, xuất phát từ mô mỡ. Tùy loại u mà tỷ lệ sống 5 năm có thể dao động 58%-95%. 5 năm được xem như cột mốc đánh dấu điều trị ung thư thành công.
Ngoài ra, tình trạng thừa cân béo phì đã được chứng minh có liên quan đến nhiều bệnh ung thư như:
- Ung thư vú.
- Ung thư đại trực tràng.
- Ung thư dạ dày.
- Ung thư gan.
- Ung thư tử cung.
- Ung thư tuyến giáp.
Tình trạng béo phì càng nặng, càng lâu, nguy cơ mắc ung thư càng cao. Nguyên nhân béo phì làm tăng tỷ lệ ung thư có thể do tế bào mỡ ảnh hưởng đến một số loại hormone (như hormone tăng trưởng và hormone sinh dục), tăng tình trạng viêm trong cơ thể và nguy cơ phát triển ung thư.
11. Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ xảy ra do tắc nghẽn đường thở hoặc não không thể kiểm soát hơi thở chính xác. Kết quả người mắc ngưng thở khi ngủ thường giật mình trong lúc ngủ như một phản xạ sinh tồn, gây ngắt quãng giấc ngủ. Ngưng thở khi ngủ có thể gây mất ngủ, căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Chẩn đoán tỷ lệ lớp mỡ dưới da bình thường
Mỡ dưới da thường chiếm khoảng 90% tổng khối lượng mỡ cơ thể, mỡ nội tạng chiếm khoảng 10% [4]. Khối lượng mỡ quá cao gây thừa cân, béo phì. Để chẩn đoán tình trạng mỡ dưới da, bạn có thể đo, tính bằng chỉ số khối cơ thể (BMI), chu vi vòng eo, độ dày mỡ dưới da…
Tuy nhiên, những phương pháp trên thường chỉ mang tính dự đoán tình trạng thừa cân béo phì hoặc mỡ dưới da ở một số vị trí cụ thể. Để đo tỷ lệ mỡ dưới da toàn cơ thể chính xác nhất, bạn cần thực hiện một số chẩn đoán như đo thành phần cơ thể, chụp MRI, CT…
Trong đó, đo thành phần cơ thể bằng máy InBody là phương pháp đơn giản, hiệu quả, ít tốn thời gian và chi phí thấp nhất. Máy đo InBody sẽ truyền và nhận dòng điện qua cơ thể người đo, từ đó phân tích tỷ lệ mỡ - cơ - nước, đo lường chính xác khối lượng và vị trí mỡ trong cơ thể.
Cách giảm lớp mỡ dưới da
Để giảm mỡ dưới da, bạn cần giảm mỡ toàn thân bằng các phương pháp như:
- Ăn ít hơn lượng calo cơ thể cần dùng. Ví dụ, với một người tiêu thụ 2500 calo/ngày và chỉ ăn 2000 calo/ngày có thể giúp cơ thể giảm gần 0,5kg trong 1 tuần (1kg trọng lượng tương đương 7700 calo).
- Tăng cường vận động thể chất giúp tăng khối lượng cơ bắp, đẩy mạnh trao đổi chất để đốt nhiều calo hơn.
- Dùng các loại thuốc giúp giảm cân, giảm mỡ an toàn, đã được công nhận hiệu quả thông qua nghiên cứu và được Bộ Y tế phê duyệt dùng trong điều trị.
- Loại bỏ mỡ dưới da ở một số vùng cụ thể bằng các phương pháp công nghệ cao như cryolipolysis (đông hủy mỡ), laser lipolysis (hủy mỡ bằng laser), radio frequency lipolysis (hủy mỡ bằng sóng điện cao tần).
- Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, đặt bóng dạ dày để hạn chế lượng thực phẩm ăn vào.
- Ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng để điều hòa hormone trong cơ thể ở mức ổn định. Việc rối loạn các hormone như leptin, ghrelin, cortisol… có thể dẫn đến việc ăn uống không kiểm soát, tăng tích mỡ cơ thể.
- Uống đủ nước giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, giúp việc giảm cân hiệu quả hơn.
Câu hỏi thường gặp
1. Lớp mỡ dưới da có tốt không?
Mỡ dưới da ở mức bình thường mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ, đệm cho xương khớp, kết nối mỡ - xương, điều hòa nội tiết, cách nhiệt, điều chỉnh nhiệt độ, tích trữ năng lượng…
Tuy nhiên, mỡ dưới da quá thấp hay quá cao đều mang đến ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Ví dụ, nữ giới có tỷ lệ mỡ quá thấp (như vận động viên) có thể mắc rối loạn hormone estrogen. Mỡ dưới da quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, ung thư…
2. Bề dày lớp mỡ dưới da trung bình là bao nhiêu?
Bề dày lớp mỡ dưới da của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng, giới tính, độ tuổi, vị trí, khối lượng mỡ… Ví dụ, mỡ dưới da ở vùng bụng có thể đạt độ dày hàng chục cm ở người béo phì hoặc chỉ mỏng một vài mm ở người có tỷ lệ mỡ ít như vận động viên.
3. Sự khác biệt giữa mỡ dưới da và mỡ nội tạng là gì?
Dưới đây là một số điểm khác biệt dễ nhận biết của mỡ dưới da và mỡ nội tạng:
- Lớp mỡ dưới da tồn tại ở hầu hết mọi nơi trên cơ thể, trong khi mỡ nội tạng tập trung trong khoang bụng.
- Mỡ nội tạng nguy hiểm hơn mỡ dưới da, có thể ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan nội tạng.
- Mỡ nội tạng dễ giảm hơn mỡ dưới da do thường được cơ thể ưu tiên dùng làm năng lượng.
Trên đây là thông tin tổng quan về vị trí, cấu trúc, chức năng và những ảnh hưởng của mỡ dưới da đến sức khỏe. Mỡ dưới da đóng vai nhiều vai trò quan trọng giúp bảo vệ cơ thể và sức khỏe. Tuy nhiên, tỷ lệ mỡ quá nhiều có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu, tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, tiểu đường… Vì thế, cần giữ cân nặng và tỷ lệ mỡ cơ thể ở mức bình thường để duy trì sức khỏe tốt nhất.