Là một phần trong nỗ lực cải thiện đà tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang dồn trọng tâm cho ngành dịch vụ với việc triển khai hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy chi tiêu trong nhiều lĩnh vực, từ du lịch đến chăm sóc người già cao tuổi.
Trong một chỉ thị gồm 20 điểm được ban hành vào cuối tuần, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ cho dịch vụ chăm sóc điều dưỡng, xem xét mở rộng chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia hơn và khuyến khích các hoạt động du lịch ở độ cao vừa phải, như: khinh khí cầu, nhảy dù,… nhằm thúc đẩy chi tiêu trong ngành dịch vụ.
Những biện pháp này được đưa ra sau khi Bộ Chính trị công bố báo cáo đánh giá kinh tế giữa năm vào tuần trước, trong đó nhấn mạnh phát triển dịch vụ là ưu tiên quan trọng nhằm cải thiện nhu cầu tiêu dùng nội địa, qua đó góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã đạt mức tăng 5% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã chậm lại trong quý hai với việc tốc độ tăng GDP hàng năm chỉ còn 4,7%.
Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách kích thích nhu cầu trong các lĩnh vực mới, chẳng hạn các loại hình du lịch ở độ cao vừa phải như: ngắm cảnh bằng khinh khí cầu hay trải nghiệm hoạt động nhảy dù mạo hiểm, … cũng như các hoạt động thú vị khác như: du thuyền, cắm trại bằng xe RV - một loại xe chuyển dụng cho các chuyến du lịch xa.
Bắc Kinh cũng đang cân nhắc việc gia hạn chương trình miễn thị thực nhằm thu hút thêm khách du lịch nước ngoài.
Trong nửa đầu năm 2024, 14,64 triệu du khách nước ngoài đã nhập cảnh vào Trung Quốc, gấp khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xảy ra khi chính quyền nước này khôi phục lại chế độ miễn thị thực trong 144 giờ cho 54 quốc gia và 37 điểm nhập cảnh.
Trong chỉ thị vừa được ban hành, Bắc Kinh cam kết sẽ tối ưu hóa chính sách nhập cảnh đồng thời đẩy nhanh việc nối lại các chuyến bay.
Ngoài ra, các cơ quan cũng quan tâm đến việc phát triển những dịch vụ liên quan đến nhu cầu thiếu yếu như: phục vụ ăn uống, chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em và dọn dẹp nhà cửa.
Chỉ thị trên cũng đề cập đến việc chuyển đổi bất động sản bỏ hoang ở vùng nông thôn thành các cơ sở lưu trú du lịch như: nhà nghỉ, khách sạn.
Vào Chủ nhật (ngày 4/8), Chen Lifen, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu phát triển của Hội đồng Nhà nước, cho biết, chi tiêu trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đang tăng nhanh hơn chi tiêu đối với hoạt động mua sắm hàng hóa và trở thành nguồn động lực chính thúc đẩy chi tiêu.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, doanh số bán lẻ dịch vụ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn 4,3% so với doanh số bán lẻ hàng hóa trong cùng kỳ.
Tuy nhiên, bà Chen cho biết chi tiêu dịch vụ chỉ chiếm tỷ trọng tương đối thấp ở Trung Quốc so với mức trung bình được ghi nhận tại các nền kinh tế tiên tiến. Chuyên gia này khẳng định nền kinh tế số hai thế giới vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ.
Vào tháng 6, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,7% của tháng trước. Trong đó, Thượng Hải ghi nhận mức giảm 9,4% trong cùng kỳ, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ khi TP này áp dụng lệnh phong tỏa Covid-19 vào mùa xuân năm 2022.