Các loài rắn độc nhất Việt Nam hiện nay xuất hiện tại hầu hết mọi miền đất nước. Sẽ rất nguy hiểm nếu vô tình gặp phải chúng mà không biết đó là rắn độc. Bài viết này sẽ chỉ cho bạn 10 loài rắn độc nhất sống ở nước ta và cách nhận biết chúng.
BS.CKI Hồng Văn In, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: Việt Nam có khoảng 140 loài rắn, trong đó khoảng 18 loài rắn độc ở đất liền và 13 loại rắn độc ở biển. Nọc rắn độc gồm hơn 20 thành phần khác nhau, chủ yếu là protein chứa các men và độc tố polypeptide; tùy loại rắn mà thành phần chất độc cũng khác nhau.
Mùa mưa là mùa sinh sản của rắn, đặc biệt, khi rắn mang bầu thì nọc độc cao hơn bình thường. Dưới đây là 10 loài rắn độc thường gặp ở Việt Nam. Quý khách hãy xem từng hình để phòng ngừa rắn cắn, biết cách sơ cứu rắn cắn, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Rắn hổ đất (tên khoa học Naja kaouthia) có nhiều ở Việt Nam. Từ 30 phút đến vài giờ sau khi bị rắn cắn, nạn nhân sẽ sùi bọt mép, liệt cơ hô hấp, tê, nói, nuốt khó.
Đặc điểm nhận dạng: Thân màu sẫm hoặc màu vàng lục, sau cổ có 2 vòng màu trắng và đen như hình mắt kính, ở giữa có vệt màu nâu đen.
Vùng sinh sống: Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, cả đồng bằng, trung du và miền núi.
Rắn hổ mèo (còn gọi là rắn hổ mang xiêm, tên khoa học Naja siamensis) cực độc có thể giết chết người ngay tại chỗ hoặc sau vài giờ cắn. Người bị rắn cắn sẽ lừ đừ, liệt cơ hô hấp, đôi khi kèm co giật. Với đặc tính hung dữ và khả năng phun độc xa, nọc độc của rắn hổ mèo nếu phun trúng mắt có thể gây mù.
Đặc điểm nhận dạng: Thường có hình mặt mèo hay chữ V trên đầu, thân màu nâu xám hoặc màu vàng - xanh nhạt, bành mang về phía trước hoặc sau thay vì bành ra hai bên như loài rắn hổ mang khác.
Vùng sinh sống: Sống nhiều ở phía Nam nước ta và vô cùng hung dữ, hay phát ra tiếng kêu đe dọa kẻ thù.
Rắn hổ mang chúa (tên khoa học Ophiophagus hannah) được xem là vua của các loài rắn do nọc độc mạnh nhất, chỉ cần 1 lượng nọc độc nhỏ khoảng 7ml có thể giết chết 10 người trưởng thành sau 30 phút.
Đặc điểm nhận dạng: Rắn trưởng thành có chiều dài trung bình từ 3,7m - 4m, nặng khoảng 6,8kg. Rắn có vạch chữ V ngược ở phía sau cổ, thân có màu xanh ô liu hoặc màu đen có các dải màng nhạt vằn ngang khắp cơ thể. Ở dưới bụng rắn có màu vàng nhạt hoặc màu kem.
Vùng sinh sống: Việt Nam là nơi có khí hậu thuận lợi để rắn sinh sống và có mặt ở khắp các tỉnh trong nước.
Rắn cạp nia (tên khoa học Bungarus candidus) cực độc, tỷ lệ tử vong do rắn cắn có thể lên đến 75% nếu không được cấp cứu kịp.
Đặc điểm nhận dạng: Đặc trưng với các khoang đen trắng xen kẽ, kéo dài khắp cơ thể. Rắn trưởng thành có chiều dài trung bình hơn 1m có con dài tới 2,5m, có tiết diện ngang hình tam giác, từ đoạn hông đến đuôi khá phẳng và hẹp dần thành điểm nhọn ở đuôi.
Vùng sinh sống: Sống chủ yếu ở vùng đồng bằng ẩm ướt thuộc các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Rắn cạp nong (tên khoa học Bungarus fasciatus) cực độc, có khả năng gây tử vong nhanh chóng ở người.
Đặc điểm nhận dạng: Tương tự như rắn cạp nia, rắn cạp nong đặc trưng với các khoang có màu đen và vàng xen kẽ. Lưỡi của rắn cạp nong có màu đen, đầu có chữ V màu vàng, rắn có xương sống nổi rõ lên hình tam giác và có đôi mắt to.
Vùng sinh sống: Sống phổ biến ở nhiều địa hình nước ta như: Đồng bằng, trung du và miền núi.
Rắn lục đuôi đỏ (tên khoa học Trimeresurus albolabris) rất độc, có 20 thành phần khác nhau. Khi bị rắn cắn, nạn nhân có biểu hiện phù nề, nhiễm độc thần kinh, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể trụy tim.
Vùng sinh sống: Chủ yếu ở vùng núi cao ở các tỉnh miền Trung và một số tỉnh Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Đặc điểm nhận dạng: Dễ nhận dạng bởi màu xanh lục đặc trưng và chiếc đuôi nhỏ có màu đỏ hoặc màu cam nhạt. Rắn khá nhỏ với chiều dài tối đa 60cm.
Rắn chàm quạp (tên khoa học Calloselasma rhodostoma) cực độc, biến chứng rối loạn đông máu; giảm tiểu cầu nặng; vết thương chảy máu liên tục.
Đặc điểm nhận dạng: Rắn có màu nâu hoặc màu đỏ nâu, chiều dài trung bình của rắn trường thành từ 0,2m đến 1m. Rắn có đầu hình tam giác, và có nhiều hình tam giác màu nâu đối xứng dọc cánh lưng nhìn như cánh bướm. Loài này thường cuộn tròn trong lá cây khô nên rất khó phát hiện.
Vùng sinh sống: Chủ yếu ở các cánh rừng cao su thuộc vùng Đông Nam Bộ.
Rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus) còn gọi là rắn quỷ cực độc. Nọc độc của chúng được các nhà khoa học xếp vào danh sách 1 trong những loài rắn độc và nguy hiểm nhất ở Việt Nam hiện nay.
Đặc điểm nhận dạng: Đầu có hình tam giác phân biệt rõ với cổ, mặt trên đầu phủ vảy nhỏ, có vảy trên mắt phát triển thành cái sừng trên mắt. Kích thước trung bình của cơ thể là 50 cm.
Vùng sinh sống: Chủ yếu ở khu vực núi đá vôi, ở miền Trung.
Rắn lục đầu bạc (tên khoa học Azemiops feae) nọc rất độc.
Đặc điểm nhận dạng: Có phần đầu màu trắng hoặc màu kem và có vạch đen lớn chạy dọc đối xứng nhau, phần thân màu đen sẫm và có nhiều hoa văn màu đỏ hoặc màu cam. Chiều dài trung bình ở rắn trưởng thành khoảng 80cm với phần đầu hơi dẹp.
Vùng sinh sống: Tìm thấy nhiều ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc.
Còn được gọi là rắn biển Peron (tên khoa học Hydrophis peronii), đây là loại rắn biển độc nhất Việt Nam và xếp hạng 5 trong các loại rắn biển độc nhất thế giới.
Đặc điểm nhận dạng: Rắn biển duy nhất có sừng ở trên đầu, toàn thân màu kem và có thêm các vảy màu nâu hoặc xám ở trên lưng. Đôi khi sẽ có những vạch đốm nhỏ sẫm màu ở giữa lưng và nhỏ dần về hai bên.
Vùng sinh sống: Sinh nhiều ở ven vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, vinh Bắc Bộ, Bình Thuận và Cà Mau.
Trên đây là một số thông tin về các loài rắn độc ở Việt Nam. Hy vọng, những thông tin trên sẽ giúp bạn nhận biết các loài rắn độc để từ đó phòng tránh và có cách sơ cứu rắn độc cắn phù hợp.
Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/hinh-anh-con-ran-doc-a36821.html