Hướng dẫn cách hút sữa mẹ cho con bú: Quy trình và các lưu ý

Trẻ bú sữa mẹ trực tiếp là tốt nhất, tuy nhiên nếu vì lý do công việc hoặc vấn đề sức khỏe không cho phép, mẹ có thể hút sữa cho trẻ bú bình vẫn có thể đảm bảo dinh dưỡng. Vậy mẹ đã biết phương pháp hút sữa mẹ đúng cách? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

cách hút sữa mẹ

Lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nuôi con bằng sữa mẹ đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cả trẻ sơ sinh và người mẹ. Bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ, sữa mẹ cung cấp cho trẻ nguồn dinh dưỡng lý tưởng để tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể giúp bảo vệ mẹ và trẻ khỏi một số bệnh tật.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), 5 lợi ích tuyệt vời của việc nuôi con bằng sữa mẹ gồm: (1)

Chính vì những lợi ích tuyệt vời đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, không cung cấp bất kỳ thực phẩm hoặc chất lỏng nào kể cả nước. Sau đó, tiếp tục cho trẻ bú đồng thời ăn bổ sung cho đến khi trẻ được 2 tuổi trở lên.

lợi ích khi cho trẻ bú sữa mẹ
Các lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ đối với cả trẻ sơ sinh và người mẹ

Hút sữa là gì?

Hút sữa hay vắt sữa, là hành động dùng tay hoặc thiết bị có lực hút (máy hút sữa) tác động lên bầu ngực để kích thích sữa mẹ chảy ra ngoài. Sữa mẹ hút ra có thể cho trẻ bú ngay hoặc bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đông của tủ lạnh để sử dụng sau.

Bác sĩ Trang cho biết, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời là cách tốt nhất cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Ở giai đoạn này, mẹ chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cần đến bất kỳ thực phẩm hoặc chất lỏng nào khác, kể cả nước. Ngoại trừ một số trường hợp cần bổ sung thuốc hoặc vitamin, khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.

Trẻ được bú sữa mẹ trực tiếp là tốt nhất, tuy nhiên trong một số trường hợp mẹ không thể cho trẻ bú trực tiếp như mẹ phải quay trở lại công việc sau những tháng nghỉ thai sản, trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc có vấn đề sức khỏe cần chăm sóc sức khỏe đặc biệt… thì hút sữa là giải pháp tốt nhất để đảm bảo trẻ vẫn nhận được dinh dưỡng quý báu từ sữa mẹ.

Ngoài ra, phương pháp này còn giúp giảm bớt tình trạng căng tức sữa hoặc tắc ống dẫn sữa ở mẹ. Hoặc những bà mẹ có núm vú tụt vào trong bắt buộc sữa mẹ phải được hút ra trong thời gian tập cho trẻ bú. Cũng có thể phải hút sữa nếu trẻ từ chối bú mẹ hoặc đề phòng trường hợp núm vú bị đau hoặc nứt.

“Hút sữa là kỹ năng cần thiết mà mọi người mẹ cần biết và thực hiện đúng để có thể làm được khi cần thiết, đảm bảo nguồn sữa mẹ dinh dưỡng cho trẻ”, bác sĩ Trang nhắn nhủ.

Lợi ích của việc hút sữa mẹ

Mặc dù việc hút hay vắt sữa mẹ cho trẻ không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà phương pháp này mang lại, bao gồm: (2)

1. Đảm bảo nguồn sữa mẹ cho trẻ

Bằng cách hút sữa hay vắt sữa, mẹ có thể đảm bảo nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ cho trẻ mà không cần sử dụng đến sữa công thức. Khi mẹ quay trở lại công việc sau những tháng nghỉ thai sản hoặc có việc phải đi xa dài ngày, sữa được hút ra và bảo quản để chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình cho trẻ bú là giải pháp hữu ích.

Có thể bạn quan tâm: Có nên nuôi con bằng sữa mẹ kết hợp sữa công thức?

2. Giúp trẻ bú sữa mẹ dễ dàng hơn

Một số trẻ gặp khó khăn trong việc ngậm bắt vú do bầu ngực mẹ quá căng. Lúc này, việc hút bớt sữa ra ngoài có thể giúp trẻ ngậm bắt vú đúng cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, với những trẻ sơ sinh không thể ti mẹ trực tiếp vì dị tật bẩm sinh như dị tật môi hoặc vòm miệng, hút sữa là cách duy nhất để trẻ vẫn có thể nhận được nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ.

3. Giúp trẻ bú được cả sữa đầu và sữa cuối

Sữa mẹ gồm sữa đầu và sữa cuối. Trong đó, sữa đầu chứa chủ yếu là nước, vitamin và kháng thể sẽ được tiết ra trong 10 phút đầu tiên của cữ bú. Còn các chất béo giúp trẻ tăng cân tốt sẽ có trong sữa cuối được tiết sau đó.

Đối với những trẻ bú mẹ nhanh sẽ không thể lấy được chất béo trong nguồn sữa cuối để tăng cân tốt. Vì thế, việc hút sữa ra sẽ giúp trẻ nhận được cả sữa đầu và sữa cuối.

4. Duy trì và kích thích cơ thể tạo sữa nhiều hơn

Hút sữa cũng là một cách để giải quyết vấn đề về nguồn sữa mẹ. Một số bà mẹ chọn thực hiện phương pháp này sau mỗi lần cho trẻ bú để làm rỗng bầu ngực, hỗ trợ cơ chế tạo tiết sữa, tăng nguồn cung đảm bảo nguồn sữa dồi dào cho trẻ.

Tham khảo: Cách tăng lượng sữa mẹ

5. Mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi và thư giãn

Việc cho trẻ ti mẹ trực tiếp theo nhu cầu, bất kể ngày đêm đôi khi có thể khiến mẹ kiệt sức. Vắt/hút sữa để chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình hỗ trợ cho trẻ bú sẽ giúp mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, duy trì được sức khỏe sau sinh cũng là cách đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào.

6. Giảm đau do căng tức sữa

Khi ngực mẹ quá căng tức sữa, mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy hút để giảm tình trạng đau đớn gây khó chịu, thậm chí có thể làm tắc ống dẫn sữa ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ cho trẻ.

7. Tặng sữa cho ngân hàng sữa mẹ

Một số bà mẹ có thể gặp khó khăn trong việc sản xuất và cung cấp đủ lượng sữa cho trẻ. Do đó, với những bà mẹ có lượng sữa dồi dào có thể chọn cách vắt, hút sữa ra để tặng lượng sữa này cho những trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) nhấn mạnh rằng, tất cả trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ và khuyến nghị các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Nếu mẹ không thể sản xuất sữa, sữa được hút ra từ người hiến tặng là lựa chọn tốt hơn sữa công thức. (3)

chồng có thể hỗ trợ cho con bú
Khi hút sữa, chồng hoặc các thành viên trong gia đình có thể hỗ trợ cho trẻ bú, nhờ đó mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn

Thời điểm hút sữa tốt nhất là khi nào?

Thời điểm hút sữa phụ thuộc vào tình huống cụ thể, mẹ có thể bắt đầu hút sữa khi cảm thấy hợp lý. (4)

Một số bà mẹ bắt đầu hút sữa ngay sau khi sinh con để cho trẻ bú hoặc kích thích nguồn sữa. Những bà mẹ khác sẽ đợi vài tuần mới bắt đầu thực hiện, bởi trong thời gian đầu thường có rất ít thời gian rảnh giữa các lần cho trẻ bú. Các chuyên gia cũng khuyến cáo mẹ nên tạm ngừng việc hút sữa cho trẻ bú bình cho đến khi việc ti mẹ đã ổn định.

Khi trẻ được 4-6 tuần tuổi, việc ti mẹ đã được thiết lập tốt, mẹ cũng có thời gian rảnh giữa các cữ bú để hút và dự trữ sữa cho các lần sau. Nếu mẹ có dự định quay trở lại công việc hoặc phải xa con vì lý do nào đó, hãy bắt đầu thực hiện việc này trước vài tuần để giúp trẻ có thời gian làm quen với việc bú bình.

Mẹ hãy chọn thời điểm trong ngày khi bầu ngực mẹ căng đầy. Thông thường, bầu ngực mẹ sẽ căng đầy tự nhiên vào đầu ngày, vì vậy buổi sáng là thời điểm thích hợp để mẹ thực hiện hút sữa. Cũng có thể thực hiện vào cuối cữ bú để đảm bảo hút được dòng sữa cuối chứa chất béo giúp trẻ tăng cân nhanh.

Các phương pháp hút sữa mẹ thường được sử dụng

Mẹ có thể lựa chọn giữa phương pháp vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy hút sữa:

1. Vắt sữa bằng tay

Trước đây, khi máy hút sữa chưa xuất hiện, các bà mẹ thường vắt sữa bằng tay. Thậm chí, cho đến bây giờ các chuyên gia đều khuyến cáo mọi bà mẹ cần trang bị kiến thức và kỹ năng vắt sữa bằng tay để có thể làm được khi cần thiết bởi trong một số trường hợp, vắt sữa bằng tay được xem là lựa chọn tốt hơn sử dụng máy.

Ưu điểm của vắt sữa bằng tay là tính tiện lợi tuyệt đối, mẹ có thể thực hiện bất kỳ lúc nào và ở đâu mà không cần đến máy móc lỉnh kỉnh. Điều này còn giúp mẹ tránh được rắc rối trong việc lựa chọn máy hút sữa nào.

2. Sử dụng máy hút sữa

Có hai loại máy là máy hút sữa bằng tay và bằng điện:

Mỗi loại máy đều có ưu, nhược điểm riêng. Tùy vào điều kiện sống và mức tài chính mà mẹ lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Nhìn chung, mỗi người mẹ đều có nhu cầu khác nhau. Phương pháp vắt sữa bằng tay hay hút sữa bằng máy có thể phù hợp với người mẹ này, nhưng không hữu ích với người mẹ kia, đó là điều hoàn toàn bình thường. Mẹ hãy lựa chọn phương pháp phù hợp và tiện ích nhất cho mình.

Xem thêm: Có nên dùng máy hút sữa?

vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy hút
Mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc sử dụng máy hút bằng tay hay bằng điện tùy theo nhu cầu để đảm bảo nguồn sữa mẹ cho trẻ

Lưu ý để hút sữa mẹ hiệu quả và nhanh chóng

Hút sữa sai cách có thể khiến mẹ giảm nguồn sữa, thậm chí là mất sữa. Vì vậy mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

1. Xây dựng thời gian biểu hút sữa

Mẹ hãy xây dựng thời gian biểu cụ thể cho việc hút sữa mỗi ngày để hình thành thói quen cho cơ thể, hiểu rằng trẻ đang cần sữa và tăng sản xuất thêm. Thời gian đầu mẹ nên duy trì hút sữa mỗi 2-3 tiếng một lần, sau đó giãn cách xuống còn 4 tiếng. Mặc dù khá mệt mỏi nhưng mẹ hãy cố gắng hút sữa vào ban đêm để duy trì cơ chế tạo tiết sữa ổn định.

2. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng

Để nhanh hồi phục sức khỏe sau sinh và đảm bảo nguồn sữa mẹ cho trẻ, mẹ cần xây dựng và duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết. Mẹ có thể tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lợi sữa, tránh các loại thực phẩm gây mất sữa hoặc các loại thực phẩm có thể làm biến đổi hương vị sữa mẹ.

3. Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, mệt mỏi

Tâm lý của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến các loại hormone tác động đến cơ chế tạo tiết sữa, từ đó quyết định sữa mẹ về ít hay nhiều. Do đó, mẹ cần duy trì tâm lý thư giãn, thoải mái, tránh căng thẳng hay áp lực kéo dài. Tốt nhất, mẹ nên chia sẻ cùng chồng và các thành viên trong gia đình để được thấu hiểu, động viên và hỗ trợ trong việc chăm sóc trẻ.

4. Chườm ấm và massage bầu ngực trước khi hút sữa

Chườm ấm và massage bầu ngực trước khi thực hiện sẽ giúp cơ thể mẹ sản sinh hormone prolactin và oxytocin thúc đẩy cơ chế tạo tiết sữa tốt hơn. Không những vậy, đây cũng là cách giúp mẹ phòng ngừa bị tắc tia sữa sau sinh.

5. Uống nước ấm

90% sữa mẹ là nước. Vì vậy, trước và sau khi hút sữa, mẹ hãy uống một cốc nước cấm để sữa về nhiều, đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho trẻ.

6. Bảo quản sữa mẹ sau khi hút

Sữa mẹ sau khi hút ra có thể cho trẻ sử dụng ngay hoặc bảo quản đúng cách để sử dụng sau. Ở nhiệt độ phòng, sữa mẹ có thể bảo quản tối đa 4 giờ. Mẹ có thể bảo quản sữa trong ngăn mát tủ lạnh dưới 4℃ với thời gian tối đa là 4 ngày. Nếu không có ý định sử dụng lượng sữa đó trong vòng 4 ngày, mẹ hãy đông lạnh ngay để có thể bảo quản sữa mẹ trong vòng 3 tháng.

Khi bảo quản sữa, mẹ hãy đựng sữa trong túi hoặc bình trữ sữa chuyên dụng. Không đổ sữa mẹ quá đầy vì sữa mẹ sẽ nở ra khi đông lại. Dán nhãn và ghi rõ ngày tháng hút sữa để thuận tiện cho việc bảo quản và rã đông. Luôn rã đông sữa theo nguyên tắc vào trước - ra trước. Sữa đã rã đông tuyệt đối không đông lạnh lại.

sữa mẹ sau khi hút có thể lưu trữ lại
Sữa mẹ sau khi hút ra có thể sử dụng ngay hoặc đựng trong bình/túi trữ sữa chuyên dụng bảo quản để sử dụng sau

Để đặt hẹn thăm khám và tư vấn với các chuyên gia - bác sĩ tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ vui lòng liên hệ đến:

Tóm lại, có nhiều phương pháp hút sữa mẹ khác nhau và mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm riêng. Mẹ hãy chọn phương pháp phù hợp và tiện ích nhất cho bản thân để đảm bảo nguồn sữa mẹ dinh dưỡng cho trẻ tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh!

Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/cach-hut-sua-dung-cach-a44049.html