La Gi sẽ là thành phố thứ 2 của tỉnh vào năm 2030

La Gi tập trung thu hút nguồn lực

Thị xã La Gi là đô thị ven biển, cửa ngõ kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Tính đến năm 2023, La Gi có quy mô diện tích đô thị là 18.538,25 ha, dân số hiện trạng là 109.120 người; trong đó dân số khu vực nội thị là 66.218 người, nông thôn 42.902 người. Thời gian qua, La Gi đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Điều này đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong xu thế dịch chuyển hiện nay, La Gi luôn là một trong những địa phương của tỉnh có nhiều tiềm năng hấp dẫn để đón nhận dòng vốn dịch chuyển đó.

www-baobinhthuan-com-vn_thi3.jpg
Một góc nhìn từ trên cao của thị xã La Gi. Ảnh: N.Lân

UBND thị xã cho biết, năm 2023, thị xã đã chỉ đạo phân khai, công khai kế hoạch vốn cho từng dự án, công trình ngay từ đầu năm, đồng thời giao trách nhiệm cho các chủ đầu tư thực hiện quản lý điều hành dự án cam kết đảm bảo kết quả giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023. Tổng nguồn vốn đầu tư công ghi kế hoạch đến nay là 226.477 triệu đồng, bằng 96,26% so với cùng kỳ. Tổng giá trị khối lượng ước thực hiện năm 2023 là 277.005 triệu đồng, bằng 87,90% so với cùng kỳ. Vốn giải ngân ước thực hiện năm 2023 là 224.014 triệu đồng, đạt 98,91% kế hoạch vốn, bằng 95,43% so với cùng kỳ. Thị xã đã tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, tính từ đầu năm đến nay, có 6 dự án được tỉnh lấy ý kiến đầu tư vào thị xã, với tổng vốn đăng ký 696 tỷ đồng, diện tích 28,57ha; có 3 dự án được cấp chủ trương đầu tư với diện tích sử dụng đất là 38,9 ha, tổng vốn đầu tư 68,9 tỷ đồng; địa phương đã thường xuyên thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Phối hợp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thị xã.

Chính vì vậy mà La Gi ngày càng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển vùng kinh tế phía Nam của tỉnh. Đáng chú ý môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương từng bước được cải thiện. Thị xã cũng kịp thời đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tìm cách hỗ trợ nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Những yếu tố trên khiến các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đặt niềm tin đầu tư vào thị xã.

Ông Phạm Trọng Nhân - Chủ tịch UBND thị xã La Gi, cho biết, thị xã đã lập mới các đô thị phân khu để phủ kín quy hoạch của thị xã, cùng với đó tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ và thúc đẩy các dự án đầu tư về khu đô thị mới, các dự án phát triển đầu tư, thương mại dịch vụ, du lịch để hoàn thiện và đi đến hướng nâng tầm lên đô thị loại 2 về mặt kiến trúc và cảnh quan đô thị. Khi La Gi phát triển tạo thành động lực lan tỏa để phát triển các huyện lân cận phía Nam của tỉnh.

Những định hướng để La Gi bứt phá

Năm 2028, thị xã La Gi được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Chương trình phát triển đô thị thị xã La Gi đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 24/2/2020. Tính đến năm 2023, La Gi còn một số tiêu chí đô thị loại III cần hoàn thiện như tỷ lệ tăng dân số hàng năm... Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) đã ban hành Chương trình hành động số 45-CTr/TU ngày 19/12/2022 và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2060/KH-UBND ngày 8/6/2023, trong đó xác định thị xã La Gi được định hướng phấn đấu trở thành thành phố La Gi đến năm 2030. Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023 cũng xác định đến năm 2030, thị xã La Gi phấn đấu trở thành thành phố La Gi và trong kỳ Quy hoạch tỉnh, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành thì thực hiện nâng cấp thành đô thị loại II. Ngoài ra, giai đoạn 2026 - 2030 cũng sẽ triển khai thực hiện việc sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thị xã La Gi. Theo đó, thị xã La Gi là đô thị động lực của tỉnh; là hạt nhân, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghiệp tập trung, khai thác, chế biến hải sản thuộc tiểu vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận; trung tâm du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, lịch sử cấp vùng; tạo động lực lan tỏa và sức hút phát triển cho các huyện và đô thị lân cận.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, trong thời gian đến, để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu nêu trên, La Gi cần thực hiện một số công tác như điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã La Gi, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị La Gi; nghiên cứu phát triển đô thị tổng hợp, trọng tâm là phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao, phát triển Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Hàm Tân - La Gi; phát triển du lịch sinh thái biển (Ngảnh Tam Tân, Đồi Dương - Hòn Bà, bãi biển Cam Bình, khu lâm viên kết hợp du lịch sinh thái Rừng Dầu...), du lịch văn hóa lịch sử (Dinh Thầy Thím, Bà Chúa Ngọc Thiên Y A Na (Hòn Bà)...); phát triển chế biến thủy hải sản và ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp.

Những định hướng trên sẽ chính là cơ hội để La Gi tăng tốc và phát triển trong tương lai.

Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/lagi-thuoc-tinh-nao-a53086.html