Retail là gì? Các loại hình retail phố biến hiện nay

Hiện nay, retail là lĩnh vực kinh doanh được ứng dụng phổ biến trên thị trường hàng hóa. Mặc dù thuật ngữ này được sử dụng nhiều, thông dụng nhưng ít ai hiểu được retail là gì? Có những loại hình retail nào? Để trả lời cho những thắc mắc trên mời bạn hãy cùng CareerLink tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Retail là gì? Các loại hình retail phố biến hiện nay

Retail là gì?

“Retail (bán lẻ) là hoạt động nhập các sản phẩm từ nhà phân phối, nhà bán buôn hoặc từ công ty sản xuất và bán lại cho người tiêu dùng.”

Vai trò của retail là gì?

Retail đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực thương mại và lưu thông hàng hóa. Bán lẻ giúp nhà sản xuất chỉ cần tập trung vào vấn đề tạo ra sản phẩm mà không cần lo lắng làm cách nào để đưa sản phẩm tới khách hàng.

Hơn nữa, dưới sự hỗ trợ đắc lực của các cửa hàng, các trang thương mại điện tử, các nhà bán lẻ còn giúp việc tiếp cận hàng hóa của người có nhu cầu mua trở nên dễ dàng và nhanh gọn hơn.

Phân loại retail - nhà bán lẻ trên thị trường

Dựa vào từng đặc điểm, tiêu chí kinh doanh cụ thể đã hình thành nhiều loại hình retail trên thị trường. Dưới đây là một vài loại hình retail phổ biến trên thị trường hiện nay:

Dựa vào tiêu chí dịch vụ đi kèm

Khách hàng có xu hướng đưa ra quyết định nhanh chóng tại những nơi cung cấp sản phẩm khiến họ hài lòng, thoải mái. Dựa vào tiêu chí này có thể đưa ra được 3 loại cửa hàng bán lẻ đó là:

- Cửa hàng bán lẻ tự phục vụ: Là các cửa hàng tiện lợi, siêu thị như Winmart, Co.opmart. Khách hàng đến đây sẽ tự do chọn lựa hàng hóa mà mình cần trên quầy hàng sau đó mang đến quầy thu ngân để tính tiền, lập hóa đơn và thanh toán.

- Cửa hàng bán lẻ dịch vụ hỗ trợ: Chủ yếu là các cửa hàng bán thiết bị điện máy, gia dụng hay các sản phẩm cần được hướng dẫn cách sử dụng trực tiếp như Điện máy xanh, Thế Giới Di Động… Người mua cần được nhân viên cửa hàng cung cấp rõ thông tin hàng hóa quan tâm, hướng dẫn cách dùng, giải đáp các thắc mắc và tư vấn lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu.

- Cửa hàng dịch vụ cao cấp: Là cửa hàng cung cấp các sản phẩm có mức giá trị cao, xa xỉ hoặc các sản phẩm có số lượng giới hạn như các cửa hàng thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, showroom ô tô hạng sang… Khách hàng được cung cấp các dịch vụ chăm sóc hậu đãi cao cấp nhất và điều này có tác động không nhỏ đến quyết định mua hàng. Vì thế mà các cửa hàng này thường nhắm đến đối tượng khách hàng cụ thể, người tiêu dùng phổ thông sẽ khó khăn khi tiếp cận các sản phẩm ở đây.

Dựa vào tiêu chí dòng sản phẩm

Việc lựa chọn dòng sản phẩm để kinh doanh sẽ quyết định sự thành bại của nhà bán lẻ. Phân loại theo tiêu chí này có các loại hình sau:

- Cửa hàng chuyên dụng (Specialty Store): Là nơi cung cấp các sản phẩm cụ thể để đáp ứng nhu cầu cụ thể nào đó của khách hàng. Chẳng hạn: Cửa hàng chăm sóc thú cưng, cửa hàng dược phẩm, cửa hàng mỹ phẩm…

- Cửa hàng tạp hóa/bách hóa (Department Store): Tại đây có đa dạng các mặt hàng được bày bán để đáp ứng tối đa nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng từ việc ăn uống, vệ sinh nhà cửa…Một số đại diện cho nhóm bán lẻ này đó là Bách Hóa Xanh, Vinmart+ hay các cửa hàng tạp hóa tư nhân.

- Siêu thị (Supermarket): Là đại cửa hàng với số lượng hàng hóa, chủng loại vô cùng đa dạng đáp ứng nhu cầu từ mua sắm đến làm đẹp, nhà hàng…Ví dụ điển hình là chuỗi siêu thị Emart, Lotte Mart,…

- Cửa hàng tiện lợi (Convenience Store): Là mô hình mới nhất, là cửa hàng bách hóa có thêm các loại thức ăn được chế biến tại chỗ hoặc có thể ăn ngay tại cửa hàng. Ví dụ như: Circle K, Ministop, FamilyMart.

- Cửa hàng Superstore: Là nơi khách hàng có thể tìm được nhiều hàng hóa giảm giá, khuyến mại với nhiều chủng loại khác nhau. Có thể hiểu là sự kết hợp của một siêu thị và một cửa hàng khuyến mại. Loại hình này chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam nhưng có thể kể vài cái tên phổ biến ở nước ngoài như Best Buy, Petco.

Dựa vào tiêu chí giá cả

Tiêu chí giá cả tác động đến định hướng cũng như chiến lược marketing của cửa hàng và đối tượng khách hàng nhắm tới. Dựa vào tiêu chí này thì các loại retail là gì?

- Cửa hàng khuyến mại (Discount Store): Đây là mô hình phổ biến ở nước ngoài. Các sản phẩm được bày bán đều được giảm giá hoặc khuyến mại lớn nhưng khách hàng phải mua với số lượng nhiều hơn khi mua sắm tại đây. Các cửa hàng này có số lượng hàng hóa dự trữ lớn đáp ứng được nhu cầu mua sắm của khách hàng. Ví dụ tiêu biểu là Walmart.

- Cửa hàng cao cấp (Premium Store): Là nơi có phân khúc khách hàng là người sẵn sàng chi trả số tiền lớn để sở hữu những sản phẩm được bày bán. Khách hàng có thể nhận lại được những hàng hóa được sản xuất bởi các thương hiệu hàng đầu có chất lượng cao và dịch vụ hậu đãi chu đáo. Chẳng hạn như cửa hàng Chanel, showroom Audi…

Dựa vào tiêu chí quyền sở hữu

- Cửa hàng tư nhân, cá thể độc lập: Là nhóm cửa hàng có quy mô nhỏ, tìm thấy dễ dàng ở bất cứ đâu tại Việt Nam bởi mô hình này khá đơn giản trong vấn đề tổ chức và vận hành kinh doanh. Ví dụ như các cửa hàng tạp hóa tư nhân, tiểu thương buôn bán trong chợ…

- Chuỗi cửa hàng doanh nghiệp bán lẻ: Mô hình này có quy mô và mạng lưới lớn hơn mô hình cửa hàng tư nhân. Người đứng ra thành lập, vận hành là tổ chức có tư cách pháp nhân. Ví dụ như chuỗi cửa hàng dịch vụ viễn thông Mobifone, chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh.

- Nhượng quyền thương mại: Các cá nhân hay tổ chức sẽ mua nhượng quyền một số thương hiệu có sẵn để tổ chức kinh doanh. Việc kinh doanh nhượng quyền này cần phải tuân thủ một số điều khoản ràng buộc giữa thương hiệu nhượng quyền và người được nhượng quyền. Một số chuỗi cửa hàng nhượng quyền phổ biến như cà phê Viva, cửa hàng tiện lợi Circle K.

- Đại lý: Là đại diện bán hàng của doanh nghiệp. Các đại lý sẽ được nhà sản xuất trả thù lao khi bán sản phẩm của họ như đại lý máy bay của Vietnam Airline, đại lý phân phối xe máy Honda.

- Tiếp thị trên mạng: Là hình thức sử dụng trang web và mạng xã hội để đưa sản phẩm tiếp cận đến người tiêu dùng. Mô hình này ngày càng phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới và thu hút được số lượng lớn khách hàng.

Dựa vào tiêu chí phương thức tương tác

- Cửa hàng Offline (100%): Là phương thức bán lẻ sử dụng địa điểm bán hàng ngoài đời thật để khách có thể đến trực tiếp cửa hàng chọn lựa và mua hàng. Quá trình tư vấn diễn ra tại cửa hàng 100% và hàng hóa được giao ngay.

- Cửa hàng Online (100%): Phương thức này cho phép cửa hàng kinh doanh mà không cần có địa điểm bán hàng. Người bán sẽ thông qua website, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, điện thoại, tin nhắn để giao dịch mua bán sản phẩm dịch vụ.

- Cửa hàng kết hợp Offline và Online: Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều kết hợp hai phương thức này để bán hàng. Bởi điều này giúp họ tăng doanh thu nhờ việc phục vụ được nhiều nhóm đối tượng khách hàng hơn.

Bí kíp thành công khi làm trong ngành retail

Tạo dựng thương hiệu

Tạo dựng thương hiệu là yếu tố đầu tiên cần được đề cập nếu nói đến bí kíp thành công trong ngành bán lẻ retail là gì. Ngành bán lẻ có tính cạnh tranh cao, vì thế doanh nghiệp muốn bán lẻ thành công phải xây dựng và quảng bá thương hiệu thường xuyên để khách hàng luôn nhớ đến thương hiệu của mình giữa hàng chục sự lựa chọn khác cùng một sản phẩm, một phân khúc.

Xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp

Sở hữu đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp là yếu tố giúp khách hàng quay lại mua hàng của doanh nghiệp. Vì thế doanh nghiệp cần đào tạo đội ngũ bán hàng và nhân viên chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp để đem đến sự hài lòng cao nhất cho khách hàng của mình.

Khảo sát, tiếp nhận ý kiến khách hàng

Trải nghiệm của người tiêu dùng và dịch vụ chăm sóc khách hàng trong ngành bán lẻ cực kỳ quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Lắng nghe ý kiến hay khảo sát ý kiến của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả bán hàng, đem đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng cũng như kịp thời xử lý những sự cố xảy ra một cách thỏa đáng nhất.

Tối ưu công nghệ

Sử dụng công nghệ là cách để những nhà bán lẻ quản lý được hàng nghìn mặt hàng khác nhau, trong đó gồm số lượng đơn hàng, số lượng khách hàng, hóa đơn…Việc này cũng giúp nhân viên kế toán có thể thống kê sổ sách dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, lượng data thu được từ quá trình bán hàng còn giúp ích cho việc đồng bộ hóa, dễ dàng chăm sóc khách hàng và thực hiện các hoạt động khuyến mãi, nghiên cứu xu hướng, hành vi khách hàng…

Sử dụng kênh bán lẻ trực tuyến

Sử dụng nhiều kênh bán lẻ trực tuyến thông qua website, fanpage, hotline…hoặc qua các sàn thương mại điện từ là cách để doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng thị phần.

Áp dụng phương pháp thanh toán đa dạng

Với sự phát triển của công nghệ, các hình thức thanh toán trở nên đa dạng hơn bao gồm thanh toán tiền mặt, thẻ hay các ví điện tử cũng đều tích hợp các mã thanh toán hoặc mã QR tiện lợi. Do đó, việc tích hợp nhiều hình thức thanh toán sẽ đem đến sự thuận tiện tối đa cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Các thuật ngữ liên quan đến retail

Hàng retail là gì? Hàng retail hay hàng bán lẻ là các hàng hóa được bán cho người tiêu dùng, khác với hàng bán buôn được bán cho khách hàng là doanh nghiệp hoặc tổ chức.

Giá retail là gì hay retail price là gì? Giá retail hay giá bán lẻ là giá mà khách hàng phải trả cho sản phẩm cuối cùng được bán. Những khách hàng này không mua sản phẩm để bán tiếp. Họ mua sản phẩm để sử dụng.

Retail outlet là gì? Retail outlet được hiểu là cửa hàng bán lẻ với 2 nghĩa sau. Đầu tiên là cửa hàng chỉ bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa thường được cửa hàng mua từ một nhà bán buôn hoặc có thể được sản xuất bởi công ty sở hữu cửa hàng. Nghĩa thứ hai là cửa hàng do nhà sản xuất mở, thường ở gần nhà máy, nhằm mục đích bán hàng hóa sản xuất thừa hoặc không thường xuyên với giá chiết khấu.

Retail store là gì? Retail store là cửa hàng bán lẻ là nơi kinh doanh bán hàng hóa với số lượng nhỏ trực tiếp cho khách hàng.

Qua bài viết trên đã cung cấp cho bạn câu trả lời cho thắc mắc retail là gì và các loại hình retail phổ biến hiện nay, từ đó giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về ngành bán lẻ để ứng dụng hiệu quả cho doanh nghiệp của mình. Chúc bạn luôn thành công!

Hồng An

Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/retailing-la-gi-a54933.html