Cách chế biến nậm pịa dê. Nậm pịa dê - món ăn độc đáo miền Tây Bắc, là vùng đất có nhiều món ăn ngon, độc đáo. Tuy nhiên nhiều món ngon nơi đây lại được du khách xếp vào những “đặc sản không phải ai cũng dám thử”.
Trong đó không thể không nhắc tới Nậm Pịa. Tây Bắc TV xin giới thiệu đến quý bạn đọc món Nậm pịa dê món ăn độc đáo miền Tây Bắc
Nậm pịa còn được người ta gọi là nặm pịa, “Nậm” hay nặm trong tiếng dân tộc Thái được dịch là “canh”, “pịa” là phần chất dịch dệt nằm trong ruột non của một số loài động vật ăn cỏ như: ngựa, trâu, bò, dê. Tên gọi của pịa tùy thuộc vào loại vật lấy pịa: pịa dê, pịa bò, pịa trâu…Đây là một trong những món ăn của người Thái vùng Tây Bắc. Được coi là món ăn truyền thống.
Thực chất món ăn này có nguồn gốc từ vùng tự trị của dân tộc Miêu và dân tộc Thống ở Trung Quốc. Trong tiếng Trung nậm pịa được gọi là ngưu tát phiến. Bò, dê được dung để lấy ngưu tát phiến (phần pịa trong tiếng Thái) phải được cho ăn đặc biệt bằng các loại cỏ hay rau thảo dược. Các đầu bếp lấy phần ruột non của bò, dê đoạn có chất dịch lỏng, nhạt màu ( chưa thành phân) sau đó trộn gia vị và chế biến cùng thịt như món lẩu.
Sau khi du nhập vào Việt Nam, người Thái Tây Bắc đã biến tấu món nậm pịa theo các gia vị đặc trưng của địa phương. Có hai dạng nậm pịa. Dạng thứ nhất đúng như tên gọi sẽ được chế biến giống dạng canh. Dạng thứ 2 sẽ có một bát pịa riêng dung để chấm chứ không nấu chung với thịt và lòng.
Tương truyền thời xưa, món nậm pịa (hay lẩu ngưu tát phiến) bắt nguồn từ quá trình tìm tòi của một người đàn ông Quý Châu, Trung Quốc. Ông ta mắc bệnh đường ruột, thường xuyên bị đau bụng và đi ngoài. Các danh y đều bó tay với chứng đường ruột của ông. Khi quan sát dê, bò ông thấy chúng chỉ ăn cỏ mà rất khỏe mạnh nên làm liều thử ăn dịch ruột non của chúng. Kết quả ngoài mong đơi, bệnh đường ruột của ông sau vài lần đã khỏi hẳn. Mọi người thấy vậy liền học theo. Sau nhiều lần cải tiến đã thành món lẩu ngưu tát phiến (nậm pịa).
Để chế biến ra món ăn này không hề đơn giản. Mọi quy trình đều rất được chú trọng. Những con bò hay dê được chọn để lấy phần pịa sẽ được cho ăn hoàn toàn bằng cỏ tươi cùng các nguyên liệu đông y trong một thời gian khá dài trước khi mổ. Vì lẽ đó phần pịa là phần dịch thảo dược sau khi bò, dê tiêu hóa rất quý giá. Món ăn này vì thế rất tốt cho người bị đường ruột chứ không hề gây đau bụng như mọi người vẫn tưởng.
Nậm pịa là món ăn nổi tiếng của Tây Bắc không phải lúc nào cũng có. Tuy bị nhiều người xếp vào hang các món ăn kinh dị song người Thái Tây Bắc thường chỉ làm món nậm pịa trong các dịp đám, lễ hay tiếp khách quý đến nhà.
Quan niệm của đồng bào nơi đây cũng giống như người dân tộc Miêu Trung Quốc, họ cho rằng chất dịch (hay pịa) trong ruột non chính là phần tinh túy, bổ dưỡng nhất vì khi thức ăn được bò, dê chuyển hóa qua dạ dày, ruột và chuẩn bị ngấm qua các mạch máu để nuôi dưỡng cơ thể. Do đó, nậm pịa được coi là món ăn bổ dưỡng.
Nghe thì thấy ghê vậy thôi, chứ đặc sản Tây Bắc này có tác dụng giải rượu rất tốt nên mới hay có các đám đình, đám cưới.
Người Thái Tây Bắc chọn lấy đoạn ruột non được cho là ngon nhất để lấy pịa, ninh xương , thịt và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước. Phần ruột non sau khi lấy pịa phải buộc chặt cả hai đầu, sau đó cắt thành khúc, trộn kèm rau thơm, bột mắc khén (hạt tiêu rừng), tỏi, ớt, mùi tàu…tất cả các gia vị được băm nhỏ rồi đun sôi lên.
- Chỉ cần bạn là người Tây Bắc, khi đi mua thịt trâu, bò hay dê nếu bạn mua lòng, sách là mặc nhiên người bán sẽ chuẩn bị luôn cho bạn một phần pịa ( bạn có thể lấy hoặc không. Cái này là miễn phí, đi kèm cùng lòng sách). Người Thái để nấu nậm pịa ngon sẽ chọn phần ruột non của bò, dê, cắt lấy một đoạn ngon nhất (dịch màu nhạt và lỏng). Phần pịa này sẽ được đổ ra bát hòa thêm cùng một số gia vị như mắc khén, gừng, sả.
- Cho toàn bộ phần sụn, thịt, bạc nhạc và lục phủ ngũ tạng của bò hay dê vào ninh. Khi nhừ sẽ được trộn thêm mắc khén, sả, ớt, tiêu, muối, rau thơm. Một số nơi người ta còn trộn thêm cả phần mật hoặc rau đắng để tạo ra hương vị đặc trưng.
- Đổ phần pịa đã trộn lúc trước vào nồi ninh và trộn đều. Nếu ăn dạng canh hay lẩu pịa thì ta chỉ cần đun sôi phần nước hầm lên và ăn kèm cùng các loại rau. Nếu ăn dạng chấm ta sẽ đun cho hỗn hợp đặc sánh lại. Múc ra bát và dùng nóng cùng các loại rau. Phần pịa này dung để chấm các loại thịt sẽ rất ngon.
Món nậm pịa dê được múc ra bát có màu nâu, nước sền sệt, khi nếm thử chúng ta sẽ thấy vị đắng ở đầu lưỡi và mùi hơi khó ngửi. Có nhiều người mới đầu khi trông thấy bát nậm pịa, ngửi thấy mùi đã không ăn được Món nậm pịa khi thưởng thức sẽ ăn kèm cùng với rau chuối và dọc mùng. Ban đầu khi chưa quen, chưa dám ăn thì món nậm pịa này quả thật là rất khó ăn với nhiều người.
Nếu ai lần đầu mới thưởng thức nậm pịa có lẽ sẽ phải nhổ ra ngay vì mùi nồng của pịa, nội tạng và mắc khén. Cộng thêm vào đó là vị đắng của mật, cay tê của gia vị khiến nhiều người phải bỏ cuộc. Nhưng nếu ăn đến miếng thứ 2 bạn sẽ thấy vị ngọt hậu vị sau vị đắng ban đầu. Ăn lâu sẽ “nghiện” món nậm pịa lúc nào không hay.
Trong ẩm thực Tây Bắc thì có thể nói món nậm pịa là món ăn không chỉ là đặc sản mà còn mang những nét văn hóa rất độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Món ăn này không chỉ tốt cho đường ruột mà đây cũng được coi là một thử thách cho những ai muốn khám phá, muốn vượt qua chính mình (nhất là những người miền xuôi khi lên với Tây Bắc). Món ăn này rất an toàn với cả những ai yếu bụng. Nó còn khá tốt cho tiêu hóa nữa đấy.
Nếu có dịp đến với Tây Bắc liệu bạn có dám thử sức mình với món ăn nậm pịa đặc sản nhưng cũng là thách thức không phải ai cũng dám thử này không? Hãy nói ngay cho Tây Bắc TV biết nhé!
=> Top 5 món ăn Tây Bắc kinh dị mà ngon đáo để
=> Top 10 món ngon không thể bỏ qua khi đến Lai Châu.
Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/pia-de-a56746.html