Được xem như món ăn không thể thiếu trong mọi gia đình, mì ăn liền vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian, mà lại có đa dạng các hương vị để mọi người lựa chọn. Và khi nói đến mì ăn liền, không thể không nhắc đến Nhật Bản - quê hương của các thương hiệu mì nổi tiếng.
Mì ăn liền được xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1958 do Momofuku Ando phát minh ra, ông đồng thời cũng là nhà sáng lập công ty thực phẩm Nissin nổi tiếng ở Nhật Bản.
Cũng giống như nhiều phát minh tuyệt vời khác, mì ăn liền ra đời xuất phát từ nhu cầu xã hội thời bấy giờ. Vào lúc ấy, Nhật Bản vẫn chìm trong nạn thiếu lương thực sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thức ăn chủ yếu là bánh mì được làm từ bột mì do Mỹ cung cấp. Mặc dù người dân Nhật Bản thích ăn mì hơn, nhưng thời bấy giờ không có công ty nào đủ lớn và có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu này của người dân. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, Momofuku Ando đã dành nhiều tháng trời để tìm tòi và hoàn thiện một phương pháp chiên mì ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn giúp người sử dụng có thể bảo quản mì trong thời gian dài trước khi nấu. Bằng phương pháp đó, Nhật Bản đã cho ra đời sản phẩm mì ăn liền đầu tiên trên thế giới với tên gọi “Chikin Ramen” (năm 1958).
Sau khi cho ra thị trường, sản phẩm mì ăn liền với mức giá ban đầu tương đối cao. Tuy vậy, khi công ty Nissin ngày một lớn mạnh, giá mì ăn liền ngày càng giảm và trở nên hợp túi tiền người tiêu dùng, thì mì ăn liền đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm phổ biến ở trong căn bếp ở tất cả các gia đình Nhật Bản. Qua thời gian, mì ăn liền cũng dần lan tỏa tới phần còn lại của thế giới và ngày nay số lượng mì ăn liền được tiêu thụ trên toàn cầu hàng năm là khoảng gần 100 tỷ gói.
Tiếp nối sự thành công của công ty Nissin, các thương hiệu mì ăn liền khác đã ra đời, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm với nhiều hương vị khác nhau và trở thành món ăn nhanh quen thuộc và không thể thiếu đối với mọi gia đình.
Nissin
Vì đây là công ty phát minh ra mì ăn liền nên đương nhiên Nissin chiếm ngôi vị quán quân trong thế giới mì ăn liền. Mặc dù nhãn hiệu Cup Noodle (mì cốc) của công ty là sản phẩm phổ biến nhất ở Nhật Bản nhưng công ty còn có nhiều dòng sản phẩm đa dạng khác nữa.
Bao bì hộp xốp màu trắng của Cup Noodle (mì cốc) đã trở thành một biểu tượng không lẫn vào đâu được trên các kệ hàng của các quầy tạp hóa. Sau hơn 50 năm hoạt động, công ty đã giới thiệu rất nhiều dòng sản phẩm mì với nhiều hương vị vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, nếu du khách lần đầu thưởng thức mì ăn liền, hãy thử 3 dòng sản phẩm Cup Noodle nổi tiếng nhất là: Classic (nguyên bản), Seafood (hải sản) và Curry (cà ri) xem sao nhé!
Chikin Ramen (Mì Ramen vị gà) là sản phẩm mì ăn liền nguyên bản và sản phẩm này vẫn còn được ưa chuộng cho tới tận ngày nay. Mì có hương vị rất thơm ngon làm hài lòng những thực khách Nhật Bản. Nếu du khách chưa bao giờ thưởng thức món mì Chikin Ramen, nhớ đưa sản phẩm này vào trong danh sách những món mì ăn liền nhất định phải nếm thử nhé!
Donbei là dòng sản phẩm đa dạng hơn của Nissin với nhiều loại mì khác nhau, trong đó nổi bật nhất là mì Kitsune Udon và Tempura Soba. Trong đó, Kitsune Udon gồm những sợi mì Udon giòn dai và những miếng váng đậu mềm mại (Aburaage). Còn mì Tempura Soba lại gồm những sợi mì làm từ hạt kiều mạch với độ đặc hơn và hương vị đậm đà hơn cùng với những miếng Tempura chiên giòn tan.
Mặc dù, thực khách có thể đổ nước sôi vào rồi ăn giống như những loại mì ăn liền khác nhưng mọi người nói rằng các loại mì Donbei còn ngon hơn nữa nếu nấu bằng lò vi sóng vì sợi mì sẽ dai hơn, tạo cảm giác như du khách đang được thưởng thức những sợi mì tươi vừa mới ra lò vậy. Bên cạnh đó, tùy vào khẩu vị của người dân của từng địa phương mà du khách sẽ tìm thấy các loại nước dùng với độ đậm và hương vị khác nhau.
“Raoh” là tên viết tắt của “Ramen Oh” có nghĩa là “vua mì Ramen” trong tiếng Nhật. Đúng như tên gọi của nó, dòng sản phẩm Raoh của Nissin bao gồm các loại mì Ramen ăn liền với nhiều hương vị khác nhau như: vị Tonkotsu Soy Sauce (nước dùng thịt heo và sốt xì dầu). Không giống như những loại mì ăn liền thông thường được sản xuất bằng cách chiên ở nhiệt độ cao, Raoh là loại mì không chiên với sợi mì làm hoàn toàn từ bột mì nguyên cám để tạo nên bề mặt tuyệt vời khiến sợi mì khá giống với mì Ramen tươi. Dòng sản phẩm Raoh này đắt hơn đôi chút so với các dòng sản phẩm khác của Nissin nhưng cũng rất đáng để thưởng thức.
Nếu du khách không muốn ăn mì nước nhưng vẫn muốn thưởng thức mì ăn liền thì Nissin cũng có dòng sản phẩm dành riêng cho bạn có tên là U.F.O - với hương vị của món mì yakisoba truyền thống - món ăn phổ biến trong các dịp lễ hội ở Nhật bản. Tên gọi của loại mì này do nhà sáng lập Nissin Momofuku Ando nghĩ ra, là viết tắt của 3 từ: “Umai” (ngon), “Futoi” (sợi mì dày dặn) và “Okii” (bắp cải cỡ lớn). Đó là điều DU KHÁCH sẽ thấy trong bát mì U.F.O dạng tròn này: sợi mì dai, bắp cải được chiên trong nước sốt có vị ngọt và mặn đậm đà, tạo nên một bữa ăn tuyệt hảo trong thời gian ngắn. Sợi mì Yakisoba của sản phẩm U.F.O này nổi tiếng dai, có thể sánh ngang các loại sợi mì tươi.
Maruchan
Mặc dù không lớn và nổi tiếng như Nissin nhưng Maruchan cũng là một thương hiệu phổ biến với các hộ gia đình trên toàn thế giới. Được thành lập vào năm 1953, công ty bắt đầu sản xuất mì ăn liền vào năm 1977 và ngày nay có sản lượng tiêu thụ lên tới 3.6 tỷ gói mì mỗi năm.
Với thiết kế dạng bát to hơn loại cốc của dòng sản phẩm Cup Noodle thông thường, mì Maruchan Seimen có nhiều nước mì hơn và lượng topping phong phú với các loại rau, tôm hoặc những miếng thịt lợn đầy đặn. Loại mì ăn liền này còn nổi tiếng với sợi mì ngon sánh ngang các sản phẩm mì tươi. Những thực khách muốn thưởng thức món mì Ramen chất lượng cao chắc chắn sẽ cảm thấy hài lòng khi lựa chọn sản phẩm Seimen này.
“Mukashinagara no Chuka Soba” có nghĩa là mì Ramen kiểu xưa và đây chính là hương vị mà nhà sản xuất lựa chọn dành cho sản phẩm này. Với vị thịt gà thơm ngon và nước sốt xì dầu, loại mì này tạo nên hương vị của món mì ramen cổ điển mà các thế hệ lớn tuổi thường được thưởng thức khi còn nhỏ. Sợi mì không chiên qua dầu và sử dụng 100% bột mì Hokkaido, đây là sản phẩm hoàn hảo cho bất kỳ ai muốn thưởng thức một chút hương vị xưa để hoài cổ về quá khứ.
Các sản phẩm mì Soba và Udon ăn liền của Maruchan khá giống với dòng sản phẩm Donbei của Nissin nêu trên và có thể nói hai sản phẩm này chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau. Mức độ cạnh tranh của hai dòng sản phẩm này có thể nói là cũng tương tự như việc người tiêu dùng hay so sánh giữa Coca-Cola và Pepsi vậy.
Sapporo Ichiban
Mặc dù gia nhập thị trường mì từ năm 1966, sau Nissin và Maruchan, nhưng dòng sản phẩm mì ăn liền của Sapporo Ichiban cũng đã tăng trưởng một cách nhanh chóng. Mì gói của hãng đã nổi tiếng ở thế giới phương Tây đến nỗi Sapporo Ichiban có luôn một nhà máy sản xuất đặt ở bang California - Mỹ để phục vụ cho những người dân ở đây.
Để tạo nên hương vị Miso cho sản phẩm mì của Sapporo Ichiban, nhà sáng lập của công ty đã tìm đến quê hương của loại súp này: thung lũng mì Ramen ở thành phố Sapporo, Hokkaido. Sau khi đã “phải lòng” hương vị Miso ở địa phương, ông đã dành ra 3 năm để tìm một công thức hoàn hảo bằng cách kết hợp 7 loại Miso khác nhau tạo nên hương vị chuẩn cho sản phẩm của mình.
Sản phẩm mì vị Shoyu (xì dầu) của Sapporo Ichiban có sốt xì dầu và nước dùng gà kết hợp với hỗn hợp rau, gừng và tỏi. Trong quá trình sản xuất, các sợi mì được ngâm trong nước tương xì dầu để tạo nên một hương vị thơm ngon, lôi cuốn mọi thực khách.
“Shio” trong tiếng Nhật có nghĩa là “muối” và đó là vị mì Ramen khá nổi tiếng ở Nhật Bản với nước dùng trong và có vị thanh. Sản phẩm mì Shio Ramen của Sapporo Ichiban được ưa thích không thua gì Miso Ramen và một số người tiêu dùng còn dùng sản phẩm này để chế biến những món ăn khác như mì Carbonara.
Acecook
Acecook có trụ sở tại Osaka đang dần mở rộng ra các khu vực khác trên toàn thế giới. Mặc dù không nổi tiếng ở khu vực phía Tây Nhật Bản như Nissin hay Maruchan nhưng Acecook đã thành công vang dội ở Việt Nam, chiếm 50% thị phần mì ăn liền của đất nước này.
Ở Nhật Bản, Acecook được biết đến với nhiều loại mặt hàng hợp tác với các hãng khác như: mì Ramen Hello Kitty hoặc mì ăn liền vị cà ri Coco Ichibanwa cũng như một số món mì ramen ít ngấy như mì Ramen không chứa mì mà được thay bằng rong biển Wakame. Công ty luôn muốn sáng tạo ra những món mì mới mẻ và thú vị nên đây chắc chắn là một trong những loại mì rất đáng để du khách thử đó!
Một dòng sản phẩm phổ biến của Acecook là dòng sản phẩm Mochichi. Dòng sản phẩm Mochichi của Acecook bao gồm mì Ramen và Yakisoba đã tuyên bố hoàn thiện quy trình để tạo ra món mì ăn liền đạt độ hoàn hảo.
Peyoung Yakisoba
Peyoung là nhà sản xuất mì nổi tiếng với món mì Yakisoba ăn liền. Bên cạnh loại sản phẩm truyền thống pha trộn vị mặn và ngọt, hãng còn đưa ra nhiều hương vị độc đáo khác như mì Yakisoba cà ri, vị lá mùi hoặc mì ăn kèm thịt mỡ.
Bên cạnh hương vị thơm ngon, Peyoung còn nổi bật với những sản phẩm mì Yakisoba mới lạ như: dòng sản phẩm mì Yakisoba siêu cay có dán nhãn cảnh báo không dành cho trẻ em và những người không chịu được vị cay hoặc món mì Yakisoba “Super Super Super Big GIGAMAX” chứa gần 2.142 calo và 120gr chất béo.
Myojo
Myojo là một tên tuổi lớn khác trong ngành công nghiệp mì ăn liền với 70 năm lịch sử từ khi công ty thành lập với tư cách là nhà máy sản xuất mì khô sau chiến tranh. Công ty hiện nay đã mở rộng với một loạt các sản phẩm mì ăn liền khác nhau như mì ăn liền Ramen thông dụng, Yakisoba, cho đến mì ăn liền low-carb.
Charumera là một dòng sản phẩm truyền thống và lâu đời nhất của Myojo từ những năm 1966. Với công thức chế biến hầu như không thay đổi kể từ khi ra đời, mì Charumera có nước dùng đặc biệt được làm từ sò điệp và một “gia vị bí mật” đem đến hương vị đặc trưng thơm ngon. Thương hiệu này hiện có nhiều sản phẩm với các hương vị khác nhau bao gồm vị nước tương, vị Tonkotsu béo (xương lợn) và thậm chí cả “Chanpon” - loại mì đặc biệt của Nagasaki.
Ngoài các thương hiệu mì Ramen, Myojo còn có một thương hiệu mì Yakisoba rất nổi tiếng có tên “Ippeichan”. Thương hiệu này đặc biệt được biết đến với những gói sốt Mayo ngâm mù tạt đi kèm trong hộp mì ăn liền và một lớp sốt đặc biệt phong phú thơm ngon. Loại mì có tên “Yomise no Yakisoba” (mì Yakisoba buổi đêm) của thương hiệu này đã tái tạo được hương vị món mì Yakisoba tươi ngon thường được bán tại các lễ hội mùa hè ở Nhật Bản. Tất cả 3 trong số các hương vị: vị truyền thống, vị muối và vị Mentaiko (trứng cá tuyết cay) đều rất đáng thử và là món khoái khẩu của nhiều người.
Sugakiya
Mì ăn liền của Sugakiya dựa trên một loại mì của chuỗi cửa hàng cùng tên ở thành phố Nagoya. Mặc dù không dễ để tìm thấy món mì này ở ngoài khu vực Nagoya nhưng mì ăn liền của Sugakiya lại rất nổi tiếng. Nagoya được biết đến là địa phương có ẩm thực phong phú và quán Sugakiya cũng không phải ngoại lệ. Thêm vào hương vị đa dạng ban đầu, quán còn có các vị mì có hương vị đặc trưng của vùng như: mì Ramen Toyama đen với nước dùng cơ bản thêm nước tương sốt tiêu đen hoặc món mì Okawara-kei-Tantanmen có nước dùng mặn pha một chút ngọt đi kèm với vị tỏi.
Trước khi đặt chân đến Nhật Bản, chắn chắn du khách không hề biết thế giới của các loại mì ăn liền đa dạng và rộng lớn đến mức nào. Với rất nhiều hương vị để lựa chọn, du khách sẽ cảm thấy dường như không bao giờ có thể thử hết tất cả các loại mì. Hãy tham khảo bài viết này để có thêm những gợi ý tuyệt vời trong việc khám phá những hương vị mì ăn liền yêu thích mới trong chuyến du lịch Nhật Bản nhé!
Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/mi-goi-nhat-a57174.html