7 Điều Nên Làm Khi Cảm Thấy Không Được Trân Trọng

Thật chẳng dễ chịu gì khi nỗ lực của bạn không được người khác ghi nhận. Việc giúp một người bạn chuyển nhà hay nấu một bữa tối đặc biệt cho những người mình yêu thương đều cần công sức và thời gian. Nếu mọi người không để ý tới nỗ lực của bạn, bạn có thể cảm thấy mình không được trân trọng.

Khi không cẩn thận, việc cảm thấy không được trân trọng có thể dẫn tới sự bực tức và oán giận. May mắn thay, những phương pháp sau đây có thể làm bạn cảm thấy khá hơn và thậm chí còn giúp các mối quan hệ của bạn không bị quá ảnh hưởng khi bạn không thấy được trân trọng.

Trân Trọng Không Chỉ Là Lời Nói

Chỉ vì ai đó không trực tiếp nói lời cảm ơn không có nghĩa là họ không trân trọng bạn vì có nhiều người ít dùng ngôn từ để bày tỏ lòng biết ơn.

Sự biết ơn có thể được bộc lộ mà không cần đến lời nói, chẳng hạn như khi người yêu kéo bạn vào ôm hay khi một cậu bé muốn đập tay với bạn. Tương tự, khi đồng nghiệp mời bạn đi ăn trưa hay bạn bè nhất quyết phải mời bạn một cốc cà phê, đó có thể là lúc họ đang thể hiện rằng họ trân trọng bạn đó.

Chính vì vậy, hãy dành một phút để cân nhắc xem, liệu những người xung quanh bạn có đang thể hiện rằng họ trân trọng bạn bằng những cách khác không. Có khi bạn sẽ nhận ra rằng họ biết ơn bạn nhiều hơn những gì bạn ghi nhận đó.

Nói “Không” Thường Xuyên Hơn

Đôi khi, nếu bạn càng không quản ngại làm thật nhiều việc cho mọi người, họ càng mong đợi bạn phải làm nhiều thêm rồi quên mất việc phải trân trọng bạn và công sức của bạn.

Vậy nên, nhiều lúc việc nói không cũng có thể có ích. Nó sẽ nhắc nhở họ không coi sự giúp đỡ của bạn là một điều hiển nhiên, hay cho rằng bạn sẽ luôn sẵn lòng hỗ trợ họ bất cứ lúc nào.

6S8TdbiMczWNi5H7-gFyF4LC9z1RPQ8FHnJ5wEVYk1CzWG-7dAZdqi8N1AQdATXsPe1jhAqu69rHQikIZyIE4KqrIVvoUisBs1uFMfWSe4JW2Ezlv1XCcolUVCz7rMmOxZGXOV7NcaIlkk7hMH6wbfk

Việc nói không đôi khi cũng có thể giúp ích nếu bạn là một người quá thích chiều lòng người khác. Nếu bạn là một người như vậy, việc từ chối một lời mời xã giao hay một sự nhờ vả có thể là một việc khó khăn. Tuy nhiên khi làm vậy, mọi người sẽ được nhắc nhở rằng, bạn có thể từ chối bất cứ điều gì bạn không muốn.

Cũng có những lúc bạn sẽ cần phải đặt ra ranh giới với người khác. Ví dụ, nếu bạn tình cờ nghe thấy con mình bảo bạn của nó rằng: “Cậu không cần mang đĩa ra bồn rửa đâu. Tí bố mẹ tớ làm cho hết ấy mà.”, có lẽ bạn nên làm rõ vai trò của mình để con hiểu rõ hơn.

>>> Tham khảo: Vượt qua nỗi sợ bị từ chối

Thể Hiện Một Chút Lòng Tốt Của Chính Mình

Việc thể hiện lòng tốt có thể làm bạn hạnh phúc hơn. Vậy nên hãy cân nhắc xem việc giúp đỡ người khác có làm bạn cảm thấy hài lòng với bản thân không, kể cả khi dường như họ không trân trọng sự giúp đỡ của bạn theo cách bạn mong đợi.

Khi giúp đỡ mọi người, đó có thể là cơ hội để bạn học hỏi những kĩ năng mới hay rèn giũa những kĩ năng sẵn có, như đức tính kiên nhẫn chẳng hạn. Nếu ai đó nhờ bạn làm gì đó, như đi mua hộ một món đồ, đó cũng có thể là một cơ hội để bạn tập thể dục hay được dành chút thời gian một mình trên xe.

Hãy để ý xem bạn được gì từ việc giúp đỡ người khác. Có thể bạn sẽ phải bất ngờ rằng hoá ra mình cũng có nhiều điều để thấy biết ơn đó.

Trân Trọng Người Khác

Khi quá bận tâm vì cảm thấy không được trân trọng, bạn có thể quên mất không dành sự trân trọng cho mọi người.

Việc nói lời cảm ơn với những người xung quanh cũng có thể làm họ thấy muốn trân trọng bạn nhiều hơn.

Hãy cảm ơn gia đình và bạn bè vì những điều họ đã làm cho bạn. Sự trân trọng có thể được thể hiện bằng một câu cảm ơn, hay một bức thư nhỏ để người kia biết ta trân trọng họ như thế nào. Dù bạn chọn cách nào đi nữa, hãy làm một cách thật lòng và chân thành nhé.

Khắc Phục Những Suy Nghĩ Tiêu Cực

Hãy đề phòng với những suy nghĩ tiêu cực đã bị phóng đại quá mức, chẳng hạn như: “Chẳng ai làm được cái gì tử tế cho mình cả”, hay “Tất cả mọi người đều nghĩ mình phải làm hết mọi việc ở đây”. Chúng sẽ chỉ làm bạn thấy tệ hơn thôi.

Hãy nhắc bản thân nhớ lại những lần người khác thể hiện rằng họ trân trọng bạn (kể cả khi phải tìm những kí ức đó hơi lâu) và cả những lần bạn đã đặt được ranh giới với người khác.

Tự đáp lại những suy nghĩ không tiêu cực/không có ích bằng những suy nghĩ thực tế hơn có thể giúp bạn cảm thấy được trân trọng hơn một chút. Chẳng hạn, bạn có thể nhắc nhở bản thân rằng, “Gia đình mình trân trọng tất cả những gì mình đã làm cho họ, kể cả khi họ không nói ra”, hay “Gia đình mình đôi khi cũng trân trọng mình đó chứ”. Những suy nghĩ như vậy có thể khiến bạn thấy khá hơn một chút.

>>> Tham Khảo: Tự Thương Lấy Mình Là Một Cách Phát Triển Bản Thân

Nói Ra Lòng Mình

Đôi lúc việc chia sẻ cảm xúc là điều nên làm. Bạn có thể trò chuyện với vợ/chồng, với sếp, hoặc với con cái về những điều đang xảy ra, ví dụ như, “Nhiều lúc em cảm thấy công sức của mình không được mọi người ghi nhận. Nếu được trân trọng em sẽ thực sự thấy rất vui.”

Đừng ngại ngần nói ra những gì bạn muốn. Có thể sau đó bạn sẽ nhận ra rằng, mọi người cũng sẵn sàng bày tỏ sự trân trọng cho bạn hơn khi họ hiểu được tầm quan trọng của việc đó với bạn.

Tuy nhiên, ta cũng nên tính đến trường hợp họ khăng khăng rằng mình đã thể hiện quá nhiều sự trân trọng rồi hay biến nó thành một câu đùa kiểu như thế này: “Tôi sẽ trân trọng cậu hơn nếu cậu thực sự làm việc tử tế hơn.”

Hãy nhớ rằng một số người đùa cợt khi họ thấy không thoải mái, và sự không thoải mái này thực ra nhiều khả năng đang phản ánh cảm nhận của họ về chính bản thân chứ không phải về bạn.

>>> Tham Khảo: Giải Phóng Cảm Xúc

Trò Chuyện Với Một Chuyên Gia

Nếu bạn cảm thấy không được trân trọng, các mối quan hệ của bạn nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Bạn có thể tới gặp một chuyên gia sức khoẻ tâm thần có uy tín để nói xem mình cảm thấy thế náo. Một nhà trị liệu tâm lý có thể sẽ khuyên bạn thử một vài liệu pháp, như trị liệu gia đình, trị liệu nhận thức hành vi hay những dịch vụ khác để giúp bạn thấy tốt hơn.

Lời Kết

Ai rồi cũng đôi lúc cảm thấy không được trân trọng. Có những lúc ta không nên quá khắt khe với người khác khi họ chưa thể hiện sự biết ơn, nhưng cũng có lúc ta nên trực tiếp giải quyết tình huống bằng cách nói chuyện thẳng thắn với mọi người. Chính vì vậy, bạn nên xác định trước xem mình muốn giải quyết theo cách nào. Nếu bạn đang cảm thấy quá khó khăn, hãy gặp các chuyên gia để được hỗ trợ.

Nguồn: 7 Things to Do When You Feel Unappreciated, Verywell Mind

Hãy liên hệ với số hotline 0977.729.396 của Viện ngay hôm nay để được tư vấn tận tình.

Hình ảnh một số bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm của Viện Tâm Lý Việt - Pháp:

-

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trụ sở TP.HCM: Landmark 81, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0912.012.684 (Zalo, 24/7)

Email: daotao@tamlyvietphap.vn

Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/khong-duoc-tran-trong-thi-nen-roi-di-a57868.html