Tranh đông hồ - Nét tinh hoa văn hoá dân gian Việt Nam

Nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn 2024 và chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), vừa qua, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Tranh dân gian Việt Nam”. Qua đó, để phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, tạo không gian thưởng lãm và trải nghiệm nghệ thuật, đưa dòng tranh dân gian đến gần hơn với nhân dân Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.

Đặc biệt, du khách tại triểm lãm tỏ ra rất hào hứng với dòng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Đây là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam, là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được vật thể hóa.

Thời xa xưa, với sự phát triển của nghề in, khắc gỗ, việc sản xuất tranh trở nên phổ biến ở nhiều địa phương, dần dần hình thành những trung tâm sản xuất tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây cũ), làng Sình (Huế)…

Tranh Đông Hồ phản ánh đời sống cùng tập tục tín ngưỡng của nhân dân nhưng ở mỗi vùng, miền mang những sắc thái, kỹ thuật riêng.

Không chỉ có những đặc điểm riêng biệt về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Tranh Đông Hồ được in thủ công từ ván khắc gỗ, kết hợp với nét chữ, màu sắc và câu chuyện trong mỗi bức tranh tạo nên nét độc đáo của tranh Đông Hồ.

Những nguyên liệu tạo nên hồn cốt của bức tranh đều tự nhiên. Tranh có bao nhiêu bản khắc gỗ thì tương ứng với số lượng bảng màu. Giấy in tranh Đông Hồ là giấy điệp.

Đây là loại giấy dó (giấy được làm bằng vỏ cây dó) được phết lên một lớp điệp một màu trắng lấp lánh với ánh của những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng (điệp là bột được tán từ vỏ sò điệp ở biển) trộn với hồ dán (hồ dán được nấu từ bột gạo tẻ hoặc gạo sắn, cũng có khi nấu bằng bột sắn). Mỗi một bức tranh lại mang thông điệp, ý nghĩa riêng.

tranh-dong-ho6.jpg

Tranh gà trống sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho ý chí kiên trung, bất khuất của trang nam nhi quân tử và cũng thể hiện cho 5 đức tính quý của con người: văn (vẻ đẹp - mào gà); vũ (cứng rắn - cựa gà); nhân (lòng thương yêu đồng loại - khi kiếm được mồi luôn gọi đàn đến cùng ăn); dũng (sức mạnh - gặp kẻ thù thì kiên quyết chống lại); tín (hàng ngày báo giờ rất đúng).

Tranh gà đẹp và ý nghĩa như thế, nên nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã viết trong bài thơ Chợ tết: “Lũ trẻ còn mải ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi”.

Tranh đám cưới con chuột là minh chứng sống động và hóm hỉnh cho quan hệ mạnh hiếp yếu trong xã hội. Chuột làm đám cưới phải lo lễ vật cống cho mèo, cầu xin mèo để yên cho đám cưới được tiến hành.

Tranh đánh ghen thì có tính giáo dục những ông chồng hay trăng hoa, đề cao đức tính nhẫn nhịn của người vợ và vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

Tranh hứng dừa là cái cười tinh tế của dân gian trước sự hớ hênh ô tình của các cô gái... Tất cả đều là những sinh hoạt thường ngày của con người, được vẽ cách điệu tài tình, làm cho cuộc sống vui tươi, sống động.

Tranh Đông Hồ cũng đã có số lượng khá nhiều về đề tài lịch sử, về cuộc sống tâm linh của con người như: tranh Phú quý (đứa bé tóc trái đào giữ con vật), Vinh hoa (cậu bé ôm con gà trống), Thất đồng (7 cậu bé hồn nhiên hái quả), Tứ tôn vạn đại (4 cậu bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)...

Tranh Đông Hồ thường được đóng khung hoặc nẹp bằng gỗ. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang),...

Đây là những gam màu cơ bản, không pha trộn và thường thì tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu để tương ứng với số bản khắc gỗ. Những chất màu thô này được trộn với nhau và hoà với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô.

Rõ ràng tranh Đông Hồ không phải là tranh vẽ, mà được in từ những mộc bản có sẵn. Nhưng việc in tranh không hề đơn giản! Để màu sắc tươi sáng không bị lấm lem thì một bức tranh chia làm bao nhiêu phần bố cục, thì mất bằng ấy lần in. Lối in thủ công giản dị mà tinh xảo, trên một mặt phẳng theo lối “đồng hiện”, bất chấp luật xa/gần trong hội họa phương Tây tạo nên một dòng tranh đặc sắc, thuần Việt, quý báu.

tranh-dong-ho8.jpg

Ngày nay, do thời đại công nghệ phát triển, tranh Đông Hồ không còn tiêu thụ nhiều như trước, làng nghề làm tranh cũng bị mai một chỉ còn lại một vài gia đình nghệ nhân theo nghề tranh, gìn giữ di sản.

Mặc dù vậy, tranh Đông Hồ vẫn luôn là một nét đẹp tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam và hy vọng sẽ ngày càng được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, lưu truyền tới mãi đời sau

Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/tranh-dong-ho-net-tinh-hoa-cua-van-hoa-dan-gian-viet-nam-a58416.html