Con gái nói không là không

Một trường đại học nước ngoài dùng tách trà để dạy cho sinh viên năm nhất về sự tự nguyện, đồng thuận trong mối quan hệ, nhất là quan hệ lãng mạn. Tách trà ẩn dụ cho tính tự nguyện, các sinh viên sẽ mời trà bạn bè và ứng xử hợp với yêu cầu của họ. Giảng viên bảo, nếu người được mời đang bất tỉnh, đừng tự tiện đưa trà cho họ. Nếu ai từng muốn uống trà nhưng bây giờ đổi ý, sinh viên không được mời trà nữa. Nếu sinh viên chủ động mời mà người kia từ chối, họ cũng không thể ép.

Dù chỉ là tách trà nhỏ, ta cũng không thể bắt người khác phải nhận khi họ không muốn, huống chi những điều to tát, tế nhị hơn.

Con gai noi khong la khong.jpg (111 KB)

*

Bài hát “The Willow Maid” (Nàng tiên liễu) của Erutan, dựa trên thần thoại châu Âu về những tiên cây Dryad. Trong bài hát này, nàng tiên liễu sống bình yên trên một cây liễu cổ thụ. Nàng vô cùng xinh đẹp với mái tóc đỏ rực, làn da trắng và cặp mắt xanh lục. Một ngày nọ, chàng thợ săn trẻ tuổi tình cờ gặp tiên liễu rồi rung động trước vẻ đẹp của nàng. Chàng đề nghị nàng đi cùng mình nhưng nàng lắc đầu từ chối vì không thể rời khỏi khu rừng. Ít lâu sau, thợ săn trở lại với bộ đồ đẹp hơn, tay cầm đóa hoa vàng tặng tiên liễu, đồng thời ngỏ lời cầu hôn. Nàng nhẹ nhàng đáp rằng mình sẽ không bao giờ cưới chàng. Lần thứ ba gặp lại, chàng thợ săn xách theo cây rìu sắc lẻm với mong muốn “giúp” người mình yêu tự do, sau đó đem nàng về làm vợ. Bất chấp tiên nữ khóc than cỡ nào, thợ săn vẫn đốn hạ cây liễu cổ thụ của nàng.

Chàng đắc ý lôi nàng ra khỏi rừng, tin chắc rằng đã chiếm được tiên nữ xinh đẹp. Nào ngờ họ đi chưa được bao xa thì nàng gục chết, biến thành một đóa hoa. Người thợ săn không biết rằng, khi đốn cây liễu, nàng cũng sẽ sớm đi theo cái cây của mình vì sinh mạng nàng gắn liền với cây. Tiên liễu đã ba lần từ chối nhưng chàng không tôn trọng nàng, nhất quyết làm theo ý mình. Sự cao ngạo và cố chấp của thợ săn đã khiến nàng vong mạng.

Câu chuyện về nàng tiên liễu có nhiều tầng nghĩa, trong đó hai ý nghĩa dễ nhận ra nhất là:

1) “Không” có nghĩa là “không”, đừng nghĩ rằng đây là tín hiệu ngầm đồng ý hoặc muốn ta cố gắng thuyết phục, tán tỉnh cho đến khi người kia hài lòng.

2) Khi bạn yêu một bông hoa, đừng hái nó mang về mà hãy để nó tiếp tục sống. Bởi nhiều khi thứ đẹp nhất là thứ ta không thể sở hữu, nó chỉ có thể duy trì vẻ đẹp ấy nếu được tự do.

Nhiều năm trước, cặp đôi Phương Thảo và Ngọc Lễ đã trình diễn ca khúc “Con gái” nổi tiếng, do chính Ngọc Lễ sáng tác với điệp khúc “con gái nói có là không, con gái nói không là có”. Lời bài hát nói lên tính cách nắng mưa thất thường của nhiều cô gái, khuyên cánh đàn ông đừng chỉ nghe những gì con gái nói, hãy tập trung nhìn sâu vào đôi mắt họ, thấu hiểu cảm xúc trong tim họ. Tiếc thay, nhiều anh chỉ nhớ có chọn lọc phần “con gái nói không là có” nên mặt dày theo đuổi người trong mộng, chẳng quan tâm cô ấy nghĩ gì. Người nào xấu tính còn tức tối, hậm hực khi bị từ chối sau khi mình đã bỏ ra bao nhiêu thời gian, tiền bạc chinh phục cô gái. Kẻ điên tình, hoang tưởng thì hành xử y như chàng thợ săn trong câu chuyện nàng tiên liễu, dùng bạo lực cưỡng ép phụ nữ đến mức xảy ra bi kịch.

Thời nay, “con gái nói không là có” chắc chỉ đúng trong trường hợp một người rất buồn nhưng ngoài mặt vẫn cố tỏ ra mình ổn. Khi đó, dù nói cứng nhưng thực chất phái nữ đang cần được an ủi, dỗ dành. Anh nào vô tâm bỏ đi là coi như mất điểm. Còn nếu chàng trai theo đuổi mãi mà người đẹp vẫn không đáp lại, phen này “con gái nói không là không”. Đừng cố đấm ăn xôi, hãy tỉnh táo và tôn trọng cô ấy. Đây là lý do Lão Tử đã viết: “Tâm hồn không mong cầu điều gì sẽ thấy sự thật bị ẩn giấu, tâm hồn luôn ham muốn chỉ thấy điều nó muốn thôi”.

Ths-Bs Lan Hải

Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/khi-con-gai-noi-khong-can-a58954.html