Top 3 truyện cổ tích thần kỳ chọn lọc hay nhất, mẹ nên kể ngay cho bé nghe

Top 3 truyện cổ tích thần kỳ chọn lọc hay nhất, mẹ nên kể ngay cho bé nghe - 1

Truyện cổ tích nội dung đa dạng phong phú, luôn thu hút người đọc đặc biệt là các em nhỏ. Những câu chuyện kể về một thế giới trong tưởng tượng của những người dân, thế giới thần kỳ với những tiên đồng, ngọc nữ.

Đồng thời ngầm khẳng định không thể đòi hỏi có thể sống hoàn toàn trọn vẹn cả hai đường, đôi khi chỉ được chọn một trong hai.

Dưới đây là top 3 câu chuyện cổ tích thần kỳ hay và ý nghĩa, mẹ nên kể cho bé nghe.

Từ Thức lên tiên

Ngày xưa, vào đời Trần, niên hiệu Quang Thái (1388-1398) có chàng thư sinh ở đất Hóa Châu tên Từ Thức, giữ chức huyện Tiên Du, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Cạnh huyện đường có ngôi chùa danh tiếng, trước sân chùa có một gốc mẫu đơn quý lạ. Hàng năm đến kỳ nở hoa, người ta mở hội tưng bừng, trai gái các nơi tấp nập kéo nhau đến dự hội thưởng hoa.

Năm Bính Tỵ, vào khoảng tháng hai, người ta thấy có một cô gái tuyệt sắc trạc lối mười lăm, mười sáu tuổi đến dự hội. Nàng ít tô điểm phấn son song làn da mặt hết sức mịn màng, tươi thắm.

Để ngắm hoa được gần hơn, nàng vin một cành hoa xuống, không ngờ mẫu đơn dòn gãy dưới tay. Người giữ hoa trông thấy liền bắt nàng trói vào gốc cây. Đến xế chiều cũng không thấy có ai đến chuộc cứu nàng.

Từ Thức nhân đi qua, nghe câu chuyện, động lòng thương người đẹp, bèn cởi áo cừu đang mặc đưa cho nhà chùa để bồi thường. Cô gái được thả ra ngập ngừng cảm ơn Từ Thức rồi đi về một phía mất hút.

Từ đó Từ Thức càng được dân tình mến trọng là một vị quan hiền đức. Nhưng Từ Thức vốn thích bầu rượu, túi thơ, cây đàn hơn là chồng giấy tờ ở công đường, mải mê theo cảnh đẹp trời mây mà bỏ bê cả việc quan. Cấp trên gửi tờ khiển trách, bảo rằng ông cụ thân sinh trước kia là một vị quan đại thần, lẽ nào chàng không nối được nghiệp nhà mà giữ nổi chức tri huyện?

Từ Thức thở than: “Lẽ nào chỉ vì một vài đấu thóc mà ta đành dìm thân trong chốn lợi danh! Sao bằng với một chiếc thuyền con, ta thoát khỏi vòng cương tỏa. Nước biếc non xanh sẽ không bao giờ phụ ta”!

Rồi chàng trả ấn từ quan, lui về vùng núi non ở huyện Tống Sơn. Mang theo bầu rượu, cây đàn, chàng đi du ngoạn khắp mọi chốn danh lam thắng cảnh. Gặp nơi đẹp đẽ chàng dừng chân uống rượu, làm thơ. Vết chân, câu thơ của chàng ghi dấu ở nhiều nơi, núi Chích Trợ, động Lục Vân, nguồn sông Lễ, bờ Kênh Nga.

Một hôm, chàng tới cửa Thần Phù, trông ra ngoài biển thấy một lớp mây năm sắc kết thành đóa hoa sen. Chàng ngồi thuyền đến nơi, gặp nhiều núi non kỳ dị. Từ Thức lo ngại bảo người chèo thuyền:

“Ta đã đi khắp miền đông nam, biết rõ cả vùng này, nhưng chưa bao giờ nghe nói đến những núi non kỳ tú kia. Có lẽ đây là non Tiên đưa đến, hay núi Thần dời lại, không thì làm sao ta chẳng hề thấy bao giờ”?

Rồi sai buộc thuyền, lên bờ. Đi được vài bước thấy sừng sững trước mặt một sườn đá cao nghìn trượng, Từ Thức thở ra: “Không có cánh làm sao mà vượt qua được”? Rồi chàng lấy bút viết lên thành đá một bài thơ.

Từ Thức gặp tiên là truyện truyền thuyết kể lại mối lương duyên giữa người trần với tiên nữ, và nguồn gốc sự tích động Từ Thức ở Thanh Hóa ngày nay.

Từ Thức gặp tiên là truyện truyền thuyết kể lại mối lương duyên giữa người trần với tiên nữ, và nguồn gốc sự tích động Từ Thức ở Thanh Hóa ngày nay.

Đang lúc mải mê ngắm cảnh, chàng bỗng thấy sườn đá mở ra một cửa hang động rộng chừng một trượng. Chàng vén áo lần vào. Vừa đi được vài bước thì cửa hang tự khép lại, chàng chìm trong bóng tối không còn biết đâu lối ra.

Chàng liều chết sờ theo lớp rêu trên đá mà đi, theo một lối quanh co, được một quãng thì đường hầm dần dần mở rộng. Ra khỏi bóng tối, mắt chàng chói ngợp vì ánh sáng rực rỡ, sửng sốt vì mây muôn màu sắc bao phủ các đền đài dát bằng châu ngọc giữa cảnh vườn đầy hoa quý lạ, hương thơm khác thường.

Từ Thức còn đang ngây ngất, tưởng mình đang mơ, thì bỗng vẳng có tiếng cười trong trẻo ở sau lưng, chàng ngoảnh lại thấy hai cô gái áo xanh đang khúc khích bảo nhau:

“Kìa, chú rể mới nhà ta đã đến”!

Rồi hai nàng bỏ đi. Một lát sau trở ra bảo: “Phu nhân chúng tôi cho mời chàng vào”. Từ Thức theo. Đi qua một quãng sân, hai bên tường thêu dệt gấm hoa, đến một lớp cửa son, chàng thấy treo ở trên lầu cao hai bức hoành phi chữ vàng: “Quỳnh Hư chi điện và Giao Quang chi các”.

Trong cung điện, một bà tiên mặc áo trắng đang ngồi trên giường thất bảo. Bà tiên mời Từ Thức ngồi lên ghế bên cạnh rồi bảo:

“Chàng vốn say mê cảnh lạ, bấy lâu đã thỏa chí bình sinh ngao du đó đây, chàng có biết nơi này là đâu không”?

Từ Thức đáp:

“Tôi là một thư sinh sống ẩn dật ở huyện Tống Sơn, ngao du với một chiếc thuyền con ở giữa trời biển. Tôi không được biết là chốn này có lầu hồng, điện biếc. Lòng tôi đây còn nhiễm đầy trần tục, không hiểu biết được đây là chốn nào, xin phu nhân vui lòng dạy cho kẻ thư sinh được thấu rõ”.

Bà tiên nói:

“Phải, chàng làm sao mà biết được chốn này. Đây là hang thứ sáu trong ba mươi sáu động Phù Lai. Nơi này biển bao bọc chung quanh, lơ lửng không chạm đất, cũng như núi La Phù theo chiều gió mưa mà tan hợp, như núi Bồng Lai mọc trên ngọn sóng. Ta đây là Ngụy phu nhân, tiên chủ núi Nam Nhạc. Vì thấy chàng có đức nên mới cho mời đến”!

Nói rồi bà tiên đưa mắt ra lệnh cho các tiên nữ đứng hầu. Một nàng áo xanh đưa từ trong ra một tiên nữ trẻ tuổi. Từ Thức liếc nhìn thì nhận ra người đã làm gãy cành mẫu đơn trong Hội Thưởng Hoa. Bà tiên trỏ thiếu nữ mà nói với Từ Thức:

“Em nó là con gái ta, tên gọi Giáng Hương. Ngày trước nó gặp nạn trong Hội Thưởng Hoa, được chàng cứu thoát. Lòng em nó vẫn không quên. Ta muốn cho nó kết duyên với chàng để đền ơn đó”.

Rồi bà tiên ra lệnh cử hành hôn lễ ngay đêm hôm ấy, dưới ánh đèn mỡ phụng, trên chiếu thêu rồng. Hôm sau, chư tiên ở khắp nơi đến mừng đôi tân nhân. Kẻ mặc lụa từ phương bắc cởi rồng xanh đến, kẻ mặc tơ từ phương nam cởi ly vàng đến, kẻ ngồi xe ngọc, kẻ đi xe mây… Các tiên tụ họp trên gác điện Giao Quang rèm ngọc, sáo vàng.

Khi Kim Tiên đến, tất cả chư tiên đều xuống điện rước lên ngồi ở trên ngai pha lê bày chính giữa. Chư tiên vừa ngồi xuống, tiếng nhạc trời văng vẳng trỗi lên. Đủ các thứ rượu quý đượm hương ngào ngạt rót dâng ra.

Tiên nương mặc áo lụa nói:

“Chúng ta dạo chơi trong vùng này đã gần tám mươi ngàn năm, biển phía nam đã ba lần biến đổi. Giờ đây chú rể không sợ thay đổi đời sống, từ xa đến đây để lấy vợ. Tôi nghĩ là chú rể sẽ không hối tiếc đời cũ và sẽ không còn nói là trên đời này không có Tiên”!

Kim Đồng, Ngọc Nữ sắp thành nhiều hàng dài bắt đầu múa. Ngụy phu nhân chủ động đứng ra mời tiệc. Giáng Hương rót rượu đưa đến tay chư tiên.

Nàng tiên trẻ tuổi mặc tơ cười nói:

“Cô dâu chúng ta hôm nay thịt da như mỡ đọng, không còn gầy như trước nữa. Người ta thường nói là con gái thượng giới không có chồng. Tôi không còn có thể tin như vậy nữa”!

Ngụy phu nhân nói:

“Tôi nghe nói người ta có thể gặp Tiên song khó mà tìm đến. Những cuộc gặp gỡ hiếm có, nhiệm mầu, thời nào cũng thấy: tỉ như vết tích đền Bạc Hậu, núi Cao Đường, dấu chân ở Lạc Phố, đồi ngọc Giang Phi, nàng Lộc Ngọc lấy Tiên Sử, Vân Tiêu gặp Thái Loan, Lan Hương và Trương Thạc. Nếu ta chế giễu cuộc hôn nhân này, thì những việc trước kia cũng hóa ra đáng cười lắm ru!”.

Tất cả chư tiên đều cười, trừ ra nàng tiên áo lụa nói bằng một giọng kém vui:

“Cô dâu trẻ chúng ta đã thành thân tốt đẹp rồi. Nhưng khi tin kẻ tiên kết hôn với người tục xuống đến trần, trên Thiên Đình sẽ không khỏi có kẻ mỉa mai chúng ta. Chư tiên thượng giới phải gánh chịu lấy thành quả này. Tôi e rằng chúng ta không tránh khỏi tiếng tăm đó”!

Kim Tiên liền nói:

“Tôi ở Thiên Đình, chưa bao giờ đặt chân xuống ở bể trần, thế mà có kẻ xấu miệng đã nói rằng thiên tiên dâng rượu cho vua Chu, chim xanh đem tin đến cho vua Hán. Chính chúng tôi cũng phải chịu lấy những lời lẽ phạm thượng của người đời. Thế làm sao chư tiên tránh khỏi được lời vu khống kia? Tân lang đang ở đây, chúng ta không nên tranh luận với nhau điều ấy để làm buồn lòng chàng làm gì”.

Chư tiên lại cười lên vui vẻ. Đến khi mặt trời ngả về tây, các tiên mới chia tay ra về. Còn lại một mình, Từ Thức cười bảo Giáng Hương:

“Ở thượng giới, tình yêu cũng đưa đến việc lứa đôi. Cho nên Chức Nữ mới lấy Ngưu Lang, Thượng Nguyên theo Phong Trác ở dưới trần, Tăng Nhu viết ra thiên Chu Tần, Quần Ngọc làm bài thơ Hoàng Lãng. Hoàn cảnh tuy mỗi nơi có khác, song tình yêu ở đâu cũng giống nhau. Từ ngàn đời nay, bao giờ cũng thế. Bây giờ tất cả chư tiên đi rồi, sao không khí chung quanh đôi ta lại lạnh lẽo, buồn bã thế này. Có phải vì tình yêu không phát sinh ra ở lòng em, hay là em cố cầm giữ lại?”

Giáng Hương buồn rầu đáp:

“Các chị đều đã đắc đạo, có tên ở Hoàng Điện, thường lui tới Hồng Môn, sống ở chốn thanh khiết, vui chơi trong cõi cực tịnh, lòng không vương vấn dục tình. Còn em đây chưa sạch khỏi thất tình. Dấu vết còn ở nơi Thúy Điện, vấn vương duyên nợ trần ai. Thân em tuy ở điện ngọc nhưng lòng em còn dính bụi trần. Đừng đem em mà so sánh với các chư tiên khác!”

Từ Thức nói:

“Nếu thế thì em cũng không xa cách anh lắm”!

Cả hai đều phá lên cười.

Ngày tháng kế tiếp nhau trong khoái lạc thần tiên.

Một sáng, Từ Thức thấy hoa sen nở, hồ ngọc đã thay đổi màu xanh, thấm thoát thế mà đã qua một năm rồi.

Những đêm gió thổi lạnh lùng, những sáng sương sa nặng hạt, những tối trăng rọi qua song, có khi Từ Thức không làm sao nhắm được mắt. Một nỗi buồn tràn ngập tâm hồn, thức tỉnh chàng dậy.

Một hôm, trông ra xa thấy một con thuyền, chàng trỏ tay bảo Giáng Hương:

“Anh từ miền xa xôi kia tới đây, chân trời mờ mịt, sóng biển muôn trùng, không biết rõ nhà anh ở nơi nào!”

Một lát chàng lại nói:

“Khi đi, anh còn có mẹ, bạn bè ở dưới kia. Lòng trần chưa rũ sạch, anh muốn nhìn lại quê hương. Em hãy hiểu cho lòng anh, để cho anh trở về thăm nhà ít lâu. Không biết em nghĩ sao?”

Giáng Hương buồn bã không thốt nên lời. Từ Thức nói tiếp:

“Để cho anh đi dăm hôm, một tháng gặp lại các bạn, xếp đặt công việc nhà, rồi anh sẽ trở lại sống bên em mãi mãi cho đến già ở chốn Bạch Vân”.

Giáng Hương khóc nói:

“Em không muốn lấy tình vợ chồng để ngăn anh đừng trở lại quê nhà. Em chỉ sợ rằng đời sống thế gian quá nhỏ hẹp, ánh sáng mặt trời quá vắn vỏi, anh sẽ không còn tìm thấy sân vườn xưa trong cảnh cũ nữa đâu!”

Nàng báo tin cho mẹ hay, Ngụy phu nhân thở dài bảo:

“Ta không ngờ con người ấy lại còn vương vấn tục lụy đến thế!”

Rồi cho sắm sửa một chiếc xe mây để đưa Từ Thức đi. Giáng Hương trao cho chồng một phong thư viết trên giấy lụa, dặn dò:

“Sau này khi xem đến bức thư, anh hãy nhớ đến em”!

Rồi hai người gạt nước mắt chia tay. Trong nháy mắt Từ Thức đã đặt chân xuống mặt đất.

Nhưng tất cả đều đã hoàn toàn đổi thay. Nhà cửa, người làng không còn là những người quen cũ nữa. Chỉ có các tảng đá bên bờ suối vẫn phủ rêu xanh như xưa.

Hỏi đến những người già cả trong làng xem có biết người tên Từ Thức không, mọi người đều nói:

“Hồi chúng tôi còn bé, có nghe nói là ông cố ba đời chúng tôi mang tên đó. Ông ấy đi lạc vào núi đã tám chục năm nay. Từ đó đến nay chúng tôi đã trải qua ba đời vua”.

Từ Thức cảm thấy lòng buồn thấm thía, muốn trở lại thượng giới, song chiếc xe mây đã biến thành chim loan bay mất về trời. Chàng mở phong thư ra đọc: “Trong mây kết duyên loan phụng, mối tình đôi ta đã dứt! Làm sao tìm lại non Tiên trên biển cả? Chúng ta khó gặp được nhau lần nữa”, mới biết là Giáng Hương đã gửif cỡi ly chàng những lời vĩnh biệt.

Sau đó, Từ Thức khoác áo lông, đội nón nhẹ, một mình đi vào núi Hoành Sơn, không thấy trở về nữa .

Ba cô tiên

Ngày xửa ngày xưa, có một chú bé mặc dầu tuổi đã lên sáu nhưng chú vẫn bé tí ti, chú chỉ bé vỏn vẹn bằng ngón tay cái của mọi người. Chính vì vậy ai cũng gọi chú bé là chú bé tí hon.

Nhà chú bé tí hon rất nghèo, bố mẹ chú phải đi làm thuê làm mướn cho nhà địa chủ, họ phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt mà vẫn không có tiền để có một cuộc sống no đủ. Tí Hon nhìn thấy bố mẹ vất cả nên chú rất thương, chỉ muốn đi làm kiếm tiền để phụ giúp bố mẹ.

Một hôm, Tí Hon nói với bố mẹ rằng chú muốn đi chăn trâu để phụ giúp bố mẹ. Bố mẹ tí hon thì thấy chú còn quá nhỏ, trong khi đó đàn trâu con nào cũng to lớn hơn chú gấp nhiều lần nên bố mẹ tí hon không cho chú đi chăn. Nhưng với sự năn nỉ kiên trì của Tí Hon thì bố mẹ chú cũng đành bằng lòng cho chú đi chăn thử.

Tí hon mặc dù nhỏ bé nhưng chăn trâu rất giỏi, chú không để con trâu nào ăn hại lúa ngô của bà con trong vùng, con nào con nấy cũng ăn no căng cả bụng. Cả làng ai nấy cũng đều khen Tí Hon. Nhà địa chủ cũng rất ưng Tí Hon chăn trâu.

Một hôm, cánh đồng làng không còn cỏ, Tí Hon phải dắt trâu lên trên núi để cho trâu ăn cỏ. Đang chăn trâu thì Tí Hon thấy có một bông hoa hồng to bằng chiếc nón nở trên cành cây. Tí Hon dắt trâu tới gần cây đó rồi cậu leo lên tai trâu rồi khẽ chuyển sang cành cây vào leo vào giữa bông hoa.

Vào bông hoa tí hon thấy rất ngạc nhiên và thích thú vì bên trong bông hoa có ba cô tiên người cũng bé tí hon như cậu, một cô áo xanh, một cô áo vàng còn cô còn lại thì mặc áo đỏ. Ba cô tiên thấy tí hon thì vui mừng hỏi han rồi đem bánh kẹo ngon cho Tí Hon ăn. Tí Hon chưa ăn ngay mà lại bỏ số bánh kẹo các cô cho vào túi, thấy lạ nên ba cô tiên hỏi:

- Kẹo chúng tôi cho, sao Tí Hon không ăn ?

Tí hon đáp:

-Tôi không ăn, tôi mang về cho bố mẹ tôi ăn, nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ tôi thì vất vả, tôi thương bố mẹ tôi lắm.

Ba cô tiên cùng nói:

-Tí Hon cứ ăn đi, chúng tôi còn nhiều kẹo bánh mà. Ăn xong chúng tôi sẽ giúp Tí Hon .

Câu chuyện khuyên chúng ta phải sống hiếu thảo, nuôi dưỡng cha mẹ. Hiếu thảo chính là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người, tuyệt đối không được bỏ rơi cha mẹ. (Nguồn ảnh: Truyendangian.com)

Một lát sau, đợi trâu ăn no cỏ. Tí Hon và ba cô tiên nhỏ bé leo lên ngồi trên sừng trâu và cùng đàn trâu đi về làng. Về đến nhà Tí Hon, ba cô tiên thấy đúng như Tí Hon kể, nhà của cậu rất nghèo, gian nhà thì đổ nát hoang sơ, ba cô tiên bảo Tí Hon đi tìm bố mẹ của chú về.

Ba cô tiên cầm bút thần vẽ một đám ruộng to, trên ruộng là những bông lúa nở chín vàng ươm như màu nắng, cô tiên áo xanh thì vẽ rất nhiều quần áo thật đẹp. Vừa vẽ xong thì tất cả ruộng, lúa và quần áo đều biến thành thật.

Vừa lúc ấy Tí Hon và bố mẹ về đến nơi.

-Ồ, nhà đẹp thế ? Ruộng của ai tốt thế ? Áo quần ai nhiều thế ?

Ba cô Tiên ở trong nhà bước ra chào bố mẹ Tí Hon và nói :

-Chúng cháu làm giúp hai bác và Tí Hon đấy. Từ nay hai bác không nghèo nữa. Có ruộng cày, có nhà ở, có quần áo mặc. Rồi cô Tiên áo xanh lại cho Tí Hon một chiếc áo, mặc áo vào là lớn bỗng lên.

Bố mẹ Tí Hon mừng quá, quay lại định cám ơn thì ba cô Tiên đã biến thành ba con bồ câu trắng bay vù lên mây. Từ đấy, không ai trông thấy ba cô Tiên đâu nữa. Còn Tí Hon lúc này rất to lớn, khoẻ mạnh làm việc rất chăm chỉ, khéo léo chẳng kém gì ba cô Tiên hoa hồng.

Cây bút thần

Người ta kể lại rằng, xưa có một em bé rất thông minh tên là Mã Lương. Em thích học vẽ từ nhỏ. Cha mẹ em đều mất sớm. Em chặt củi, cắt cỏ, kiếm ăn qua ngày, nhưng vẫn nghèo đến nỗi không có tiền mua bút.

Một hôm đi qua cổng nhà trường, Mã Lương trông thấy thầy giáo đang vẽ, nét bút đưa ngang đưa dọc rất thích mắt, em bèn đến gần nơi:

- Tôi rất muốn học vẽ, thầy có thể cho tôi mượn một cây bút không?

Thầy giáo trừng mắt, mắng em:

- Một thằng bé con nghèo xác nghèo xơ mà lại muốn học vẽ à! Mày điên đấy phải không?

Thế rồi lão đuổi em ra khỏi trường.

Mã Lương tủi bực, em nghĩ thầm:

- Tại sao con nhà nghèo lại không học được vẽ?

Từ đó, em dốc lòng học vẽ, hằng ngày chăm chỉ luyện tập. Khi kiếm củi trên núi, em lấy que củi vạch xuống đất, vẽ những con chim đang bay trên đỉnh đầu. Lúc cắt cỏ ven sông, em nhúng tay xuống nước rồi vẽ tôm cá trên đá. Khi về nhà, em vẽ các đồ đạc trong nhà lên tường, bốn bức tường dày đặc các hình vẽ.

Năm tháng trôi qua, Mã Lương không ngừng học vẽ, không bỏ phí một ngày nào và em đã tiến bộ rất mau. Em vẽ chim, cá giống như hệt, người ta tưởng như sắp được nghe chim hót, được trông thấy cá bơi lội. Thế nhưng em vẫn chưa có cây bút vẽ. Em chỉ mong sao có được một chiếc.

Một đêm em nằm ngủ rất say. Trong giấc ngủ, chợt em nhìn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ hiện ra trước mặt, đưa cho em một cây bút và nói:

- Đây là cây bút thần, nó sẽ giúp con rất nhiều.

Mã Lương nhìn cây bút bằng vàng sáng lấp lánh, em sung sướng reo lên:

- Cây bút đẹp biết chừng nào! Cháu xin cảm ơn ông! Cảm ơn ông!…

Em chưa nói dứt lời, cụ già đã biến mất. Mã Lương giật mình tỉnh dậy mới biết là mình nằm mơ. Nhưng không, cây bút thần vẫn nằm trong tay em, em rất lấy làm lạ.

Mã Lương lấy bút ra vẽ một con chim. Chim tung cánh bay lên trời, cất tiếng hót líu lo. Em vẽ tiếp một con cá. Cá vẫy đuôi trườn xuống sông, bơi lượn trước mắt em. Mã Lương thích thú vô cùng.

Với cây bút thần, Mã Lương đã vẽ cho tất cả người nghèo trong làng. Nhà nào không có cày, em vẽ cho cày. Nhà nào không có cuốc, em vẽ cho cuốc. Nhà nào không có đèn, em vẽ cho đèn. Nhà nào không có thùng múc nước, em vẽ cho thùng,…

Việc đó ai cũng biết. Rồi câu chuyện cây bút thần lọt tới tai một tên địa chủ giàu có trong làng. Hắn liền sai hai tên đầy tớ đến bắt Mã Lương về nhà vẽ theo ý muốn của hắn. Mã Lương tuy còn nhỏ nhưng tính tình khảng khái. Em biết bụng dạ tham lam của bọn nhà giàu, nên không vẽ bất cứ một thứ gì, mặc cho chúng hết lời dụ dỗ, doạ nạt. Tên địa chủ tức giận, nhốt em vào chuồng ngựa, không cho ăn uống gì.

Ba hôm sau, giữa đêm tuyết xuống nhiều, nhìn ra sân thấy tuyết phủ trắng xoá, tên địa chủ nghĩ thầm: “Tên Mã Lương không chết đói thì cũng chết rét, ta hãy đi coi xem!”.

Gần đến chuồng ngựa, hắn thấy những tia sáng hồng lọt qua khe cửa, một mùi thơm ngào ngạt bốc ra. Hắn ghé mắt nhòm qua khe cửa thì thấy Mã Lương ngồi bên một lò lửa rực hồng đang ăn bánh nướng. Tên địa chủ kinh ngạc: Lò lửa ở đâu ra? Bánh ở đâu ra? Hắn nghĩ ngay rằng tất cả những thứ đó đều nhờ bút thần mà có. Tức quá hắn sai bọn đầy tớ đến giết Mã Lương, cướp lấy cây bút thần.

Cây bút thần là truyện cổ tích Trung Quốc, thể hiện quan niệm của người xưa về công lý xã hội, mục đích nghệ thuật và những khả năng kỳ diệu của con người.

Mười mấy tên đầy tớ hung hăng xông vào chuồng ngựa, nhưng Mã Lương không còn ở đấy nữa. Em đã vượt qua tường bằng một chiếc thang vẽ trên tường. Chiếc thang hãy còn đó. Tên địa chủ leo lên thang nhưng chưa trèo qua ba bậc đã ngã lộn xuống đất. Chiếc thang biến mất.

Thoát khỏi nhà địa chủ, Mã Lương vẽ con ngựa, rồi cưỡi lên phi nhanh.

Đi chưa được bao xa, chợt có tiếng huyên náo sau lưng, Mã Lương quay lại nhìn. Trong ánh đuốc sáng rực, Mã Lương nhìn thấy tên địa chủ cưỡi trên lưng một con tuấn mã, tay vung dao sáng loáng, dẫn khoảng hai chục tên đầy tớ đang đuổi theo.

Khi bọn chúng đã đến gần, Mã Lương lặng lẽ rút cây bút thần vẽ chiếc cung và mũi tên. Em giương cung. “Vút”, mũi tên lao đúng họng tên địa chủ, hắn ngã nhào xuống đất. Mã Lương ra roi thúc ngựa, ngựa tung vó phóng như bay.

Ngựa phi suốt mấy ngày đêm ròng rã không nghỉ. Sau cùng, Mã Lương dừng chân ở một thị trấn nhỏ. Không có việc làm, Mã Lương đành vẽ tranh đem bán ở phố. Sợ lộ nên em vẽ các bức tranh đều dở dang: chim thì thiếu cái mỏ hoặc thiếu một chân,…

Một hôm, Mã Lương vẽ con cò trắng không mắt. Vì một chút sơ ý, em đánh rơi một giọt mực xuống bức tranh. Giọt mực rơi đúng chỗ mắt cò. Thế là cò mở mắt, xoè cánh bay đi. Chuyện làm chấn động cả thị trấn. Mấy kẻ mách lẻo đến tố giác với nhà vua. Vua phái triều thần đến đón Mã Lương về kinh đô. Mã Lương không muốn đi, nhưng bọn họ tìm đủ cách để dụ dỗ, doạ nạt để bắt em về hoàng cung.

Mã Lương được nghe rất nhiều điều tàn ác của nhà vua đối với dân nghèo, nên em rất căm ghét vua, không muốn vẽ. Vua bắt em vẽ một con rồng, em liền vẽ một con cóc ghẻ. Vua bắt vẽ con phượng, em lại vẽ con gà trụi lông. Hai con vật ấy vừa xấu xí vừa bẩn thỉu, nhảy nhót tứ tung bên cạnh nhà vua, ỉa đái đầy sàn nhà. Một mùi hôi thối bốc lên khắp cả cung điện. Nhà vua tức giận, cho quân lính đến cướp cây bút thần trong tay Mã Lương rồi nhốt em vào ngục.

Lấy được bút thần, vua đem ra vẽ. Một núi vàng không thoả mãn lòng tham, hắn liền vẽ thêm hết núi này đến núi khác, không biết bao nhiêu mà kể. Vẽ xong, vua xem lại không phải là những núi vàng mà chỉ là những tảng đá lớn. Những tảng đá nặng đó từ trên đỉnh núi lăn xuống, suýt đè gãy chân vua.

Nhưng hắn đâu chịu bỏ lòng tham. Vẽ núi vàng không được thì vẽ thỏi vàng. Vua vẽ một thỏi vàng, thấy còn nhỏ quá, lại vẽ một thỏi thứ hai lớn hơn. Vẫn thấy còn nhỏ, hắn vẽ một thỏi lớn, rất dài, dài không biết bao nhiêu thước.

Vẽ xong, vua nhìn lại thì thấy trước mắt không phải là một thỏi vàng lớn mà lại là một con mãng xà [6] dài, miệng há hốc, đỏ lòm, đang bổ lại phía hắn. May có triều thần xô tới cứu, nếu không, mãng xà đã nuốt chửng hắn.

Biết không có Mã Lương thì không làm được trò trống gì, vua phải thả em ra, dùng vàng bạc dỗ dành và hứa gả công chúa cho.

Mã Lương giả vờ đồng ý. Vua rất mừng, liền đem trả bút thần cho em.

Vua nghĩ: “Nếu bảo nó vẽ núi, sợ rằng trên núi có nhiều thú dữ, chi bằng bảo nó vẽ biển là hơn cả”. Nghĩ vậy, vua bảo Mã Lương vẽ biển.

Hai nét bút đưa đi, biển cả đã hiện ra trước mặt. Biển rộng mênh mông, xanh biếc, không một gợn sóng, trong suốt như mặt gương soi.

Nhà vua ngắm nhìn mặt biển, rồi nói:

- Biển này sao không có cá nhỉ?

Mã Lương chấm vài chấm, biển liền hiện ra bao nhiêu là cá, đủ các màu sắc, uốn đuôi mềm mại bơi lội tung tăng. Đàn cá bơi xa dần, xa dần. Vua rất thích, vội bảo Mã Lương:

- Hãy vẽ ngay cho ta một chiếc thuyền! Ta muốn ra khơi xem cá.

Mã Lương liền vẽ ngay một chiếc thuyền buồm lớn. Vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và các quan đại thần đều kéo nhau xuống thuyền. Mã Lương đưa thêm vài nét bút, gió thổi lên nhè nhẹ, mặt biển nổi sóng lăn tăn, thuyền từ từ ra khơi.

Thấy thuyền còn đi quá chậm, vua đứng trên mũi thuyền, kêu lớn:

- Cho gió to thêm một tí! Cho gió to thêm một tí!

Mã Lương đưa thêm mấy nét bút đậm, sóng biển liền nổi lên, buồm căng phồng, chiếc thuyền lao khỏi bờ nhanh vun vút.

Mã Lương lại tô thêm nhiều nét bút nữa, gió mạnh nổi lên, biển động, thuyền lắc lư nghiêng ngả.

Vua cuống quýt kêu lên:

- Đừng cho gió thổi nữa! Đừng cho gió thổi nữa!

Mã Lương không hề đếm xỉa đến những lời đó. Cây bút của em tiếp tục vẽ những đường cong lớn. Biển động dữ dội, sóng biển xô vào thuyền hết đợt này đến đợt khác.

Vua ướt hết cả quần áo, một tay ôm cột buồm, một tay ra hiệu, gào to bảo Mã Lương thôi không vẽ nữa.

Mã Lương vờ như không nghe thấy, cứ tiếp tục vẽ. Gió bão càng to, mây đen kéo mù mịt, trời tối sầm. Sóng lớn nổi lên dữ dội như những trái núi đổ sập xuống thuyền. Chiếc thuyền ngả nghiêng rồi bị chôn vùi trong những lớp sóng hung dữ.

Sau khi vua chết, những việc làm cao cả của Mã Lương với cây bút thần được truyền tụng khắp nước. Nhưng không ai biết sau đó Mã Lương đã đi đâu.

Có người nói Mã Lương đã trở về quê cũ, sống với những người bạn ruộng đồng.

Có người nói Mã Lương đi khắp đó đây, đem hết thời giờ và sức lực để vẽ cho những người nghèo khổ.

Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích thần kỳ

Một số câu chuyện cổ tích cho thấy thế giới tràn ngập sự bình yên, ai trong chúng ta cũng đã từng một lần mong muốn được gặp những ông bụt, bà tiên, đắm mình trong thế giới thần kỳ đó để quên đi những khó khăn của thực tại.

Thế giới cổ tích là thế giới của sự thần kỳ, đồng thời khẳng định cái đẹp, cái thiện luôn chiến thắng cái xấu.

Truyện cổ tích thế giới thần kỳ còn mang đến nhiều bài học nhân văn, đề cao những đức tính tốt đẹp của con người trong cuộc sống.

Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/truyen-co-tich-than-ky-a62870.html