Thảo dược trong Sách đỏ Việt Nam từ năm 2007
Tại “Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu Quốc tế TP.HCM năm 2024” lần đầu tiên tổ chức ở TP.HCM vừa qua, loại thảo quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam - Lan kim tuyến (hay còn gọi là Lan gấm, cỏ nhung, cây kim cương, giải thùy tơ) đã xuất hiện. Trong khu vực trưng bày TP.HCM tại lễ hội, gian hàng của Công ty Tân Khai thu hút sự tò mò của khách tham quan khi giới thiệu loại thảo dược quý hiếm Lan kim tuyến ở dạng cây tươi và sản phẩm ngâm rượu. Lan kim tuyến cũng được đơn vị này đem ra làm món giò heo hầm Lan kim tuyến tại cuộc thi giao lưu quốc tế “Món ngon có nguyên liệu từ sâm và hương liệu, dược liệu” tại lễ hội.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, ông Ngô Minh Luận - Tổng Giám đốc Công ty Tân Khai chia sẻ lý do vì sao Lan Kim Tuyến (cây thảo dược rất quý, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, xếp hạng EN A1a,c,d và bị cấm khai thác sử dụng mục đích thương mại) hiện diện tại lễ hội. Ông Ngô Văn Luận cho biết, đơn vị đã ký kết với Viện Sinh học Nhiệt Đới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và được độc quyền chuyển giao ứng dụng đưa cây Lan kim tuyến ra thị trường, phục vụ cộng đồng.
“Chúng tôi đã hợp tác với Viện Sinh học Nhiệt Đới tại TP. Thủ Đức triển khai và ứng dụng kết quả nghiên cứu ‘Quy trình sản xuất sinh khối cây Lan gấm (Anoectochilus formosanus) sử dụng hợp chất hữu cơ bằng kỹ thuật bioreactor’ để phát triển đại trà (nhân giống, nuôi trồng trong môi trường nhà kính và tại các trang trại chuyên canh) nhằm phổ biến cây thảo dược quý này đến rộng rãi công chúng. Từ đó, giúp người tiêu dùng giảm gánh nặng về bệnh tật với chi phí thấp và chất lượng tương đương từ cây Lan kim tuyến này. Đồng thời, cây được nhân giống vô tính và nuôi trồng đại trà sẽ làm giảm sự khan hiếm, giảm giá thành, và từ đó cũng giảm việc săn lùng tận diệt cây Lan kim tuyến trong tự nhiên”, ông Luận nói.
Minh chứng, ông Luận cũng đưa ra Giấy chứng nhận “Đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước”, số đăng ký 2019-665 (chủ nhiệm nhiệm vụ là TS. Đỗ Đăng Giáp, Giám đốc Trung tâm Triển khai Ứng dụng, Viện Sinh học Nhiệt Đới) được Trung tâm Thông tin và thống kê Khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp. Theo đó, nghiệm thu chính thức kết quả thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng quy trình sản xuất sinh khối cây lan gấm (Anoectochilus formosanus) sử dụng hợp chất hữu cơ bằng kỹ thuật bioreactor”. Ông Luận cho biết thêm, Lan Kim tuyến chưa được đơn vị đưa ra bán đại trà bởi sản lượng nuôi trồng hiện chưa nhiều.
Vì sao Lan kim tuyến là thảo dược quý hiếm?
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khoa học phổ thông, TS. Đỗ Đăng Giáp, Giám đốc Trung tâm Triển khai Ứng dụng, Viện Sinh học Nhiệt Đới cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng quy trình sản xuất sinh khối cây lan gấm (Anoectochilus formosanus) sử dụng hợp chất hữu cơ bằng kỹ thuật bioreactor”, nhóm chúng tôi đã nghiên cứu trong 3 năm (từ năm 2006 đến 2008) mới xong và được nghiệm thu đề tài thành công.
Lan Kim tuyến là cây dược liệu quý và lâu năm; phân bố rộng khắp vùng nhiệt đới từ Ấn Độ qua dãy Himalaya, Sri Lanka, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, quần đảo Nam Thái Bình Dương, Đông Nam Á cho đến quần đảo Hawaii. Tại Việt Nam, theo thống kê, hiện có khoảng 15 loài Lan Kim tuyến, trong đó thường gặp nhất, có giá trị dược liệu và giá trị thương mại cao nhất là hai loài Anoectochilus formosanus và Anoectochilus Roxburghii. Lan kim tuyến phân bố rộng nhưng số lượng cá thể ngoài tự nhiên không nhiều do khả năng tái sinh chậm, đòi hỏi điều kiện sống khắt khe.
Cây Lan kim tuyến có giá trị kinh tế cao vì chứa rất nhiều hoạt chất quan trọng đối với sức khoẻ con người nên bị khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Do đó, tại Nghị định số 32/2006/CP, Lan kim tuyến đã được đưa vào danh mục các loài nguy cấp thuộc nhóm IA, nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại và được xếp vào nhóm thực vật rừng đang nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam 2007.
TS. Đỗ Đăng Giáp cho hay, Lan kim tuyến có các nhóm hoạt chất quan trọng như: Kinsenosid, Flavonoid (quercetin, kaempferol, isorhamnetin), Glycolyside, Polysaccharide và các hợp chất thứ cấp đa dạng khác như: alkaloid, glycoside flavonoid, beta-D-glucopyranosyl, beta-sitosterol, succinic acid, stearic acid, palmitic acid, ginsenoside…. Các hoạt chất này có khả năng kháng viêm, điều trị các bệnh về gan, bệnh ung thư, tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt là nhóm flavonoid chứa hoạt chất Isorhamnetin có tác dụng điều trị các khối u ác tính (Ung thư).
Tại Mỹ, có Bằng sáng chế US 7033617 B2 về việc "Sử dụng các chất chiết xuất thực vật Chi Lan kim tuyến như là các loại thuốc thảo dược bổ sung dinh dưỡng cho phòng ngừa tác hại hóa chất hoặc điều trị các khối u ác tính của con người"; hay như Bằng sáng chế US 9072770 B2 đã khẳng định "các hoạt chất trong cây Lan kim tuyến còn có tác dụng bảo vệ tế bào gan".
Sử dụng Lan kim tuyến làm gì?
Tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, Lan kim tuyến được sử dụng để điều trị các chứng đau ngực và đau bụng, bệnh tiểu đường và viêm thận, sốt, tăng huyết áp, liệt dương, rối loạn chức năng gan, lá lách và đau phế quản, điều trị rắn cắn. Tại Malaysia, Lan Kim tuyến còn được dùng để điều trị lao phổi.
Tại Trung Quốc, Lan kim tuyến được sử dụng rộng rãi và ưa chuộng vì tác dụng dược lý đa dạng để điều trị các bệnh: ho ra máu, tiểu đường, viêm thận, viêm bàng quang, nhược cơ, thấp khớp và viêm khớp dạng thấp, co giật do sốt và rắn cắn (National Compendium of Chinese Herbal Medicine Editorial Board, 1978; Chinese Herbalism Editorial Board, 1999; Jiangsu Institute of Botany, 1990). Ngoài ra nó còn được sử dụng cho trẻ em để điều trị các bệnh sốt và viêm nhiễm (Fujian Forestry Science Research Institute, 1960).
Tại Việt Nam, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến Lan kim tuyến đã được thực hiện như: “Xây dựng quy trình định lượng Isorhamnetin trong cao chiết từ cây Lan Kim tuyến bằng phương pháp Sắc ký lỏng hiệu năng cao” - Nguyễn Việt Cường và cộng sự; “Nghiên cứu hoạt tính làm lành vết thương và kháng viêm của cây Lan gấm” Nguyễn Thị Khoa và cộng sự; “Nghiên cứu xác định thành phần các hợp chất có hoạt tính sinh học của cây Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus) và cây Sâm đá (Curcuma singularis) để tạo ra các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân ung thư” - TS. Lê Thành Long - Viện Sinh học Nhiệt đới; Nhiệm vụ khoa học - công nghệ "Xây dựng Quy trình sản xuất sinh khối cây Lan Gấm (Anoectochilus formosanus) sử dụng hợp chất hữu cơ bằng kỹ thuật bioreactor", TS. Đỗ Đăng Giáp - Viện Sinh học Nhiệt Đới (Viện Hàn Lâm khoa học công nghệ Việt Nam) thực hiện.
Cây Lan kim tuyến được sử dụng khá dễ dàng, có thể dùng làm thực phẩm như rau, sinh tố, nước ép đóng chai hoặc làm cao chiết, hoặc kết hợp với một số thảo dược khác để hỗ trợ điều trị một số bệnh như: Ức chế tế bào ung thư; kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch; trị đường huyết cao, men gan cao, mỡ máu cao, huyết áp cao; tăng cường sức khoẻ, làm khí huyết lưu thông; kháng khuẩn, chữa viêm phế quản, viêm gan mãn tính, suy thận; điều trị thần kinh suy nhược; trị ho khan, đau họng; chữa đau lưng, phong thấp; tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt; giúp bổ máu, giải nhiệt, dưỡng âm; chủ trì chữa bệnh phổi, di tinh, xuất tinh sớm, yếu tỳ và các vết thương do rắn cắn; giải trừ u uất, thông trung khí, bồi dưỡng sức khoẻ, chủ trị lục phủ ngũ tạng, đẩy lùi tâm hoả, thổ huyết, ho hen, đau ngực, đau lá lách, đau cuống họng; trẻ con chậm lớn.
Ngoài ra, Lan kim tuyến cũng được sử dụng làm trà dùng cho người hay mệt mỏi, suy nhược cơ thể; ngâm mật ong chữa ho; dùng làm các loại thức ăn/uống bổ dưỡng; hay ngâm rượu dùng tăng sức đề kháng, tăng cường sinh lực, có tác dụng điều trị yếu sinh lý, hiếm muộn; tăng cường chức năng gan/thận; giảm đường huyết; bổ máu, lưu thông khí huyết; trị mất ngủ, thần kinh suy nhược, cơ thể mệt mỏi, căng thẳng.
Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/lan-gam-kim-tuyen-a68483.html