Tòa nhà bên Hồ Gươm

Tòa nhà là nơi làm việc của bộ máy chính quyền Thành phố. Nơi diễn ra các cuộc họp Hội Đồng Nhân dân Thành phố. Nơi thực hiện công việc và các nghi thức đối ngoại của Thành phố. Nơi thường xuyên đón tiếp và giải quyết các yêu cầu của mọi tổ chức, cơ quan và nhân dân Thành phố vv… và vv…

Năm thiết kế và hoàn thành xây dựng: 1985 - 1987. Diện tích xây dựng: 5.520m2; Tổng diện tích sàn: 16.600m2.

Tòa nhà bên Hồ Gươm ảnh 1

Tòa nhà UBND TP Hà Nội 79 Đinh Tiên Hoàng

Công trình là một tổ hợp liên hoàn nhiều khối chức năng, mặt chính nhìn trực tiếp ra trung tâm Hồ Gươm, có chiều cao từ 3 đến 7 tầng. Kết cấu khung bê tông chịu lực, sàn lắp panen hộp. Mặt bằng nhà đối xứng, chính giữa là đại sảnh, phòng khánh tiết, các phòng tiếp khách, phòng họp và hội trường lớn. Xung quanh là các khối nhà làm việc chức năng.

Một điều hơi bị lạ là đến tận thời điểm này (tháng 7/2022) công trình UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa được xây dựng đầy đủ như hồ sơ đã thiết kế (!?).

Nghe đâu, vướng nhiều lý do!

Từ năm 1889 đến khoảng năm 1905, Pháp chiếm đất Hà Thành. Xây dựng Phủ Thống sứ, Tòa đốc lý, nhà máy nước, nhà máy điện, chợ Đồng Xuân, Phủ Toàn quyền, Viễn Đông Bác cổ, Nhà Hát lớn, nhà thương Phủ Doãn.

Bên Hồ Gươm yên ả thanh bình một ngôi chùa cổ kính được xây từ thời Hậu Lê. Đó là chùa Phổ Giác.

Chùa Phổ Giác được khởi dựng bên bờ hồ Hoàn Kiếm trong khoảng năm 1770-1774 (Phổ Giác tạm hiểu là phổ cập quảng bá rộng rãi cái sự giác ngộ). Sự mở mang xây cất của nhà nước bảo hộ đã khiến chùa Phổ Giác trở thành bình địa. Nền chùa trở thành mặt bằng cho Tòa Đốc lý thành Hà Nội đứng chân.

Tòa nhà bên Hồ Gươm ảnh 2 Tòa Thị Chính Hà Nội thời Pháp thuộc

Tổ chức của Tòa Đốc lý được quy định chính thức kể từ 1908, nghiêm ngắn chỉnh tề các phòng văn chức năng phục vụ cho việc điều hành quản trị thành Hà Nội cho đến mãi năm 1945. Sau thời gian đảo chính Pháp, người Nhật từng bước “trao trả nền độc lập” cho Việt Nam. Đến ngày 21/7, Bác sĩ Trần Văn Lai được cử làm Đốc lý, một chức vụ vốn được quy định chỉ dành riêng cho người Pháp, do Thống sứ Bắc Kỳ đề cử và do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm.

Chỉ non 3 tháng trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, ông Thị trưởng Trần Văn Lai đã để lại cho hậu thế Việt hai việc vô tiền khoáng hậu. Tất tật các văn bản hành chính đều dùng tiếng Việt. Sau nữa, hơn một trăm tên đường phố mang hơi hướng thực dân đã được đặt lại tên, được mang những tên mới là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa Việt mà hiện ta vẫn đương dùng! Rồi Bác sĩ Trần Văn Lai làm phó cho Bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội thời điểm sau 1954.

Tòa Đốc lý Hà Nội tọa lạc ở số 75, con phố trước mang tên F. Garnier (tên viên quan năm kiêm thày tu chết trận ở Cầu Giấy) sau được Thị trưởng Trần Văn Lai đổi lại là Đinh Tiên Hoàng. Giai đoạn thiết kế và hoàn thành xây dựng mới Trụ sở UBND Thành phố Hà Nội là dưới trào ông Chủ tịch Lê Ất Hợi. Hoặc có thể đã được rậm rạp bàn soạn từ trào ông Chủ tịch thành phố Trần Tấn?

Ông Lê Ất Hợi (19/11/1935 - 8/3/2011) kế nhiệm chức vụ Chủ tịch từ ông Trần Tấn. Ông Hợi quê ở Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang này có duyên hơi bị lâu với ngành xây dựng?

Năm 1965, ông Hợi là sinh viên Trường Đại học Xây dựng Mát-scơ-va (Liên Xô). Rồi là Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội. Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội các khóa 8, 9, 10. Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Ông mất năm 2011 tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.

Cũng cần nói thêm, sau thời điểm khánh thành tòa Trụ sở mới này, dư luận đã hơi bị thất vọng nhưng chả dám nói ra. Bởi từng là một kỹ sư chuyên ngành xây dựng như cụ Ất Hợi chẳng hạn đã không am tường cái lẽ xây cất cho hợp lý? Cùng nhẽ phong thủy cần phải tuân thủ? Để tận đến thời điểm này không dứt những xì xào phàn nàn rằng, hình dáng ngôi nhà này hao hao hình cái máy chém!

Dân mình có lẽ cũng mau quen lẫn mau quên? Năm tháng sôi động cùng lặng lẽ, người ta thấy tòa Trụ sở ngó nó cũng đường được? Như cái tòa nhà Hàm Cá Mập bên cạnh, một dạo công luận đã từng la ó. Rồi cũng qua, cũng quên và quen.

Cho đến thời gần đây. Những Thị trưởng Thành phố, các ông Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh theo nhau xộ khám. Rồi nhiệm kỳ ông Nguyễn Thế Thảo đã làm sai lệch ngả nghiêng quy hoạch đường Lê Văn Lương thì lại dấy lên những ầm ĩ rằng tòa Trụ sở đường Đinh Tiên Hoàng là nơi thử nghiệm các… Thị trưởng?!

***

Chuyện bây giờ mới nói.

Có lẽ người dám vuột thẳng ra những xì xào xầm xì ấy là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Chiều 23 Tết năm 1996, Thủ tướng rẽ vào Hội kiến trúc sư Thành phố Hà Nội chúc Tết. Ngày Tết rảnh rang, thày trò quan chức quần tụ vui vẻ thể nào mà có một chốc túm tụm ngắm cảnh. Chỉ sang Tòa Trụ sở UBND gần đó xây được mươi năm nay, ông Sáu Dân cười.

Này, mình nói ra cái điều lâu nay mọi người vẫn chưa dám nói ra, tòa nhà hơi có cái dáng giống cái máy chém không?

Đang vui vẻ, tất thảy bỗng ắng lặng. Mỗi người quay đi như theo đuổi cái ý nghĩ riêng mình.

Chủ nhà, kiến trúc sư trưởng, ông Nguyễn Lân bỗng nhiên cười nhẹ rồi bật thành lời…

Lời ấy thì có ai nghĩ ra nó là gì không nhỉ?

Chất giọng ông kiến trúc sư như bình thường để thốt ra lời hồn nhiên như này.

Dạ thưa anh Sáu, thì cái nhà Bưu điện nằm kề bên nom như cái quan tài…

Tất thảy lại bỗng lặng phắc. Chẳng có ai dám cười sau câu cố pha trò của ông kiến trúc sư trưởng!

Ông Sáu Dân cười nhẹ.

Mình đã nghe. Đã nghĩ đến cái này nhiều. Chúng mình sẽ bàn và cố gắng khắc phục…

Không khí trở lại vui vẻ.

Hình như sau cuộc ấy đã có những bàn soạn này khác. Giữa cấp này cấp khác…

Trong Quyết định 448 ra ngày 3/8/1996 (Số 448 BXD/KTQH) của Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch chi tiết Hồ Gươm và vùng phụ cận do ông Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc ký có một điểm nhấn về việc này.

Tôi xin biên trích ra đây.

Thành phố Hà Nội khẩn trương xem xét lại các công trình kiến trúc mới xây dựng, có ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, bố cục không gian như: nhà Bưu điện Trung ương, Trụ sở UBND thành phố, nhà số 1, 3, 5 Đinh Tiên Hoàng, Khách sạn Vàng v.v... để có biện pháp khắc phục phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố;

Chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng các công trình mới phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt.

Hơn hai tháng sau, ngày 24/10/1996, UBND TP Hà Nội đã có hẳn một quyết định mời năm đơn vị có uy tín chuyên môn tham gia lập phương án cải tạo kiến trúc công trình nói trên, gồm: Bộ Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Cty Kiến trúc ADC Hà Nội. Năm đơn vị có trách nhiệm hợp sức để xóa đi cái xấu của Trụ sở UBND thành phố (như công văn Bộ Xây dựng) nhắc!

Và đến thời điểm này?

Từ năm 1996. Kém một năm nữa là một phần tư thế kỷ vèo qua. Cái tòa nhà ấy vẫn y nguyên…

***

Có lẽ những nét chuế nghịch của Tòa nhà 79 Đinh Tiên Hoàng, quá khứ chưa kịp chỉnh sửa thì thời gian tới, hậu thế Hà thành với những thiết bị hiện đại sửa sang căn chỉnh thì mấy hồi?

Chợt nghĩ đến lời thủ thỉ của một Thiền sư Ấn Độ mà tôi quên tên.

Nếu con là một người có phúc, nơi con sống chính là nơi đất lành.

Nếu nơi con sống không phải là chốn đất lành thì con vẫn có thể biến nó thành nơi đất lành chim đậu.

Trong tất cả các phong thủy, phong thủy đầu tiên là con người, phong thủy đầu tiên của con người là trái tim, phong thủy dưỡng nhân, nhưng nhiều người không biết rằng nhân cũng dưỡng phong thủy.

Phong thủy tốt do mình tự tạo ra.

Cũng gẫm thêm câu đức năng thắng số. Và câu này nữa của cụ Nguyễn Du.

Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.

Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/toa-thi-chinh-ha-noi-a70059.html