Những quan viên địa phương có khí tiết cao siêu thường thi hành nền chính trị nhân từ, tạo phúc cho các quận huyện, khiến lòng người hướng thiện, thay đổi tập tục. Chúng ta có thể thấy những ghi chép cảm động như vậy trong lịch sử. Nhưng liệu các loài chim muông, thú dữ ở địa phương, chẳng hạn như hổ, có thể cảm nhận được nền chính trị nhân từ và đạo đức cao thượng của các vị quan viên đó hay không? Lưu Côn và Tống Quân thời Đông Hán đều đã lưu lại trong lịch sử kỳ tích “hổ vượt sông” - hổ tự động qua sông rời đi. Những kỳ tích này thực sự có tồn tại!
Lưu Côn và kỳ tích hổ vượt sông
Lưu Côn (thế kỷ 1 TCN~năm 57 TCN), tự Hoàn Công, là một nho sĩ có khí tiết và phẩm hạnh cao siêu thời nhà Hán. Ông sinh ra ở Đông Hôn, Trần Lưu (nay thuộc Khai Phong, Hà Nam), là hậu duệ của Lương Hiếu Vương. Từ nhỏ ông đã được học phong thái và lễ nghi tiến thoái, giỏi đánh cổ cầm chỉ bằng một tay.
Dưới thời Vương Mãng, ông dốc lòng truyền bá văn hóa chính thống, đệ tử theo học luôn có hơn 500 người. Hàng năm vào mùa xuân thu, Lưu Côn sẽ tổ chức một buổi lễ thưởng thức bắn cung, ngay cả huyện chủ cũng dẫn theo người tới xem. Vương Mãng đã dùng việc này để kết tội ông, nói rằng Lưu Côn thường tụ tập đệ tử, lén lút cử hành đại lễ, có tâm tiếm quyền, sau đó giam Lưu Côn cùng người nhà vào ngục. Về sau, chính quyền của Vương Mãng sụp đổ, gia đình của Lưu Côn may mắn thoát nạn. Bấy giờ quần hùng tranh bá, thiên hạ đại loạn, Lưu Côn đến núi Phụ Độc ở Hà Nam lánh nạn.
Vào năm Kiến Vũ thứ 5 thời Quang Vũ Đế, Lưu Côn được tiến cử làm Hiếu Liêm. Ông từ chối làm quan, trốn đến Giang Lăng dạy học. Quang Vũ Đế biết chuyện, liền phong ông làm Huyện lệnh Giang Lăng, về sau lại thăng chức cho ông làm Thái thú Hoằng Nông. Mặc dù Lưu Côn phải rời khỏi bục giảng, nhưng khí tiết của ông đã mang tới những kỳ tích đáng kinh ngạc trên chốn quan trường.
Khi ông làm Huyện lệnh Giang Lăng, trong huyện mấy năm liền đều liên tục phát sinh hỏa hoạn. Lưu Côn trị hỏa như thế nào? Phương pháp của ông thì người khác học không nổi, chỉ ông mới có thể làm được. Khi hỏa hoạn phát sinh, Lưu Côn hướng tới ngọn lửa mà khấu đầu, bầu trời bỗng nhiên đổ mưa, dập tắt ngọn lửa đang cháy.
Khi ông đến Hoằng Nông làm Thái thú, dịch đạo (đường vận chuyển thư tín) ở địa phương có nhiều hổ thường xuyên lui tới, chúng thường gây nguy hại đến tính mạng người đi đường. Hoằng Nông nằm ở bờ nam Hoàng Hà, giữa Trường An và Lạc Dương. Dịch đạo Hạo Mãnh từ phía tây Lạc Dương đến Trường An là đường giao thông chính yếu giữa hai đô thành. Trước khi Lưu Côn đến nhậm chức, chính vì có hổ ẩn nấp khiến khách lữ hành lo lắng sợ hãi, việc đi lại gặp trở ngại. Lưu Côn làm Thái thú Hoằng Nông ba năm, thực thi nền chính trị nhân từ, nhân đức, người dân đều được cảm hóa. Những con hổ ẩn nấp trên đường cũng đã phát sinh cải biến, chuyện này khiến mọi người vô cùng kinh ngạc! Những con hổ cõng hổ con trên lưng, từng con một vượt sông rời đi, không còn là mối họa của lữ khách trên con đường chuyển thư nữa.
Quang Vũ Đế sau khi nghe được câu chuyện kỳ lạ “hổ cõng con vượt sông ở Hoằng Nông” thì rất ngạc nhiên và tán thưởng chính tích của Lưu Côn, phong ông làm Quang Lộc Huân. Quang Vũ Đế hỏi ông chuyện đó rốt cuộc là như thế nào: “Trước đây ngươi ở Giang Lăng đánh gió dập lửa, về sau trấn giữ Hoằng Nông, hổ vượt sông rời đi. Rốt cuộc người đã thi hành đức chính như thế nào?”
Câu trả lời của Lưu Côn rất đơn giản: “Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.” Các quan viên tả hữu đều bật cười vì sự chất phác mộc mạc của Lưu Côn. Quang Vũ Đế vô cùng tán thưởng phong thái “trưởng giả” xuất chúng của ông, yêu cầu ông dạy học cho hơn năm mươi người bao gồm Hoàng thái tử và các chư vương tiểu hầu.
Tống Quân đổi tục, hổ vượt sông rời đi
Tống Quân, Thái thú Cửu Giang dưới triều Quang Vũ Đế vào đầu thời Đông Hán, cũng đã lưu lại một câu chuyện kỳ lạ trong lịch sử về việc “thay đổi tập tục khiến hổ rời đi.”
Tống Quân, tự là Thúc Tường, quê ở An Chúng, Nam Dương. Vào những năm đầu niên hiệu Kiến Vũ thời Hán Vũ Đế, cha ông là Tống Bá nhậm chức Ngũ quan Trung lang tướng trong cung. Nhờ phụ thân, Tống Quân năm 15 tuổi đã trở thành Lang quân. Tống Quân rất chăm học, đặc biệt siêng năng nghiên cứu kinh thư, mỗi dịp có kỳ nghỉ ông đều theo học Ngũ kinh bác sĩ (quan quản lý việc giảng dạy Kinh học). Tống Quân là người thông hiểu hai kinh Thi và Lễ, giỏi việc suy nghĩ luận chứng trong những vấn đề nan giải.
Khi hơn 20 tuổi, Tống Quân nhậm chức Thần Dương Trưởng. Địa phương này có tập tục thờ vu quỷ, kết hôn với sơn quỷ. Tống Quân cho thiết lập trường học trong vùng để giáo dục người dân, nghiêm cấm dâm tự (các hình thức tế lễ tục tĩu, không phù hợp với văn hóa và đạo đức truyền thống), để người dân đi theo chính đạo, có cuộc sống yên bình. Về sau, ông nhậm chức Thái thú Cửu Giang, Thái thú Hà Nội… Tống Quân lấy đức để quản lý, khiến bách tính rất cảm kích đức trạch giáo hóa và ân huệ khoan dung hậu đãi của ông. Dân tình ở những địa phương này cũng trở nên an hòa, bình dị.
Trước khi trở thành Thái thú Cửu Giang, Tống Quân đã lập được đại công khi làm Yết Giả, thể hiện lòng trung thành và trí dũng gặp nguy không loạn. Lúc bấy giờ, người Man ở Vũ Lăng tạo phản, Tống Quân nhận được Chiếu truyền lệnh xuất binh cứu viện. Mặc dù quân tiếp viện của Phục Ba Tướng quân Mã Viện đã đến tiền tuyến và chặn được bước tiến của tặc binh, nhưng ông đã phải bỏ mạng. Đại quân mất đi Tướng soái, rất nhiều binh sĩ lại nhiễm ôn thấp chướng khí, chết hơn phân nửa, lâm vào cảnh khốn cùng. Lúc đó, Tống Quân thân là Tùy sư Giám quân đã thể hiện được mưu trí và dũng khí phi thường. Sau khi xuất quân, ông đã ngụy tạo chiếu thư giả, dùng ân uy của Hán triều chấn nhiếp người Man Di, khiến họ chém đầu tướng lĩnh của mình và đầu hàng. Tống Quân vào dinh trại tặc quân giải tán binh sĩ Man Di, thả họ về quê hương. Quân Hán không đánh mà thắng, khải hoàn trở về triều đình. Trước khi về triều, Tống Quân đã tự cáo tội tạo chiếu thư giả, xin triều đình trị tội. Quang Vũ Đế khen ngợi trí dũng và công lao của ông, nghênh tiếp ông về triều và ban thưởng vàng, lụa. Về sau mỗi khi chư hầu xung quanh có dị nghị, Quang Vũ Đế thường đến gặp Tống Quân tham vấn.
Khi Tống Quân đến quận Cửu Giang nhậm chức Thái thú, lại làm nên kỳ tích “đổi tục đuổi hổ.” Vào thời điểm đó, quận Cửu Giang liên tục truyền tin có hổ lộng hành, người dân thường xuyên phải chịu nạn. Mặc dù địa phương này đã nghĩ hết biện pháp, hao phí tâm lực thiết lập các loại hàng rào và cạm bẫy để bắt hổ, nhưng hổ vẫn thường làm hại bách tính địa phương.
Khi Tống Quân đến Cửu Giang, ông đã truyền công văn cho quan huyện thuộc cấp, nói rằng: “Hổ báo ở trong núi, rùa, cá sấu ở dưới nước, đều có môi trường sống riêng của chúng. Cửu Giang có thú dữ ở Giang Hoài là điều không bình thường. Hổ hại dân chúng địa phương, lỗi tại quan lại hà khắc, tàn bạo gây họa hại dân. Cho nên, huy động người dân lập rào, giăng bẫy bắt hổ sẽ không giải quyết được vấn đề căn bản. Cần phải trừ tận gốc sai lầm của những quan viên tham lam tàn nhẫn, tà ác kích loạn đó, chuyển hướng trung thành, đặt công phu vào thiện lương thì mới được. Hiện tại có thể gỡ hết toàn bộ cạm bẫy hàng rào đi, đồng thời trừ bỏ nạn bóc lột hà khắc đối với bách tính.”
Sau khi Tống Quân quản lý Cửu Giang bằng lòng nhân từ, tương truyền, những con hổ đã lần lượt vượt sông đi về phía Đông, rời khỏi quận Cửu Giang. Vào năm Trung Nguyên thứ nhất (năm 56 sau Công nguyên), nhiều nơi như Sơn Dương, đất Sở, đất Bái bùng phát nạn châu chấu. Khi những đàn châu chấu đó bay đến biên giới Cửu Giang thì chuyển hướng phân tán về phía Đông và phía Tây, không bay vào quận Cửu Giang. Những kỳ tích ở nơi này khiến Tống Quân nổi tiếng khắp xa gần.
Trong bài thơ của Lý Bạch thời Đường có câu: “Cửu Giang giai độ hổ, tam quận tận hoàn châu” [1], trong đó trích dẫn điển cố nổi tiếng “độ hổ” (hổ vượt sông) vào thời nhà Hán. Các thế hệ sau cũng lấy điển cố “hổ vượt sông” để ca ngợi cách thực thi chính trị nhân từ mà tránh được tai họa của các quan viên địa phương. Từ những câu chuyện lịch sử trên, chúng ta có thể thấy rằng những kỳ tích như hổ vượt sông rời đi, châu chấu không bay vào địa phận, đánh gió dập lửa… xác thực đã từng xảy ra, không thể nói là “mê tín”!
Những câu chuyện này nói lên điều gì?
Đức hạnh của con người và cách thực thi chính trị nhân từ của quan lại có thể tụ thành trường năng lượng thiện rất to lớn. Loại năng lượng thiện này là một trường vật chất thực sự tồn tại. Hơn nữa, nó có thể cải biến không gian vật chất, ngay cả bản năng tiên thiên của động vật cũng có thể cảm ứng được năng lượng tốt lành ấy tràn ngập trong không gian! Từ xưa đến nay, con người càng ngày càng bị bó buộc trong cái khung của không gian vật chất hữu hình, dần dần cắt đứt mối liên hệ vi diệu với không gian cao tầng siêu vật chất. Văn hóa Trung Hoa nhấn mạnh việc tu dưỡng “đạo đức,” giảng thi hành nền chính trị nhân từ, dùng đức giáo hóa khắp thiên địa. Đó là cảnh giới mỹ diệu và cao siêu, có thể cảm động trời đất và vạn vật! Đây cũng là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề và vượt qua hiện thực khó khăn.
Chú thích:
[1] Lấy từ thơ của Lý Bạch: “Trung thừa Tống Công dĩ Ngô binh tam thiên siêu Hà Nam quân thứ tầm Dương Thoát Dư chi tù tham mưu mạc phủ nhân tặng chi” (Trung thừa Tống Công đem 3,000 binh Ngô đến quân thứ Hà Nam, tìm người đang bị giam cầm trong tay Dương Thoát Dư, cho làm tham mưu nơi màn trướng, nhân đó làm thơ tặng).
Tài liệu tham khảo:
Link nội dung: https://myphamsakura.edu.vn/quan-vien-la-gi-a72576.html