>>> Quản lý nhân viên hiệu quả với chi phí 0 đồng
>>> Làm gì để quản trị khủng hoảng kịp thời?
TÀI LẺ CÂN BẰNG CUỘC SỐNG
Khó có thể hình dung cuộc sống của một con người mà 24/7 chỉ biết đến đàm phán, đấu thầu, bán hàng, chiến lược kinh doanh… Trong bộn bề những toan tính, rất cần đến những phút giây thư giãn với tiếng hát, tiếng đàn, một trò ảo thuật nho nhỏ hay màu sắc rực rỡ của những bức tranh…
Anh Nguyễn Tiến Hải, thừa nhận rằng nếu không có cây đàn ghi ta và thỉnh thoảng được cất lên tiếng hát thì “chắc tôi căng thẳng đến nổ tung đầu mất”. “Hãy tưởng tượng rằng áp lực công việc khiến con người giống như một bình khí nén và khi cất lên được tiếng hát, để tiếng hát hòa với tiếng đàn thì tâm hồn và cảm xúc như được giải phóng. Rất nhẹ nhõm và thoải mái”, anh mỉm cười chia sẻ.
Còn với anh Dương Minh Thái, CEO một công ty phần mềm thì hội họa lại là chốn anh chia sẻ cảm xúc của mình. Anh cho biết: “Khi tự mình đưa tay tạo nên những vệt màu, tôi thấy như được bước vào một thế giới khác. Thế giới của những màu sắc. Nó có thể hài hòa. Nó có thể phá cách. Nhưng dù thế nào thế giới ấy cũng là của riêng tôi, do tôi tạo ra, tôi không phải bon chen như trong đời thực. Thế giới ấy khiến tôi thấy bình yên và được thỏa sức sáng tạo”.
Không thể phủ nhận rằng, những món tài lẻ nho nhỏ chính là chất xúc tác giúp người doanh nhân lấy lại cân bằng về cảm xúc, cảm giác trong cuộc sống. Nếu chỉ có những “tài chẵn” là công việc thì thời gian đối với họ thật đơn điệu, nhàm chán và mệt mỏi. Nó còn khiến con người trở nên chai sạn với tất thảy mọi vật trong cuộc đời. Và khi ấy, xét một cách công bằng, cuộc sống đã không còn mấy ý nghĩa.
CHẤT XÚC TÁC CHO CÔNG VIỆC
Người ngoài cuộc hẳn sẽ nghi ngờ với luận điểm này. Nhưng với các doanh nhân đã “bén duyên” với một thú vui nào đó thì đây là điều đã được kiểm chứng và khẳng định.
Anh Trần Phương, giám đốc một công ty nhang chia sẻ về việc chơi piano của mình: “Với tôi, cảm xúc cho một ngày mới rất quan trọng. Tôi thường khởi động một ngày làm việc của mình bằng một bản đàn. Khi xúc cảm đã dạt dào tôi thấy hào hứng hơn với tất thảy công việc. Hơn nữa, công việc của tôi còn gắn với hoạt động tâm linh. Bởi thế, tiếng piano để tạo nên cảm xúc và làm thanh nhẹ tâm hồn là điều không thể thiếu”. Vẫn là phạm trù của cảm xúc nhưng đã tiến thêm một bước khi cảm xúc với cuộc sống nói chung hiện hữu qua những nốt nhạc, vệt màu, câu hát… đã truyền cảm hứng cho cảm xúc trong công việc.
Chưa hết. Nhắc đến tập đoàn FPT, mọi người đều “không lạ gì” với một thương hiệu kinh doanh đầy hiệu quả ở nhiều lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Giáo dục đào tạo, Quản trị phần mềm… Và cũng không ai “lạ gì” với một đội ngũ lãnh đạo “đa-zi-năng” của tập đoàn này. Ngoài “tài chính” là khả năng kinh doanh họ còn vô số tài lẻ: đàn, hát, đóng kịch, sáng tác thơ, nhạc… Vậy là mỗi đêm liên hoan, mỗi dịp kỉ niệm… nhân viên FPT có dịp hồi hộp chờ đợi các “ông sếp” vốn ngày thường “lừ lừ như ông từ vào đền” hay “hét ra lửa” sẽ trở nên lãng tử, lãng mạn, lãng đãng thậm chí “nhí nhố” như thế nào. Đằng sau những tiếng cười, những tràng pháo tay dĩ nhiên sẽ là sự gắn bó hơn với công ty, nỗ lực hơn với công việc của mỗi nhân viên.
Không dừng lại ở đó, trong những trường hợp hi hữu, chính ngón tài lẻ của doanh nhân đã hỗ trợ trực tiếp cho công việc kinh doanh vốn chứa nhiều sự gay gắt vì phải cạnh tranh. Anh Hoài Minh, giám đốc kinh doanh một công ty xây dựng vẫn còn mỉm cười thú vị khi kể lại câu chuyện của mình: “Hôm đó là buổi tiệc gặp gỡ các nhà thầu của một dự án. Nhiệm vụ của tôi hôm ấy là phải tiếp cận một nhà đầu tư nước ngoài. Công ty tôi chỉ là một doanh nghiệp cỡ trung bình, chưa có nhiều mối quan hệ lớn, đứng bên cạnh nhiều “cây đa cây đề” gặp nhau tay bắt mặt mừng tôi cũng khá “ngợp”. Đang lúng túng vì chưa tìm được cách tiếp cận “đối tượng” thì tôi để ý rằng ông ấy đến dự tiệc cùng vợ. Tôi khẽ trao đổi với chủ nhân của buổi tiệc và bắt đầu “tung chiêu” là… vốn tài lẻ ảo thuật của mình! Khỏi phải nói bà vợ của nhà đầu tư đã bất ngờ và vui mừng thế nào khi được chọn là “người ngẫu nhiên” kéo chiếc khăn ra khỏi cái hộp biến một mớ cốc chén lỉnh kỉnh thành một… đóa hoa hồng!”. Và dự án đó của công ty anh đã “thắng lớn”!
Có thể nói, trong một thế giới mà càng ngày những hoạt động làm ăn kinh doanh càng gắn kết chặt chẽ với các mối quan hệ, các hoạt động “lobby” - vận động hành lang thì một chút tài lẻ đi với tiếng cười, sự bất ngờ, thú vị… sẽ là chất xúc tác quan trọng để bắt đầu những mối quan hệ có thể “hái ra tiền”.
Không thể chối cãi tầm quan trọng của những ngón “tài lẻ” đối với cuộc sống riêng và cả công việc của doanh nhân. Đó là lí do để hiện nay, ngoài những doanh nhân có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh còn có rất nhiều người tham gia các khóa đào tạo “tài lẻ”. Tuy nhiên, cần lưu ý là đã có một bộ phận doanh nhân trước những lời khen tặng ngoại giao của đồng nghiệp, nhân viên, đối tác bất chợt sinh ra… bệnh tưởng. Họ sa đà vào tôn vinh bản thân: xuất bản thơ, sáng tác ca khúc, vẽ tranh… Họ không ý thức được rằng, tài lẻ vẫn chỉ là… tài lẻ. Nếu ngộ nhận thì tác dụng sẽ trở thành tác hại và trở thành nỗi ngần ngại, khó xử của nhiều người.
TRUNG LINH