Căn nhà của người họa sĩ mù Lê Duy Ứng ngập tràn hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây được trưng bày hơn 3.000 bức tranh, tượng điêu khắc gỗ về người cha già dân tộc. Những tác phẩm này không chỉ là những tác phẩm mang tính nghệ thuật mà còn là một phần ký ức hào hùng của dân tộc trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Năm 1971, nghe theo lời kêu gọi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người chiến sĩ Lê Duy Ứng xách balo, đeo súng lên đường như bao thanh niên khác. Năm 1975, ông tham gia đoàn quân giải phóng miền Nam, mũi tiến công từ Đà Nẵng vào thẳng Sài Gòn với nhiệm vụ ghi lại những hình ảnh lịch sử của cuộc chiến giành độc lập. Khi còn cách Sài Gòn 30km, ông bị thương hỏng hai mắt và ngất đi. Khi tỉnh lại, nghĩ rằng có thể mình sắp chết, ông Lê Duy Ứng dành toàn bộ sức lực còn lại của mình, dùng chính dòng máu chảy ra từ vết thương của mình để vẽ bức tranh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc.
Trở về từ chiến trường với thân thể không lành lặn, đặc biệt là đôi mắt - tài sản quý giá nhất của người họa sĩ đã mất đi, ông Ứng vẫn không nản chí. Trong suốt 45 năm năm qua, Ông vẫn bền bỉ sáng tác hàng ngàn bức tranh, tượng; tổ chức 44 cuộc triển lãm nghệ thuật; giành được 9 giải thưởng mỹ thuật trong và ngoài nước.
Trong căn phòng của mình, ông Ứng dành hết tâm huyết của mình cho những bức tranh, tượng điêu khắc về Bác Hồ. Nếu để nói về Bác Hồ qua từng tác phẩm, ông Ứng có thể kể lại từng câu chuyện liên quan mà không bỏ sót chi tiết nào.
Mặc dù đã được cứu chữa ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, nhưng người họa sỹ, thương binh hạng ¼ này chỉ còn một mắt thấy 2 màu đen trắng, một mắt đã mù hoàn toàn. Ông Ứng cũng không còn vẽ tranh mà chuyển qua nghệ thuật điêu khắc.
Những tác phẩm này có bức tranh được ông vẽ trong rừng khi mắt còn sáng, có những tác phẩm điêu khắc sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng sau tất cả, đó là tình cảm vô bờ bến của người chiến sĩ Cách mạng với vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Nguyễn Bắc