Ở cấp độ nhẹ, người bệnh sốt xuất huyết có thể kiểm soát triệu chứng tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp nặng cần can thiệp y tế. Vậy cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết hay cách chăm sóc người bị sốt xuất huyết tại nhà như thế nào?
Chẩn đoán tình trạng sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus dengue gây ra, có thể lây nhiễm cho mọi đối tượng thông qua vết cắn của muỗi. Theo thống kê, khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc phải bệnh lý này [1]. Việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách giúp giảm triệu chứng, bảo vệ sức khỏe của người bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm. Thông thường, sốt xuất huyết được chẩn đoán thông qua một số phương pháp như:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra triệu chứng như sốt, xuất huyết dưới da… và khai thác một số thông tin như tiền sử bệnh lý, lịch sử di chuyển, môi trường sống…
- Khám cận lâm sàng: Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm kháng dengue NS1, xét nghiệm kháng thể IgM, xét nghiệm kháng thể IgG. Các xét nghiệm này giúp cung cấp chính xác thông tin về chủng virus đang gặp phải và mức độ bệnh, từ đó đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác, giúp xác định hướng điều trị, chăm sóc bệnh sốt xuất huyết phù hợp.
>> Tham khảo: Bị sốt xuất huyết nên làm gì?
Gợi ý hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết được chia làm 3 cấp độ. Với cấp độ nhẹ, thông thường người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp bệnh lý tiến triển nặng, người bệnh cần đến bệnh viện để được can thiệp y tế, điều trị kịp thời. Người bệnh nên tham vấn bác sĩ về cách chăm sóc tại nhà cụ thể cho từng trường hợp. Dưới đây là một số hướng dẫn chung về chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết:
1. Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết nhẹ tại nhà
- Người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh các hoạt động yêu cầu thể lực cao.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất, ưu tiên thực phẩm, trái cây nhiều vitamin và khoáng chất để tăng đề kháng. Uống đủ lượng nước cơ thể cần ngay cả khi không cảm thấy khát.
- Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà cần lưu ý điều chỉnh cách hấp thu dinh dưỡng phù hợp, ưu tiên các món súp, cháo loãng để đảm bảo dinh dưỡng và năng lượng cho người bệnh mà không gây áp lực lên hệ tiêu hóa.
- Dùng acetaminophen hoặc paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ để giảm đau và hạ sốt. Tránh tự ý dùng các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, aspirin, naproxen natri…
- Theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh và thông báo với bác sĩ hoặc đến trực tiếp bệnh viện để được kiểm tra và xử lý nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
2. Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết nặng
Trường hợp bệnh lý tiến triển nặng với những triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn ói, lừ đừ, chảy máu mũi hoặc nướu, mệt mỏi… cần đưa người bệnh đến các bệnh viện lớn để được can thiệp y tế nhanh chóng. Hiện chưa có thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết [2], do đó bác sĩ sẽ điều trị dựa trên triệu chứng người bệnh gặp phải gồm:
- Dùng thuốc hoặc truyền dịch và chất điện giải.
- Truyền máu bù vào lượng máu đã mất.
- Theo dõi chỉ số sinh tồn và can thiệp khi có dấu hiệu bất thường.
- Người nhà hỗ trợ chăm sóc người bị sốt xuất huyết nặng tại bệnh viện theo tư vấn của bác sĩ.
Dinh dưỡng cho người bị sốt xuất huyết
Bên cạnh điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ sinh hoạt hợp lý, dinh dưỡng khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết dengue hiệu quả. Người bệnh nên được thăm khám và điều chỉnh chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là một số lưu ý chung về dinh dưỡng cho người sốt xuất huyết:
1. Nhu cầu dinh dưỡng
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể thông qua nước lọc, nước ép, thức ăn lỏng, nước điện giải hoặc dịch truyền trong quá trình chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
- Cung cấp đầy đủ và cân bằng các nhóm dưỡng chất thiết yếu nhằm duy trì calo, năng lượng cho cơ thể.
- Ưu tiên bổ sung vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C nhằm hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục.
2. Chế độ dinh dưỡng và lưu ý cách ăn uống
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ là một trong những lưu ý trong cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, người bệnh có thể ăn 4 - 6 bữa thay vì tập trung vào 3 bữa chính.
- Ưu tiên thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, đồ luộc hoặc hấp…
- Tham khảo nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như trái cây họ cam quýt, cà rốt, khoai lang, thịt nạc, các loại đậu…
- Tăng lượng protein nạc từ thịt gà, trứng, cá, thịt bò… trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày.
- Có thể bổ sung các sản phẩm từ sữa như sữa tách béo, pho mát, sữa chua tách béo… Trường hợp mắc hội chứng không dung nạp lactose có thể thay thế bằng sữa có nguồn gốc từ thực vật như sữa đậu nành, sữa gạo, sữa hạnh nhân, sữa yến mạch…
3. Những loại thực phẩm và đồ uống cần tránh
- Đồ ăn cay mặn như thịt muối, cá hộp, xúc xích, giò chả, mì ăn liền, lẩu chua cay… có thể làm trầm trọng hơn tình trạng mất nước. Do đó, cần tránh nhóm thực phẩm này trong thời gian điều trị và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết.
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo có thể gây nên tình trạng khó tiêu, đầy hơi và buồn nôn. Vì vậy, bạn cần tránh nhóm thức ăn nhiều chất béo như đồ chiên, pizza, bánh mì, snack…
- Khi chăm bệnh nhân bị sốt xuất huyết cần hạn chế thức ăn, đồ uống sinh khí như nước ngọt có ga, đồ muối chua, đậu lăng, củ cải, bông cải xanh, súp lơ, hành tây… vì chúng có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh lý sốt xuất huyết.
- Người sốt xuất huyết không nên tiêu thụ rượu bia và đồ uống có cồn vì chúng là tác nhân gây hại cho sức khỏe, khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi, thiếu tỉnh táo.
- Đồ uống chứa caffein như cà phê, trà đặc cũng cần hạn chế trong thời gian điều trị sốt xuất huyết.
Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị sốt xuất huyết
Nhằm giúp nâng cao hiệu quả điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người nhà cần lưu ý một số vấn đề sau khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết:
1. Không gian nằm nghỉ thoáng mát
Nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, thoáng mát giúp giảm nhiệt độ cơ thể và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Người nhà cần lưu ý, không để người bệnh nằm ở nơi có ánh nắng trực tiếp hoặc gió mạnh.
2. Lau mát cho bệnh nhân khi sốt
Người nhà có thể dùng khăn mềm để lau mát cho người bệnh khi sốt, đặc biệt là ở những vùng như nách, bẹn, cổ… điều này giúp giãn mạch máu, từ đó hỗ trợ làm mát cơ thể. Ngoài ra, việc lau mát còn giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
3. Không tự ý truyền dịch hay sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định
Việc tự ý truyền dịch, sử dụng thuốc trong quá trình chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà khi chưa được sự cho phép của bác sĩ có thể dẫn đến những phản ứng phụ nguy hiểm như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ, tương tác thuốc tiêu cực, tổn thương các cơ quan trong cơ thể… Do đó, người nhà chỉ cho người bệnh dùng thuốc theo đơn kê hoặc hướng dẫn của bác sĩ.
Các biến chứng nguy hiểm từ sốt xuất huyết có thể xảy ra
Sốt xuất huyết diễn tiến từ nhẹ đến nặng, nếu không được can thiệp y tế và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Giảm tiểu cầu bất thường
- Đông máu
- Suy tim, suy thận
- Sốc do mất máu
- Suy đa tạng: suy gan tối cấp, suy thận, suy tim, tụt huyết áp…
- Xuất huyết não
- Tràn dịch màng phổi
- Hôn mê
- Tổn thương mắt
- Bệnh lý tiến triển nặng có thể gây chảy máu ồ ạt, thậm chí là tử vong
- Sốt xuất huyết khi đang mang thai có thể gây sảy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân
Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm, việc phát hiện và điều trị sốt xuất huyết giai đoạn sớm là rất quan trọng. Trường hợp phát hiện bản thân hoặc người nhà có các dấu hiệu của sốt xuất huyết, cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra, can thiệp y tế và tiếp nhận hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết hiệu quả.
Làm gì để phòng tránh lây nhiễm sốt xuất huyết?
Sốt xuất huyết có thể truyền nhiễm thông qua muỗi [3], để tránh tình trạng lây nhiễm bệnh lý, cần lưu ý một số vấn đề trong cách chăm sóc bệnh sốt xuất huyết tại nhà như:
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, dọn dẹp các vũng nước đọng
- Dùng màn chống muỗi ngay cả khi ngủ ngày
- Sử dụng kem chống muỗi, nhang muỗi, xịt muỗi
- Sử dụng điều hòa (nếu có)
- Hạn chế muỗi vào nhà bằng cách gắn rèm chống muỗi cho cửa, cửa sổ
Đặc biệt, tiêm ngừa vắc xin phòng chống sốt xuất huyết. Mới đây, Việt Nam đã có vắc xin sốt xuất huyết của Nhật Bản (đã được tiêm tại hơn 40 quốc gia trong nhiều năm qua, được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép), triển khai tiêm đầu tiên tại gần 200 trung tâm VNVC cho người dân. Mỗi gia đình có thể đưa trẻ từ 4 tuổi và người lớn đến VNVC tiêm chủng loại vắc xin hữu ích này để ngừa bệnh sốt xuất huyết hiệu quả.
Bên cạnh những lưu ý trên, người bệnh cũng có thể tham vấn bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến cách phòng tránh lây nhiễm cũng như chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết.
Để được tư vấn về cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cũng như phòng ngừa căn bệnh này, bạn có thể liên hệ chuyên khoa Nội Tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Tâm Anh Quận 7, Tâm Anh Quận 8 qua hotline hoặc đặt lịch trực tiếp tại website/fanpage của bệnh viện.
Bài viết trên đã cung cấp phần nào thông tin về chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết, cách chăm sóc người sốt xuất huyết hay chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết dengue. Để bảo vệ sức khỏe, ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường liên quan đến bệnh lý này, người bệnh cần thăm khám trực tiếp để được chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với bản thân.